Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống một số bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ như các bệnh về da, mắt, đường tiêu hóa, các trường hợp tai nạn thương tích như điện giật, đuối nước...
Cử cán bộ bám sát các xã cùng với trạm y tế hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước; phối hợp với các địa phương tiến hành phun thuốc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh thường gặp sau mưa, lũ dễ bùng phát.
Theo các chuyên gia Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, sau lũ và ngập lụt các ổ dịch bệnh truyền nhiễm rất dễ xảy ra như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, đặc biệt cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, ...
"Người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác.
Cần triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau bão lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ"- Bộ Y tế khuyến cáo.
Trước tình trạng ngập lụt sau bão lũ, Bộ Y tế cũng đã có công văn số 805/MT-SKHC của Cục Quản lý Môi trường Y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải cơ sở y tế sau bão lũ.
Trạm y tế dã chiến
Liên quan đến công tác đảm bảo y tế tại vùng ngập, úng huyện Chương Mỹ, tại xã Nam Phương Tiến, TTYT phối hợp với Trạm Y tế xã Nam Phương Tiến đã thành lập trạm y tế dã chiến thường trực cấp cứu 24/24 giờ, tổ chức cấp phát thuốc cho người dân bị cô lập như thuốc ngoài da, thuốc phòng chống đau mắt đỏ, hóa chất CloraminB, phèn chua, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh mùa mưa lũ.