Nỗi lo của người xin tinh trùng: Sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết

Như Loan |

Hiếm muộn nhiều năm nhưng người đàn ông không dám xin tinh trùng sinh con vì vợ sợ mang thai bằng tinh trùng người lạ sau này sẽ bị đòi lại con.

Vợ chồng anh Lò Văn Chư (35 tuổi, Sơn La) cưới nhau gần 10 năm nhưng chưa có con do anh gặp biến chứng quai bị dẫn đến teo tinh hoàn, không có tinh trùng. Qua báo đài, anh biết đến dịch vụ hỗ trợ sinh sản bằng việc xin tinh trùng từ ngân hàng.

Nhiều lần anh định xuống Hà Nội xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vợ anh kịch liệt phản đối do sợ mang thai bằng tinh trùng người lạ, sau này họ sẽ đòi lại con.

Người vợ còn lo ngại về nguy cơ kết hôn cận huyết giữa những đứa con sinh ra từ tinh trùng của cùng một người bố. Đắn đo suốt nhiều năm, hiện anh chị vẫn chưa thể lựa chọn phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Nỗi lo của người xin tinh trùng: Sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết- Ảnh 1.

Mẫu tinh trùng sau khi hiến sẽ được đưa vào lọ chuyên dụng. (Ảnh: Duy Anh)

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nam giới có vấn đề bị bất thường, khiếm khuyết về tinh trùng trên thế giới và cả Việt Nam thường có hai xu hướng. Đó là cố gắng chữa nhờ vào kỹ thuật hiện đại giúp những người có ít tinh trùng, tinh trùng yếu vẫn có thể thụ tinh trong ống nghiệm; hoặc tới ngân hàng để xin tinh trùng.

Thực tế người nhận tinh trùng vẫn còn nhiều e ngại. Trước hết họ lo sợ bị đòi hoặc chia sẻ con. Nhiều cặp hiếm muộn sau khi nhận tinh trùng thường chọn cách chuyển chỗ ở, thay số điện thoại vì sợ người hiến sẽ tìm đến nhận con.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên tắc cho và nhận tinh trùng cần đảm bảo người hiến phải bí mật, tự nguyện và vô danh. Nghĩa là, sau khi hiến và thu được mẫu tinh trùng đảm bảo chất lượng, toàn bộ thông tin của người cho sẽ được xóa bỏ, mẫu tinh trùng được mã hóa bằng con số.

Trong trường hợp người nhận dẫn theo người hiến đến cơ sở y tế, họ cũng không được phép dùng ngay mẫu tinh trùng của người đó để thụ thai. Khi đó, mẫu tinh trùng sẽ được tráo đổi, thay thế bằng mẫu ngẫu nhiên khác.

Do đó, con sau khi được thụ thai thành công từ mẫu tinh trùng hiến tặng vĩnh viễn không thể biết được ai là người bố sinh học (bố đẻ) của mình, kể cả trong các trường hợp bắt buộc phải tìm huyết thống để chữa bệnh (ghép tạng, ghép tủy).

Chuyên gia chia sẻ một số trường hợp người đến hiến yêu cầu muốn biết người nhận là ai. Song theo quy tắc, các bác sĩ không thể tiết lộ. Việc chọn mẫu tinh trùng để hỗ trợ sinh sản cho người nhận là ngẫu nhiên. Do đó, khả năng đòi con sau này sẽ không thể xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà thông tin thêm, một trong những lý do khiến ngân hàng tinh trùng luôn khan hiếm là tâm lý e dè, lo ngại về nguy cơ kết hôn cận huyết giữa những đứa con sinh ra từ tinh trùng của cùng một người bố.

Ở nước ta, quy định về cho và nhận tinh trùng rất rõ ràng. Những người hiến tặng tại trung tâm chỉ được phép cho một lần duy nhất. Tinh trùng của người cho cũng chỉ được sử dụng cho một người nhận. Vì vậy, chuyện hai đứa trẻ sinh ra cùng mẫu tinh trùng gặp nhau, kết hôn là rất khó.

Tuy nhiên điều này chỉ đảm bảo nếu việc cho và nhận được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm uy tín được cấp phép và có nguồn tinh trùng rõ nguồn gốc, chất lượng đã được sàng lọc cẩn thận.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế thì tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam tới 7,7%, tức là cả nước hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Khoảng 40% trong số những cặp vợ chồng bị vô sinh có nguyên nhân là do vô sinh nam. Nhiều người chồng phải đến khi đi khám mới phát hiện ra mình có rất ít tinh trùng, tinh trùng yếu, dị dạng, thậm chí không có tinh trùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại