Nga sắp triển khai vũ khí tới sát Phần Lan
Hãng tin Euractiv (Bỉ) đưa tin, ông Sergei Chemezov - người đứng đầu tập đoàn quốc phòng nhà nước Rostec của Nga ngày 27/12 cho biết, Moscow sẽ sớm triển khai các hệ thống pháo mới nhất tới Quân khu phía bắc, giáp ranh Phần Lan và Na Uy – hai quốc gia có những động thái gần đây làm gia tăng căng thẳng với Nga.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, ông Chemezov thông báo quá trình thử nghiệm đối với các hệ thống pháo tự hành Coalition-SV đã hoàn tất và quá trình sản xuất hàng loạt đã bắt đầu. Lô thí điểm đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm 2023.
"Các hệ thống pháo Coalition-SV sẽ sớm có mặt ở đó (Quân khu phía bắc)" – Ông Chemezov nói, nhấn mạnh rằng loại pháo này mang tới lợi thế so với các mẫu pháo của phương Tây về tầm bắn.
Trước đó, vào năm 2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh nâng cấp Hạm đội phương Bắc của Nga thành Quân khu phía Bắc, sáp nhập vào đó cả khu vực Murmansk – nơi có chung biên giới với Phần Lan và Na Uy.
Pháo tự hành Coalition-SV có tầm bắn lên tới 70km, trang bị pháo 2A88 cỡ nòng 152mm. Bên cạnh đó, mẫu pháo này còn được trang bị các hệ thống ngắm mục tiêu và điều hướng vũ khí hiện đại, có độ tự động hóa cao.
Theo Militaryleak, một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Coalition-SV là tốc độ bắn phi thường, vượt quá 10 phát mỗi phút. Tối đa có thể bắn tới 16 phát/ phút - một kỷ lục đối với pháo tự hành do Nga chế tạo.
Đáng lưu ý, động thái này của Nga diễn ra sau khi Phần Lan quyết định đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ với Nga (thời hạn kéo dài tới ngày 14/1/2024), trong khi Na Uy đang cân nhắc quyết định tương tự và đã triển khai các vật cản xe tăng bằng bê tông, còn gọi là "răng rồng" ở cửa khẩu Narva giáp biên giới Nga.
Cả hai nước đều cáo buộc Nga "vũ khí hóa" dòng người di cư nhằm gây ra cuộc khủng hoảng ở châu Âu, dù Moscow đã lên tiếng phủ nhận.
Riêng Phần Lan trong năm nay đã ít nhất 3 lần có động thái làm leo thang căng thẳng với Nga. Quốc gia Bắc Âu đã chính thức trở thành thành viên NATO vào tháng 4 năm nay để đáp trả việc Nga đưa quân tới Ukraine đầu năm 2022, bất chấp Moscow nhiều lần cảnh báo.
Đỉnh điểm căng thẳng giữa hai phía gần đây là khi Phần Lan quyết định ký kết thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, trong đó cho phép Washington tiếp cận rộng rãi khu vực lân cận biên giới Phần Lan - Nga.
Với thỏa thuận này, quân đội Mỹ có quyền tiếp cận 15 khu quân sự của Phần Lan mà không bị cản trở, và có thể lưu trữ tại đó các thiết bị quân sự, cũng như đạn dược.
Hôm 19/12, Nga đã triệu Đại sứ Phần Lan để phản đối thỏa thuận quốc phòng với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: "Biến một khu vực có quan hệ láng giềng tốt thành một khu vực có thể xảy ra đối đầu - trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về Phần Lan.
Moscow sẽ không để yên việc NATO tăng cường tiềm lực quân sự ở biên giới Nga, đe dọa an ninh Liên bang Nga và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để chống lại quyết định gây hấn của Phần Lan, cũng như của đồng minh NATO".
Trước đó 2 ngày, phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước Nga Russia 1, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo, "sẽ có vấn đề" với nước láng giềng Phần Lan sau động thái gây căng thẳng.
Ông Putin đồng thời tuyên bố tái thành lập quân khu Leningrad (với quân số trước khi giải thể năm 2010 là 28.700 người), phạm vi phụ trách sẽ bao trùm St. Petersburg, Leningrad và các khu vực lân cận.
"Chúng tôi (Nga và Phần Lan) từng có mối quan hệ tốt đẹp, thân mật nhất. Đã từng không có vấn đề gì nhưng giờ sẽ có, bởi chúng tôi sẽ thành lập quân khu Leningrad, và chắc chắn sẽ tập kết các đơn vị quân đội ở đó" – Nhà lãnh đạo Nga nói.
Hiện tại, với việc đưa các hệ thống pháo tối tân Coalition-SV tới sát Phần Lan, Moscow một lần nữa gửi đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ của mình tới quốc gia Bắc Âu.
Phần Lan sẽ 'hứng chịu đầu tiên' nếu Nga-NATO leo thang
Cũng trong ngày 27/12, RIA Novosti dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết, Phần Lan sẽ là quốc gia đầu tiên chịu thiệt hại trong trường hợp căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, do quốc gia này nằm gần Nga.
"Họ đã sống một cách bình lặng và hòa bình, sau đó đột nhiên đứng giữa Nga – NATO với tư cách là thành viên của liên minh đó… Trong trường hợp có sự leo thang nào đó, họ sẽ là những người đầu tiên chịu thiệt hại" – Ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) cho hay.
Tờ Politico nhận định, việc Phần Lan ký kết thỏa thuận quốc phòng với Mỹ cho thấy các nước Bắc Âu đang gấp rút trú ẩn dưới chiếc ô an ninh của Washington.
Lập trường trung lập trước đây của Helsinki đã chấm dứt hoàn toàn khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine tháng 2/2022. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ khôi phục Quân khu Leningrad đã tạo động lực mới để Phần Lan cho phép Mỹ đóng quân trên lãnh thổ của mình.
"Động lực chính cho tất cả các thỏa thuận này là cuộc chiến của Nga, những lo ngại về an ninh châu Âu và việc cần có thêm lực lượng Mỹ ở phía đông, đặc biệt là trong trường hợp của Phần Lan" – Ông Max Bergmann, Giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu nhận định.
Washington cũng đã ký thỏa thuận tương tự với Iceland và Na Uy trong những năm trước, cho phép quân đội Mỹ có cơ sở pháp lý để đóng quân ở tất cả các quốc gia thuộc khu vực Bắc Âu.