Nói là làm, Ai Cập điều 3 lữ đoàn xe tăng áp sát Libya: Bất ngờ phản ứng của Algeria

Trà Khánh |

Việc Ai Cập can thiệp quân sự vào Libya có thể đẩy khu vực vào một vòng xoáy chiến tranh mới, bởi có nhiều thông tin cho thấy Algeria sẽ đứng về phía lực lượng GNA.

Ai Cập đưa 3 lữ đoàn xe tăng áp sát Libya

Theo tờ Topcor của Nga, Quốc hội Ai Cập hôm 20/7 đã thông qua đề xuất của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi cho phép lực lượng vũ trang nước này thực hiện các chiến dịch quân sự ở bên ngoài biên giới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Đây có thể được xem là bước đi đầu tiên để Cairo can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Libya.

Hiện tại, cả Trung Đông và Bắc Phi đều đang "nín thở" đợi bài phát biểu chính thức của Tổng thống Ai Cập El-Sisi về vấn đề này. Thế nhưng rất khó đoán định được việc Cairo sẽ đi xa tới đâu trong cuộc chiến ở Libya.

Lập trường của Cairo đối với vấn đề Libya trước nay luôn khá rõ ràng, việc ai lên nắm quyền ở Tripoli ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh và lợi ích quốc gia của Ai Cập. Chính vì vậy, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar nhận được sự hỗ trợ quân sự gần như không giới hạn từ Cairo.

Tuy nhiên, việc quân của tướng Haftar liên tiếp thua đau trước lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) cũng như quân Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây đã khiến Ai Cập cảm thấy họ không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc.

Topcop dẫn một số nguồn tin cho biết, Quân đội Ai Cập đã điều động từ 2-3 lữ đoàn xe tăng đến sát biên giới Libya, hỗ trợ cho các đơn vị này còn có cả không quân. Chỉ cần Tổng thống El-Sisi ra lệnh, xe tăng của Ai Cập sẽ ngay lập tức vượt qua biên giới.

Các hoạt động quân sự của Ai Cập gần biên giới Libya cũng như trên Địa Trung Hải cũng cho thấy Cairo đã sẵn sàng tham chiến.

Nói là làm, Ai Cập điều 3 lữ đoàn xe tăng áp sát Libya: Bất ngờ phản ứng của Algeria - Ảnh 2.

Với 3 lữ đoàn xe tăng ở biên giới, Ai Cập có thể đưa quân vào Libya bất cứ lúc nào. Ảnh: carnegie-mec.org.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát quân sự Azerbaijan nhận định "con đường" mà Ai Cập đã chọn để bảo vệ lợi ích của họ tại Libya hay quân đội của tướng Haftar sẽ không dễ đi. Cần phải hiểu rõ rằng đứng sau chống lưng cho GNA là Thổ Nhĩ Kỳ và họ có trong tay lực lượng lính đánh thuê đông đảo lên đến hàng ngàn quân.

Có lẽ tướng Haftar là người hiểu rõ nhất sức mạnh của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya sau những thất bại đau đớn ở Al-Watiya và Tripoli.

Chưa dừng ở đó, Algeria cũng bất ngờ ra tuyên bố sẽ đứng về phía GNA nếu quân Ai Cập tiến vào Libya, Algiers xem đây là hành động tuyên chiến và sẵn sàng sử dụng các biện pháp quân sự để đáp trả.

Ở thời điểm hiện tại, GNA và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang ráo riết chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm lấy lại thành phố chiến lược Sirte và căn cứ không quân Al-Jufra từ tay tướng Haftar.

Nếu GNA và đồng minh tái chiếm thành công Sirte thì tướng Haftar sẽ lâm vào hoành cảnh cực kỳ khó khăn, bởi thành phố này kiểm soát tới 2/3 lượng dầu mỏ xuất khẩu của Libya hàng năm. Không có dầu cũng đồng nghĩa với việc không có tiền để mua vũ khí hay tiếp tục cuộc chiến. 

Việc trận đánh ở Sirte có khơi mào cho một cuộc xung đột quy mô lớn ở Bắc Phi hay không phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, bởi nếu GNA không tiến đánh Sirte thì Ai Cập cũng sẽ không có cớ để đưa quân vào Libya.

Algeria hành động, tên lửa Iskander-E thẳng tiến ra biên giới?

Tình hình phức tạp ở Libya hiện nay có thể phát triển thành cuộc xung đột của toàn khu vực, đó là do sự can thiệp cùng lúc của một số thế lực bên ngoài vào cuộc chiến này. Nếu như vào đầu năm 2020 mới chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tham chiến thì giờ đây đã có thêm Ai Cập và sắp tới có thể là cả Algeria.

Như đã nói ở trên, Algiers xem việc Ai Cập đưa quân vào Libya không khác gì việc tuyên chiến với nước này. Ngay từ cuối năm 2019, Algeria đã duy trì một lượng lớn quân dọc theo khu vực biên giới với Libya và Tunisia nhằm chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất. 

Nói là làm, Ai Cập điều 3 lữ đoàn xe tăng áp sát Libya: Bất ngờ phản ứng của Algeria - Ảnh 3.

Việc Algeria tham chiến cùng với các tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E có thể làm thay đổi cục diện chiến trường Libya hiện tại. Ảnh: Life.ru.

Nếu xét về tiềm lực quân sự, Algeria được xem là một thế lực lớn ở Bắc Phi và Địa Trung Hải, quy mô quân đội của Algeria không hề thua kém Ai Cập thậm chí còn vượt trội hơn ở một số mặt.

Topcor dẫn một số nguồn tin cho biết, Quân đội có thể đã triển khai các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E đến gần biên giới Libya nhằm đáp đáp trả việc Quốc hội Ai Cập "bật đèn xanh" cho các hoạt động quân sự của Cairo ở Libya.

Còn theo các chuyên gia quân sự của Avia.Pro nhận định, sự xuất hiện của tên lửa Iskander-E có thể trở thành yếu tố quyết định bên nào sẽ chiến thắng trong cuộc xung đột Libya hay ít nhất là ở Sirte.

Avia.Pro còn cho biết, Quân đội Algeria hiện có trong tay 4 trung đoàn tên lửa Iskander-E do Nga sản xuất nhưng chưa rõ số lượng cụ thể các tổ hợp Iskander được triển khai tới biên giới với Libya.

Hiện, Bộ Quốc phòng Algeria vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin trên.

Quân đội Ai Cập phô diễn sức mạnh trong các cuộc tập trận gần biên giới Libya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại