Nên làm gì với một tài sản đã gắn bó với gia đình trong 1 thời gian dài thường là quyết định rất khó khăn cả về mặt cảm xúc và tài chính. Tuy nhiên, theo các cố vấn tài chính, với chi phí cải tạo, chi phí điện nước cùng với số thuế bất động sản phải nộp ngày càng tăng như hiện nay, những người trẻ tuổi ngày càng khó giữ được căn nhà mà mình được thừa kế.
Giá nhà và lãi suất thế chấp tăng khiến lựa chọn mua lại phần thừa kế của các anh chị em trong nhà cũng trở nên bất khả thi.
Do đó, giá nhà tăng cao trong vài năm trở lại đây lại khiến bán nhà trở thành lựa chọn hấp dẫn. Nếu ngôi nhà được thừa kế nằm ở địa điểm “hot” và có giá cao, số tiền thu được sẽ giúp đảm bảo tài chính ở thời điểm hiện tại cũng như tài trợ cho các mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu.
Aaron Buchbinder, môi giới bất động sản ở Boca Raton, Florida, đang hỗ trợ 1 trường hợp như vậy. Khách hàng của anh là 3 anh em được thừa kế 1 căn chung cư ở Florida từ người bà của họ nhưng hiện cả 3 đều đã lập nghiệp ở bang khác. Họ từng thảo luận về việc giữ lại căn nhà để cho thuê nhưng cuối cùng chọn phương án bán vì các chi phí quá cao.
Tiền mặt là vua
“Đối với những người thừa kế, tiền mặt là vua”, Paige Wilbur, người phụ trách mảng dịch vụ bất động sản tại Wells Fargo nói.
Lâu nay để lại nhà cho con vẫn là cách thường thấy để chuyển giao tài sản. Hiện chưa có dữ liệu thống kê về các ngôi nhà được thừa kế trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, 1 khảo sát được thực hiện bởi Charles Schwab năm 2023 trên hơn 700 nhà đầu tư Mỹ trong độ tuổi từ 27 đến 95 cho thấy hơn 75% bậc cha mẹ có kế hoạch làm như vậy khi qua đời.
Một số con cái sẽ do dự không muốn bán vì những lý do liên quan đến tình cảm, nhưng những lợi ích về tài chính thường chiến thắng trước các yếu tố cảm xúc. Gần 70% người được thừa kế nhà có kế hoạch bán đi ngôi nhà bố mẹ để lại.
Heidi Whaley và chị gái Melissa Mills được thừa kế 1 căn nhà từ bố mẹ. Tuy nhiên họ đã lựa chọn đăng bán ngôi nhà với giá 3,5 triệu USD dù cảm thấy khá buồn khi phải rời xa nơi mình đã lớn lên. Hiện đều đã nghỉ hưu và sinh sống ở gần đó, họ không thể trang trải được các chi phí cần thiết để duy trì ngôi nhà rộng gần 400m2 tràn ngập kỷ niệm thời thơ ấu.
Lạm phát khiến chi phí sửa chữa, tu bổ những ngôi nhà tăng lên theo thời gian. Người mua cũng sẽ thích những ngôi nhà mới hơn là nhà cũ, vì thế lựa chọn bán đi sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
Giữ lại bất động sản nghỉ dưỡng
Theo các chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, hiện tượng này là 1 phần trong xu hướng chung thể hiện đặc điểm mang tính thế hệ. Ngày nay, người trẻ không còn coi một số tài sản hữu hình là thứ có giá trị rất lớn như thế hệ trước.
Ví dụ, chi phí cải tạo quá đắt đỏ trong khi nếu muốn dọn về ở tại những ngôi nhà cũ thì người trẻ sẽ phải thay đổi toàn bộ nội thất. Mặc dù ngôi nhà cũ ấm cúng và mang lại nhiều giá trị tinh thần, con cái không muốn sống ở đó nếu họ coi chi phí cải tạo theo ý thích của mình là quá đắt đỏ.
Không giống như nhà ở, bất động sản thứ hai và những căn nhà nghỉ dưỡng thường được giữ lại ít nhất là vài năm, đặc biệt nếu như chúng tọa lạc ở những vị trí hấp dẫn. Nếu nhiều gia đình được thừa kế thì việc chia sẻ chi phí bảo trì càng dễ dàng hơn và họ có thể tự sắp xếp lịch đến nghỉ dưỡng với nhau. Khi đó tất cả mọi người đều vui vẻ.
Hãy tính đến số thuế phải nộp
Thuế vẫn là lý do chính khiến nhiều người thừa kế nhanh chóng bán nhà.
Mức giá được tính làm cơ sở để đánh thuế đối với 1 căn nhà được thừa kế thường được xác định vào thời điểm người để lại tài sản qua đời. Giá trị tăng lên sau đó của ngôi nhà sẽ bị đánh thuế. Dù thuế này được phân loại là thặng dư vốn dài hạn và chịu mức thuế suất thấp hơn so với loại ngắn hạn, nếu như ngôi nhà được bán đi nhanh chóng thì số thuế phải nộp sẽ rất thấp, thậm chí bằng 0.
Trong bối cảnh lãi suất tăng và nguồn tài chính của nhiều người bị thu hẹp đáng kể như hiện nay, gạt bỏ cảm xúc để nhanh chóng đưa ra quyết định sáng suốt và không hối hận về sau là điều rất quan trọng.
Tham khảo Wall Street Journal