Tuy nhiên, khi lái qua một số chướng ngại vật thì sự hành xác được nâng lên một tầm cao mới- đó là nỗi khiếp đảm.
Là loại phương tiện chiến đấu có sức cơ động việt dã cao, có thể vượt qua nhiều loại địa hình khác nhau nên trong khóa đào tạo lái xe tăng bắt buộc phải có các bài lái "vượt qua chướng ngại vật" - hoặc ngắn ngọn hơn: "vượt vật cản".
Hệ thống vật cản trong quá trình tập lái của xe tăng khá đa dạng. Từ loại đơn giản như đường hạn chế thẳng, hạn chế tránh cọc giữa, hạn chế chữ Z đến phức tạp hơn như vách đứng, vách hụt, hào chống tăng, hố bom, bãi đánh phá, sống trâu... Động tác lái qua từng vật cản là khác nhau song đều phải đạt được một số yêu cầu sau:
- Dùng tốc độ cao tiếp cận vật cản.
- Khi cách vật cản từ 5- 10 mét (khoảng cách này sẽ giảm dần sau mỗi lần tập), lái xe sẽ giảm tốc độ và đưa về số 1.
- Lái qua vật cản bằng số 1
- Khi xe đã vượt qua vật cản nhanh chóng lên số và "rời khỏi" với tốc độ cao.
Bộ đội xe tăng thực hành huấn luyện chiến đấu.
Để người lái có thể thành thục động tác lái vượt vật cản quá trình huấn luyện thường được chia làm 2 giai đoạn: lái phân đoạn và lái tổng hợp. Lái phân đoạn là tập lái qua từng vật cản một sao cho thật thành thục. Khi đã thành thục lái qua từng vật cản rồi thì mới chuyển sang lái tổng hợp - nghĩa là trong vòng lái đó sẽ lần lượt phải vượt qua tất cả các vật cản.
Tuy nhiên, trong số các vật cản phải vượt qua thì có 2 vật cản đã trở thành nỗi "khiếp đảm" của nhiều học viên và kể cả đối với các lái xe đã thành danh khác. Đó là "sống trâu" và "vách hụt".
Lái qua sống trâu - Liệu hồn với cú đập trời giáng
Sống trâu là một vật cản có dạng như một mái nhà hình tam giác cân, mỗi mái dài khoảng 3 mét và chiều cao khoảng hơn 2 mét.
Đặc điểm của lái qua vật cản này là độ dốc rất lớn nên nếu chân ga không đủ lớn có thể xe sẽ tụt lùi, nổ ngược; thứ hai là khi xe đã ngóc đầu lên thì lái xe sẽ hoàn toàn không nhìn thấy đường và thứ ba là sau khi trọng tâm của xe vượt qua đỉnh sống trâu thì phần đầu xe sẽ hạ xuống từ độ cao khoảng trên 3 mét.
Tùy theo trình độ xử lý của lái xe mà cú hạ xuống của đầu xe này sẽ nhẹ nhàng, êm dịu hay sẽ là một cú đập trời giáng.
Yếu lĩnh cơ bản khi lái qua vật cản này là khi leo lên vật cản giữ chân ga đủ lớn không để xe bị chết máy hoặc tụt lùi. Khi trọng tâm xe vượt qua đỉnh sống trâu thì giảm chân ga và có thể kéo một bên cần lái để đầu xe hạ xuống. Khi toàn bộ xe đã hạ xuống và bám mặt đường rồi thì lên số tăng tốc độ.
Lý thuyết thì đơn giản vậy song thực hành thì không hề dễ dàng chút nào. Cái thời điểm trọng tâm xe vượt qua đỉnh vật cản không phải ai cũng cảm nhận được. Và kết quả cú hạ xuống của đầu xe thường là một cú đập rất mạnh. Đã có trường hợp người lái bị chấn thương cột sống hoặc ngất do đập đầu vào thành xe...
Cũng có trường hợp do giảm ga không đúng thời cơ, xe bị chết máy trên đỉnh vật cản, bập bà bập bềnh như trò chơi bập bênh của trẻ em. Còn khi kéo cần lái giảm chấn quá sớm cũng có thể làm xe quay ngang trên đỉnh vật cản dẫn đến đổ xe.
Chính vì vậy, lái qua sống trâu được coi là một nỗi khiếp đảm của các học viên lái xe tăng. Và cũng chính bởi sự nguy hiểm của nó, từ năm 1976 sống trâu đã được loại ra khỏi hệ thống vật cản khi tập lái.
Kíp xe tăng T-90 của Nga thực hành vượt chướng ngại nước.
Qua vách hụt- Sắt thép cũng chịu thua
Không chỉ có sống trâu, một vật cản khác cũng bị rất nhiều học viên lái xe e sợ- đó là "vách hụt". Hãy hình dung trên đường cơ động gặp trường hợp mặt đường bị hạ thấp xuống một cách đột ngột như từ trên hè bước xuống sân vậy. Thông thường, xe tăng có thể vượt qua vách hụt có độ sâu 1- 1,2 mét an toàn và không xảy ra sự cố gì.
Thực ra, nếu thời gian và điều kiện cho phép thì lái xe qua vách hụt cũng không khó khăn cho lắm. Sau khi căn thẳng hướng, lái xe giữ chân ga đều và nhỏ để xe từ từ vào vật cản. Sau khi trọng tâm xe vượt qua mép vách hụt đầu xe từ từ gục xuống và tiếp đất. Sau đó cả xe sẽ trườn xuống một cách khá nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây là yêu cầu phải tiếp cận vật cản với tốc độ cao và phải về số 1 trong quãng đường vài mét cuối cùng. Ở đây có thể xảy ra mấy tình huống sau:
- Nếu động tác chưa thành thạo, phối hợp chưa tốt giữa bàn đạp hãm, chân ga, bàn đạp ly hợp, tay số,... chỉ ra được số (0) - (số "mo") mà không vào được số (1), trong khi đó xe vẫn lao với tốc độ cao theo quán tính qua vật cản.
- Cũng có trường hợp lái xe luống cuống, không phát hiện thấy vật cản và dấu hiệu bắt đầu làm động tác tiếp cận (nhất là lái đêm) không xử trí kịp nên để nguyên số cao lao qua.
Cả hai tình huống này việc hạ đầu xe xuống không còn nhẹ nhàng nữa mà sẽ là cú đập kinh hồn. Sở dĩ nói nó kinh hồn vì cú đập này không chỉ do tác động của trọng lực mà còn do tác động của quán tính nữa.
Hậu quả của cú va đập này có thể gây chấn thương cho người lái và hư hỏng cho xe. Hư hỏng hay gặp nhất là gãy trục bánh dẫn xích, gãy trục cân bằng, gãy hoặc vỡ then hoa trục xoắn thứ nhất bởi lực va đập của cú đập này chỉ tập trung vào bánh đỡ nặng thứ nhất hoặc bánh dẫn xích chứ không vào cả ½ dải xích như khi vượt qua sống trâu.
Cũng bởi nó nguy hiểm như vậy cho nên gần đây người ta đã loại nó ra khỏi hệ thống vật cản khi tập lái.
Tuy bị loại khỏi hệ thống vật cản trong quá trình huấn luyện lái song trong các giáo trình dạy lái xe vẫn có nội dung hướng dẫn động tác lái xe qua sống trâu và vách hụt với mục đích cho các lái xe khi gặp tình huống này vẫn biết cách xử trí một cách an toàn.