Trung Quốc coi nguồn nước là tài sản riêng
Trong bối cảnh khi Trung Quốc đang phải vật lộn với sự bùng phát của dịch Covid-19 ở thời điểm cuối tháng 2, Ngoại trưởng của nước này, ông Vương Nghị, đã có bài phát biểu tại Lào, nơi những người nông dân và ngư dân sinh sống dọc tuyến sông Mekong đang phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.
"Chúng tôi thấu hiểu sự khó khăn của các bạn", đó là thông điệp mà ông Vương Nghị đưa ra, đồng thời cho biết thêm chính Trung Quốc cũng phải hứng chịu tình trạng khô hạn vốn khiến mực nước sông Mekong xuống thấp.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới lần đầu tiên từ các nhà khí tượng thuỷ văn Mỹ công bố rằng Trung Quốc - nằm ở thượng nguồn của dòng sông Mekong, vốn bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng - thực chất không gặp những khó khăn giống như các nước khác chút nào.
Thay vào đó, có vẻ như chính Trung Quốc là những người trực tiếp gây ra mực nước thấp kỉ lục bằng các giới hạn lưu lượng chảy của dòng sông.
"Các dữ liệu vệ tinh không nói dối, mực nước vẫn cao ở phía đầu cao nguyên Tây Tạng, trong khi những quốc gia như Campuchia và Thái Lan đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn chưa từng có", Alan Basist, đồng tác giả của báo cáo được Eyes on Earth công bố, cho biết.
"Có một lượng nước lớn được giữ lại ở Trung Quốc", ông Basist nói.
Mekong hiện là một trong những con sông trù phú nhất trên trái đất, nơi hàng chục triệu người đang phụ thuộc vào dòng nước màu mỡ và nguồn tài nguyên cá để sinh sống, nhưng sự xuất hiện của những con đập, mà hầu hết là ở Trung Quốc, đang cướp đi nguồn tài nguyên quý giá này.
Những ngư dân đánh cá trên sông Mekong nói rằng lượng cá hàng năm mà họ đánh bắt được đang giảm từng ngày, trong khi hạn hán và những cơn lũ quét đến bất chợt luôn là sự ám ảnh của những người nông dân.
Sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với thượng nguồn sông Mekong, hiện cung cấp tới 70% lượng nước ở những khu vực hạ lưu trong thời điểm mùa khô, đang gây ra những tranh cãi ở các quốc gia Đông Nam Á, dù cho các nước này đang phải phụ thuộc thương mại đối với Trung Quốc.
"Vấn đề là lãnh đạo Trung Quốc coi nguồn nước này như một tài sản riêng, chứ không phải của chung", Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, và là tác giả của cuốn "Last Days of the Mighty Mekong" (tạm dịch là Những ngày cuối của con sông Mekong hùng vĩ).
"Đây là một phần trong chiến lược phát triển của Trung Quốc", theo ông Chainarong Setthachua, giảng viên và nhà nghiên cứu về Mekong tại trường đại học Mahasarakham ở Đông Bắc Thái Lan. "Họ không hề nghĩ đến những người dân mà cuộc sống và mưu sinh đều phụ thuộc vào sông Mekong".
Các nước hạ nguồn hạn nặng
Mô hình dữ liệu được ông Basist và đồng nghiệp là Claude Williams phát triển nhằm đo lường những yếu tố khác nhau liên quan đến dòng chảy, từ băng tan cho đến lượng mưa và độ ẩm trong đất. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, trong nhiều năm, dòng chảy tự nhiên, không bị cản trở của thượng nguồn Mekong gần như tương tự với mực nước đo được ở hạ nguồn tại Thái Lan, chỉ có ngoại lệ khi các con đập của Trung Quốc được lấp đầy hoặc xả nước.
Mỗi khi vào mùa khô hạn ở Trung Quốc, 5 quốc gia ở hạ lưu, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, sẽ cảm nhận rõ sự đi xuống của dòng nước. Nhưng khi lượng nước ở mức cao tại Trung Quốc, lũ lụt thường sẽ xuất hiện ở khu vực hạ lưu.
Nông dân Việt Nam trên cách đồng lúa ở Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: NYT.
Tuy nhiên ở thời điểm mùa mưa năm ngoái, khi ở khu vực phía Trung Quốc, mực nước sông Mekong đã vượt trên mức trung bình, các quốc gia khác ở hạ lưu phải đối mặt với tình trạng hạn hán nặng đến mức một phần của lòng sông đã khô hạn hoàn toàn, lộ ra những vết nứt lớn ở đáy sông khi đáng ra thời điểm đó là mùa đánh bắt cá đối với ngư dân.
Theo tính toán của Basist trong suốt 28 năm nghiên cứu, ông tính toán rằng các con đập đã giữ lại lượng nước cao tới 410 feet (125m). Theo đó, ông đã phản bác việc ông Vương Nghị cho rằng chính Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán, hoặc việc Trung Quốc vẫn đang xả nước xuống hạ lưu cho dù đang gặp nhiều khó khăn nội tại.
"Nhìn vào hình ảnh vệ tinh, màu nước vẫn xanh ở Trung Quốc, nhưng đỏ đậm, thể hiện sự thiếu nước trầm trọng ở Thái Lan và Campuchia", ông Basist nói. "Trung Quốc đang điều chỉnh dòng chảy thông qua các con đập".
Bên cạnh tình trạng thiếu nước thường trực, các nước ở dưới hạ lưu còn thường xuyên phải đối mặt với tình trạng xả nước bất chợt từ phía Trung Quốc, điều thường xảy ra không báo trước và gây ra thiệt hại lớn đối với người nông dân.
"Việc Trung Quốc xả nước mang yếu tố chính trị", ông Chainarong, trường đại học Mahasarakham nói. "Họ làm như thể đang ban phát lợi ích. Cho dù những điều đó gây thiệt hại cho nhiều nước, họ vẫn muốn các nước thể hiện lòng biết ơn".
Trong khi dòng sông Mekong là sinh kế của người dân dưới hạ lưu, con sông chảy qua những rãnh hẹp ở phía Trung Quốc, điều đó khiến nước này khó có thể tận dựng lợi ích tương tự các nước khác, ngoại trừ việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện.
Hiện tại, ở phía Tây Nam Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập trên sông Mekong, tạo ra nguồn cung năng lượng lớn hơn nhiều nhu cầu của khu vực này. Những con sông lớn khác chảy từ Tây Tạng, như Brahmaputra, con sông mang ý nghĩa tín ngưỡng linh thiêng đối với người Hindu ở Ấn Độ, cũng đang xuất hiện những con đập từ phía Trung Quốc.
Nguồn cung năng lượng đang dần trở nên thừa thãi là một trong những lý do khiến các nhà bảo vệ môi trường khuyến nghị Trung Quốc dừng kế hoạch xây đập trên sông Nu, hay còn gọi là Salween tại Myanmar.
Trong khi Bắc Kinh đẩy mạnh việc xây dựng các con đập trên sông Mekong, nước này từ chối tham gia cùng với Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Lào trong nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái của dòng sông. Một khảo sát của Uỷ Ban sông Mekong chỉ ra việc xuất hiện các con đập trên sông có thể làm mất đi 97% lượng trầm tích chảy xuống phía Việt Nam.
"Rồi Mekong sẽ trở thành con sông chết", Niwat Roykaew, một nhà hoạt động xã hội tại miền bắc Thái Lan.
Thay vào đó, Bắc Kinh đã khởi xướng một diễn đàn mang tên Cơ chế hợp tác Lan Thương - Mekong. Nhiều tiếng nói chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc thay vì tập trung tạo dựng cơ chế bảo vệ dòng sông, thì trở thành nơi tuyên truyền các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến sông Mekong.
Campuchia, gần đây sau khi chịu tác động mạnh từ sự xuống thấp kỉ lục của mực nước sông Mekong, đã ra tuyến bố sẽ dừng kế hoạch xây đập trên sông, dự án được cho do Trung Quốc cấp phần lớn vốn.
Trong khi đó, khi nguồn nước dữ trự ở Trung Quốc đang đầy tràn, trong các đập trữ nước là lượng lớn những khối băng tan đã tạo dựng dòng chảy cho sông Mekong trong hàng nghìn năm.
"Sông băng là nguồn dự trữ nước lớn nhưng đang tan chảy với tốc độ nhanh do tác động của biến đổi khí hậu", ông Basist nói. "Người Trung Quốc đang xây dựng những đập trữ nước ở phía thượng nguồn, bởi họ biết rằng nguồn nước rồi cũng sẽ cạn kiệt".
Trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, phía thượng nguồn sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, con đập Xiaowan đã được xây dựng với công suất 4.200MW, là con đập thủy điện lớn nhất trên sông Mekong và là đập thủy điện công suất lớn thứ 3 trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các số liệu công bố, điện sản sinh ra từ các con đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong tại các tỉnh của Trung Quốc trong đó có bao gồm Vân Nam, Tứ Xuyên không hề được hòa vào điện lưới quốc gia để phục vụ cho các tỉnh công nghiệp phía Đông Trung Quốc mà hoàn toàn bị lãng phí.
Trung Quốc thực ra không cần điện đến mức họ phải xây nhiều đập thủy điện như vậy. Việc xây dựng thủy điện là nhằm hỗ trợ cho mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên xây dựng hạ tầng.
Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ.