Tiến thoái lưỡng nan?
Moscow và Tel Aviv từ lâu đã có mối quan hệ khá tốt, bất chấp sự bất ổn ở Trung Đông vẫn đang thử thách cả hai quốc gia. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang có nguy cơ tan vỡ sau khi Nga đổ lỗi cho Israel vì sự cố máy bay IL-20 bị bắn rơi ở ngoài khơi bờ biển Syria sáng 18/9.
Mặc dù trên thực tế máy bay của Nga bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không Syria, nhưng phía Moscow vẫn đổ lỗi cho Israel là tác nhân gián tiếp gây ra thảm kịch này, trong đó nói rằng các phi công Israel đã sử dụng chiếc Il-20 của Nga để làm vật thế mạng.
Trung Đông trong lịch sử vốn là một khu vực hỗn loạn. Căng thẳng ở khu vực này tiếp tục gia tăng sau khi các thế lực cả bên trong lẫn bên ngoài cạnh tranh nhau để tìm kiếm lợi ích cho riêng mình. Tuy nhiên, Nga và Israel đã luôn điều phối phù hợp để duy trì mối quan hệ tốt đẹp.
Chỉ riêng năm nay Tổng thống Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ba lần và mỗi lần đều là các cuộc thảo luận kín. Thông qua các nỗ lực ngoại giao tinh tế, Moscow đã duy trì mối quan hệ thân thiết với Israel.
Cần lưu ý một thực tế rằng Israel là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ mà chưa bao giờ là vấn đề đau đầu đối với Moscow. Bản thân Nga vẫn tiếp tục phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, trong khi vẫn giải quyết các mối quan tâm của Israel.
Ngay cả ở Syria, nơi Israel - với hy vọng kiềm chế ảnh hưởng của Iran – đã tiến hành nhiều cuộc không kích gây tranh cãi, nhưng điều đó vẫn không khiến cho nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ với Nga.
"Việc thiếu một phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía Moscow là một phần nằm trong thỏa thuận với Israel", Gevorg Mirzayan, một chuyên gia từ Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cuộc không kích của Israel khiến cho phòng không Syria bắn nhầm máy bay IL-20 Nga ngày 18/9 có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Israel và Nga.
Moscow có thể coi điều này như là một sự vi phạm thỏa thuận. "Israel đang gặp phải một nguy cơ nghiêm trọng ở đây, bởi họ lẽ ra không nên vô tình động chạm vào thỏa thuận như vậy, đặc biệt trong lúc tình hình đang lắng xuống", chuyên gia Mirzayan giải thích.
Quan hệ Israel-Nga sau sự cố máy bay bị bắn hạ vẫn còn là dấu hỏi.
Nga có nhiều cách trả đũa Israel
Nga có rất nhiều cách trực tiếp và gián tiếp để làm tổn hại đến lợi ích của Israel, nếu nước này chọn theo đuổi các lựa chọn như vậy để trả đũa, theo lời của chuyên gia Sergey Balmasov từ viện Trung Đông.
Sau vụ việc nói trên, Moscow "gần như chắc chắn" sẽ hoàn thành việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 mà họ đã bán cho Syria trước đó.
Động thái này sẽ cung cấp cho quân đội Nga và Damascus một hệ thống mạnh mẽ hơn mà theo nhận định của nhà phân tích Balmasov: "Sẽ khiến cho không quân Israel không còn thoải mái hoành hành trong không phận Syria".
Cũng theo chuyên gia này, các lựa chọn khác của Nga sẽ bao gồm việc cung cấp vũ khí cho các bên mà Israel coi là kẻ thù của mình, như Iran hay Hezbollah ở Lebanon; đe dọa bắn hạ bất kỳ máy bay nào của Israel tiến gần không phận Syria hoặc thậm chí tấn công các mục tiêu quân sự ở Israel.
Tất nhiên, một sự leo thang như vậy sẽ không hề có lợi cho cả Israel lẫn Nga nhưng Israel mới là bên sẽ phải tự tìm cách dập tắt cuộc khủng hoảng âm ỉ này.
Sau sự cố, Nga gần như sẽ hoàn tất việc chuyển giao S-300 cho Syria.
Theo RT, hai nước có lẽ đang thảo luận về sự cố, nhưng liệu Israel sẽ sẵn sàng "xin lỗi" và "đền bù" thiệt hại cho Nga như thế nào lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Việc Nga nhanh chóng chỉ trích vụ việc một cách công khai đã cho thấy "Moscow cảm thấy họ bị xúc phạm bởi những hành động vô trách nhiệm" của người Israel, chuyên gia Nikolay Surkov từ viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, nói với RT.
Mirzayan cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể ngăn chặn tình hình leo thang bằng cách công khai thừa nhận lỗi lầm của mình và sẵn sàng bồi thường cho phía Nga.
Nếu Israel "giữ im lặng, từ chối trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho người Syria, hậu quả có thể là nghiêm trọng đối với Israel", ông nói.
Cho đến lúc này, IDF vẫn tuyên bố rằng trách nhiệm về vụ việc đáng tiếc liên quan đến máy bay Il-20 không phải của họ, mà là do Syria, Iran và Hezbollah.
Quan hệ Nga-Israel quá quý giá để bị tổn hại?
Trong khi Moscow mô tả hành động của Israel là "liều lĩnh" và "không thân thiện", một số nhà phân tích tin rằng đây vụ việc có thể sớm chìm xuồng và ít gây hại cho mối quan hệ hai nước.
"Rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để ngăn chặn sự cố như vậy xảy ra", Nikolay Surkov, một nhà nghiên cứu cao cấp tại viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế tại Moscow, nói.
Ông cho rằng, trên thực tế những sự cố không mong muốn như vậy sẽ được cả Nga và Israel thấu hiểu và thông cảm. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, sẽ không bên nào được hưởng lợi từ việc mối quan hệ cả hai lao dốc vì thảm kịch.
"Tôi tin rằng cả hai đang xem xét sự cố trên là một tai nạn", Grigory Lukyanov, một học giả từ đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga, nói. "Israel không cố tình tiêu diệt quân nhân Nga hay phá hủy các tài sản của Nga".
Chuyên gia này tin rằng, các cuộc thảo luận về mối quan hệ Nga-Israel ra sao sau thảm kịch sẽ được bàn luận sôi nổi, nhưng cuối cùng tình trạng mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì; trong đó cả hai sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp bách chung, thay vì để sự cố này làm hỏng tất cả.
Những vấn đề này bao gồm xung đột ở Syria và quan hệ giữa Israel và Iran, nơi Nga đang nắm vai trò một hòa giải viên.