Nhiều rủi ro với Nga
Vào tuần trước, Tập đoàn Gazprom của Nga đã chính thức khai trương tuyến đường ống dẫn khí đốt đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua cầu truyền hình trực tiếp.
"Việc hợp tác trong ngành năng lượng giữa 2 nước đã đạt một bước tiến mới", ông Putin nói từ Sochi, trong khi ông Tập Cận Bình từ Bắc Kinh đã nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác với Nga là "ưu tiên ngoại giao" của Trung Quốc.
Ban đầu dự án này có vẻ như là một thắng lợi mang tính ngoại giao với Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy.
"Trung Quốc gần đây đã đưa ra nhận định sẽ giảm mạnh nhu cầu về khí đốt", chuyên gia Mikhail Krutikhin của công ty tư vấn RusEnergy nói. Đối với Trung Quốc, Tuyến đường ống dẫn khí "Sức mạnh Siberia" chỉ được coi như phương án khi việc nhập khẩu các nguồn năng lượng khác suy giảm, ông nói thêm.
Theo kế hoạch ban đầu, nguồn khí đốt cung cấp sẽ tăng dần lên 5 tỷ m3 trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, hiện 2 bên vẫn chưa thống nhất về triển vọng sẽ đưa đường ống này hoạt động đến công suất tối đa.
Một vấn đề khác là giá thành. Trong khi chi tiết nội dung đàm phán giữa Nga và Trung Quốc chưa được công bố, phía Nga có vẻ như đã yêu cầu mức giá tương đương với giá bán cho các nước châu Âu, nhưng 2 bên chưa đạt được thống nhất cuối cùng.
Tuyến đường khí đốt dưới biển mang tên Dòng chảy Phương Bắc cung cấp khí đốt cho Đức, vốn bắt đầu vận hành từ năm 2011, được các công ty Đức trang trải một phần chi phí, qua đó trách nhiệm và rủi ro được chia đều giữa các bên. Tuy nhiên, đối với "Sức mạnh Siberi", Nga đã bỏ ra toàn bộ chi phí xây dựng vào khoảng 68 tỷ USD, do đó nước này đối mặt với rủi ro lớn nếu dòng chảy khí đốt bị đình trệ.
Trong trường hợp 2 nước Trung Quốc và Nga xảy ra tranh chấp, việc giải quyết thông qua các toà án quốc tế sẽ cần ít nhất 2 năm. Với việc ở thế yếu hơn, Nga có thể sẽ gặp sức ép phải thay đổi các điều khoản hợp tác trong tương lai, các chuyên gia nhận định.
"Tôi không thấy triển vọng thương mại nào cho Nga từ dự án này", Krutikhin nói.
"Quả đắng" trong quá khứ
Trong quá khứ, Nga đã phải nếm "quả đắng" khi đàm phán với Trung Quốc. Khi một tuyến đường ống dẫn dầu được hoàn thành vào năm 2010, giá thành sản phẩm đã ngay lập tức bị giảm ở mức 300 triệu USD mỗi năm. Bắc Kinh viện dẫn việc phải tư vận chuyển dầu đến các thành phố lớn của nước này, như Bắc Kinh và Thượng Hải, thông qua các tuyến đường ống của nước này, để buộc Nga phải giảm giá khí đốt bằng việc tính thêm chi phí vận chuyển.
Ở dự án này, do nguồn khí đốt từ Siberi phải di chuyển quãng đường khoảng 3.000km đến Thượng Hải thông qua Bắc Kinh và một số thành phố khác, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra những đề xuất tương tự về vấn đề giá thành.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng nắm một con bài khác. HIện nước này đang đầu tư vào các dự án khí hoá lỏng ở khu vực Cực Bắc của nước Nga, đồng thời bắt đầu nhập khẩu nguồn nhiên liệu này đến Thượng Hải và các thành phố khác. Trung Quốc hiểu rõ chi phí vận hành các dự án khí đốt của Nga và có thể sử dụng nó trong quá trình đàm phán.
Trung Quốc không phải là vấn đề đau đầu duy nhất của Nga liên quan đến vấn đề khí đốt. Tại châu Âu, những thay đổi trong thời gian qua đang đặt quốc gia mua khí đốt ở Nga vào vị thế thuận lợi hơn trong việc đàm phán lại về giá thành.
Vào tháng 9, Toà án Công lý châu Âu ra phán quyết kết luận Gazprom đang nhận các lợi ích từ vị thế độc quyền và hạn chế hoạt động của công ty này ở châu Âu. Quyết định này đã khiến Gazprom phải đối mặt với việc bị giới hạn nguồn cung khí đốt thông qua Dự án Dòng chảy Phương Bắc tới Đức.
Ngoài ra, khí đốt từ các nguồn khác như Qatar và Azerbaijan không phải đối mặt với những hạn chế này. Uỷ ban châu Âu cho rằng việc áp đặt hạn chế đối với Gazprom bởi công ty chiếm tới 40% lượng khí đốt nhập khẩu của khu vực.
Ở châu Á, Nhật Bản đang nỗ lực đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu và khí hoá lỏng từ Nga, qua đó giảm sự phụ thuộc của nước này đối với nguồn năng lượng ở Trung Đông. Moscow biết đâu có thể sử dụng yếu tố này để đàm phán giá thành với Trung Quốc.