Thùy Vân từng khiến gia đình, người thân ngạc nhiên khi quyết định từ bỏ hào quang của nghề người mẫu, bỏ dở 2 năm học tại trường Sân khấu Điện ảnh để theo nghề dancer quán bar.
Trải lòng về nghề, Thùy Vân nhiều lần chạnh lòng trước định kiến của công chúng. Tuy vậy, hằng đêm cô lại day dứt vì nỗi lo của bố mẹ.
“Làm dancer quán bar, bố mẹ nghĩ tôi hư hỏng”
Chị đến với nghề dancer như thế nào?
Cách đây hơn 7 năm, khi tôi đang hoạt động trong lĩnh vực người mẫu và học năm thứ 2 ở trường Sân khấu điện ảnh, 1 người bạn rủ tôi tham gia 1 buổi diễn dance.
Sau buổi đó, tôi cảm thấy rất vui và thỉnh thoảng cũng tiếp tục theo các bạn đi diễn ở các event, các sân khấu ca nhạc…
Ban đầu, tôi đi diễn dance chỉ vì thấy nó vui. Sau đó, tôi cảm thấy đam mê nghề. Tôi nghĩ, giữa tôi và nghề dancer có 1 mối duyên.
Gia đình chị phản ứng như thế nào khi chị quyết tâm theo nghề dancer?
Vì theo nghề dancer, tôi bỏ làm người mẫu và cũng tạm gác lại việc học ở trường Sân khấu Điện ảnh. Vì đi làm về quá muộn, sáng hôm sau tôi không thể dậy sớm để đi học được.
Bố mẹ tôi không hài lòng về điều này, thậm chí còn nghĩ tôi hư hỏng và bị bạn bè lôi kéo.
Gia đình phản đối gay gắt và ép tôi chuyển vào Sài Gòn sống cùng chị gái để tách tôi khỏi nghề. Nhưng rồi vì đam mê, tôi đã thuyết phục được mọi người và tiếp tục làm nghề.
Hơn 7 năm theo nghề, cho tới thời điểm hiện tại, mọi người trong gia đình đã hiểu niềm đam mê của tôi và không còn phản ứng gay gắt nữa.
Mức lương và công việc thực sự của 1 dancer quán bar
Người ta vẫn quen gọi các nữ dancer là “gái nhảy”, điều này có khiến chị buồn?
Tất nhiên là tôi chạnh lòng chứ . Nhưng chỉ 1 chút thôi, vì tôi vẫn phải sống và làm việc. Qua đây tôi cũng rất mong mọi người có cái nhìn công tâm hơn về nghề dancer .
Chúng tôi cũng đổ mồ hôi công sức để làm việc. Tất nhiên là cũng có những dancer bán rẻ chính mình, nhưng đó chỉ là số ít. Không thể đánh đồng những người đó với số đông những dancer chân chính được.
"Mong mọi người có cái nhìn công tâm hơn về nghề dancer".
Nhiều người cho rằng dancer chỉ cần có thân hình đẹp, chịu “cởi” và uốn éo theo nhạc là có lương “khủng”?
Đó chỉ là nhận xét bề ngoài mà thôi! Mỗi ngày, chúng tôi sẽ làm 3 ca, mỗi ca 10 phút.
Thông thường, chúng tôi làm việc từ khoảng 22h đến 1h sáng hôm sau. Mỗi ngày làm việc như vậy, chúng tôi được trả 500 ngàn đồng. Nghỉ ngày nào, trừ lương ngày đó, đi muộn thì bị phạt tiền.
Như vậy, nếu làm việc đều đặn, mỗi tháng chúng tôi có thể nhận được mức lương từ 13-15 triệu đồng. Con số này rõ ràng không “quá khủng”.
Thêm vào đó, sự cạnh tranh trong nghề cũng rất cao. Số lượng dancer ngày càng nhiều, để trụ lại với nghề chúng tôi cũng phải tự nâng mình lên bằng cách làm việc chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn.
Như bản thân tôi, có 7 năm học múa, 2 năm hoạt động trong nghề người mẫu, tới thời điểm hiện tại tôi cũng thường xuyên trau dồi thêm vũ đạo bằng cách đi học nhảy rồi tự bản thân mình cố gắng hơn.
Chẳng có công việc nào kiếm ra tiền bằng sức lao động chân chính mà lại dễ dàng cả!
Thùy Vân trên sàn diễn.
Nghề dancer bị kỳ thị, thậm chí có người còn không coi đây là 1 nghề. Điều này có khiến chị chạnh lòng?
Tôi hiểu vì sao mọi người lại có cái nhìn định kiến đối với các dancer. Bản thân tôi cũng từng chứng kiến một vài nữ dancer tự đánh mất mình, vì cái lợi trước mắt mà sa ngã. Nhưng họ chỉ là thiểu số và thông thường, những người này cũng không tồn tại lâu trong nghề.
Tôi luôn quan niệm, dancer là niềm đam mê của mình, nên tôi không bao giờ cho phép mình sa ngã. Nếu sa ngã, bản thân tôi đã tự làm xấu mình và làm xấu hình ảnh của nghề nghiệp mà tôi đam mê.
Nghề dancer có “tai nạn nghề nghiệp” không?
Có chứ! Vì môi trường làm việc phức tạp nên cũng có không ít tai nạn nghề nghiệp. Bản thân tôi từng chứng kiến một số dancer bị khách mời rượu có pha chất kích thích.
Lúc đó, người uống phải những ly rượu như vậy sẽ mất kiểm soát, rất đáng sợ.
Cũng có khi, khách “cuồng” quá, họ lao lên sân khấu đòi nhảy cùng dancer. Nhưng ở bar nào cũng có lực lượng bảo vệ nên ngay khi khách vừa lao lên sân khấu, các anh bảo vệ sẽ mời họ xuống ngay, tránh làm ảnh hưởng tới không khí chung.
"Môi trường nào cũng có những cám dỗ riêng, quan trọng nhất là ở ý chí và sự tỉnh táo của mỗi người".
Với môi trường phức tạp, nhiều cám dỗ như vậy, chị làm thế nào để “giữ mình”?
Tôi giữ mình bằng những nguyên tắc riêng. Thứ nhất, tôi luôn tự nhắc nhở mình hạn chế tiếp xúc với khách và đặc biệt chú ý từng hành động, lời nói của mình để tránh bị hiểu lầm.
Thứ hai, khi bắt buộc phải xuống bàn cùng khách, tôi sẽ chỉ uống nhấp môi. Thứ 3, ngay khi kết thúc ca làm, tôi sẽ về nhà ngay.
Môi trường nào cũng có những cám dỗ riêng, quan trọng nhất là ở ý chí và sự tỉnh táo của mỗi người. 7 năm trong nghề, tôi chưa thấy ai có thái độ thiếu tôn trọng với mình.
Làm việc trong 1 môi trường phức tạp, bị xã hội định kiến, lại không có mức thu nhập “quá khủng”, việc theo nghề có phải là 1 sự đánh đổi quá lớn?
Tôi không nghĩ đây là 1 sự đánh đổi. Như tôi đã nói, với tôi, dancer không chỉ là 1 cái duyên mà còn là đam mê của tôi.
Được sống và theo đuổi đam mê của mình là 1 hạnh phúc, cho dù đam mê đó vẫn chưa nhận được đánh giá công tâm từ phía công chúng.
"Tôi day dứt vì đêm nào bố mẹ cũng thức chờ tôi về rồi mới yên tâm đi ngủ".
Chỉ có 1 điều khiến tôi day dứt đó là đêm nào, bố mẹ cũng chờ tôi về nhà mới yên tâm đi ngủ. Đã 7 năm rồi, từ lúc tôi mới chập chững đi làm cho tới tận bây giờ bố mẹ vẫn không thay đổi thói quen đó.
Làm phiền tới giấc ngủ của bố mẹ là điều khiến tôi buồn lòng nhất.
Dancer là 1 trong số những ngành nghề có tuổi nghề khá ngắn. Chị có dự định gì cho tương lai?
Tôi cũng đã tính sau khi nghỉ việc sẽ mở 1 cửa hàng nho nhỏ để kinh doanh. Nhưng đó là dự tính thôi, vì tôi vẫn chưa có đủ số vốn cần thiết và cũng chưa có kế hoạch cụ thể.
Hi vọng là tôi sẽ sớm thực hiện được dự định này. Cũng có thể, tôi sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình học tại trường Sân khấu Điện ảnh. Bố mẹ tôi vẫn hi vọng tôi tiếp tục đi học.
Cảm ơn Thùy Vân về những chia sẻ này!