Vụ nữ sinh Hoàng Tăng Thị Thu Hương (20 tuổi, quê Đắk Lắk) bị tạt axít ngay trên đường phố ở quận Gò Vấp, TP HCM vào cuối tháng 3 gây chấn động dư luận. Mặc dù hung thủ đã bị bắt nhưng chuỗi ngày sắp tới của cô gái trẻ vẫn đầy bất an.
Vùng vẫy trong tuyệt vọng
Sau hơn nửa tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), tinh thần của Hương đã dần ổn định. Từ nhỏ đến lớn sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, chưa bao giờ Hương gặp cú sốc như thế này.
Hễ người lạ bước vào, Hương cố tìm cách che giấu khuôn mặt biến dạng của mình. Nghe tiếng nước rót từ bên trong chai, tay của Hương bắt đầu run, chân co rúm trên giường bệnh.
Có lẽ hình ảnh ca nước chứa đầy hóa chất hất vào mặt Hương cùng người bạn đi cùng vào ngày 30-3 ở quận Gò Vấp vẫn còn ám ảnh.
Sợ nhất là lúc ngủ, mỗi khi nhắm mắt, cô lại mơ thấy khoảnh khắc axít đang gặm mòn da, đau đớn như cứa vào từng thớ thịt.
Trò chuyện với chúng tôi, thi thoảng, Hương cố gắng mở mắt thật to để mong nhìn thấy người đối diện. Nhưng cuối cùng, cô đành gục đầu xuống gối vì chỉ thấy một màu trắng đục.
Lúc úp mặt, miếng nệm va chạm vào mặt lại làm Hương đau nhói. Đưa tay lên sờ mặt, cô lại rụt ngay tay lại khi lần nữa nhận thấy những nét nhăn sần sùi xuất hiện dày đặc.
Kể về giây phút mình bị tạt axít, Hương nghẹn ngào: “Đang chạy xe trên đường, tôi nghe tiếng xe máy áp sát. Chưa kịp nhìn sang thì một chất gì đó hất vào mặt nóng như lửa đốt”.
Đến vài giây sau, Hương mới nhận ra đó là axít. Ngay lập tức, cô chạy vào nhà dân kêu cứu. “Mọi người giúp đỡ tôi nhiệt tình lắm nhưng mỗi giây chờ đợi nước rửa mặt là cơn đau xé lại dội lên.
Thà lúc đó tôi chết đi còn sướng hơn bị axít ăn mòn. Đau đến mức tiếng la của tôi to hơn cả tiếng xe máy chạy ngoài đường” - Hương nhớ lại.
Lúc xe cứu thương chuyển từ Bệnh viện quận Gò Vấp về Bệnh viện Chợ Rẫy, cô nghe tiếng khóc của người bạn bên cạnh.
Đêm đầu tiên nằm ở bệnh viện, cô không thể ngủ được, khuôn mặt nóng rát, ngứa ngáy, chạm vào lại thấy đau.
“Bác sĩ nói tôi bị mù rồi. Mấy hôm nay cố gắng gượng mở nhưng không được. Khi nghe tiếng mẹ khóc ở lan can, tôi đau lắm mà chẳng dám khóc vì sợ ảnh hưởng đến mắt” - Hương chỉ tay vào đôi mắt của mình và nói.
Sợ thấy gương như sợ chết
Cùng chung số phận, Vũ Thị Hà (19 tuổi; ngụ phường Long Trường, quận 9, TP HCM) cũng bị tại axít vào tháng 10-2015. Hơn 6 tháng trôi qua, mỗi ngày, cô phải đối diện với khó khăn mới khi trở lại cuộc sống thường ngày.
Có lúc nghĩ quẫn, Hà muốn tìm đến cái chết để mong giải thoát. “Ngay cả tôi còn không chấp nhận mình mang trên người khuôn mặt người không ra người, ma không ra ma thì ai chịu được đây?” - Hà chua xót.
Đang là mùa hè, nắng chói chang mà căn nhà của Hà hầu như im lìm, chìm trong bóng tối. Nỗi đau hiển hiện ở khắp nơi. Cô gái ở độ tuổi đôi mươi ngồi đó, co ro nơi góc nhà.
Hễ nghe tiếng xe máy bên ngoài, Hà ghì chặt tay vào cửa sổ, mắt dáo dác nhìn ra. Nói chuyện với chúng tôi, Hà cố che giấu những vết sẹo trên cổ, gò má và vùng da xung quanh.
Hà kể đã bao lần cố sống lạc quan nhưng không thể. Đêm về, cô vẫn bị ám ảnh giây phút phẫu thuật và cảm giác lần đầu nhìn vào gương. “Có lẽ axít đã làm lụi tàn cuộc đời tôi. Hôm nay và mãi mãi...” - Hà nói trong tuyệt vọng.
Suốt thời gian dài, mỗi tháng, cô đến bệnh viện phẫu thuật 3 lần. Bác sĩ cho biết thương tật 45% nếu chịu khó điều trị liên tục nhiều năm chỉ có thể phục hồi đến 40%.
Điều này đồng nghĩa khuôn mặt của cô gái trẻ trung, xinh xắn ngày nào khó trở lại như xưa.
Hà kể lần đầu tiên nhìn thấy mình trong gương, mọi thứ dường như tối sập lại, chỉ muốn khóc thật to. “Hiện giờ, tôi rất sợ khi nhìn vào gương. Mình nhìn mình cũng thấy sợ huống hồ người lạ” - Hà thổ lộ.
Chính sự tự ti đó, bạn bè đến thăm, Hà tìm cách né tránh. Người thân của Hà cho biết suốt 6 tháng qua, Hà ít ăn, có khi còn nhịn đói, không chịu nói chuyện với ai.
Lúc buồn chỉ vào phòng hoặc lấy những tấm hình cũ ra xem. Dù cố kìm cảm xúc nhưng không hiểu sao lần nào cũng khóc.
Đến nay, cô sinh viên này vẫn không đủ tự tin và tinh thần đi học lại. Mỗi khi ra đầu hẻm, thấy bạn bè cùng lứa vui chơi, cô lẳng lặng về nhà.
Tương lai của cô sẽ là những ngày ra vào bệnh viện thường xuyên, trong 3 tháng tới còn trải qua 6 lần phẫu thuật, gần 10 lần tiểu phẫu, 5 lần điều trị da...
Ngoài nỗi đau thể xác, Hà còn lo lắng chuyện trời nóng da khô, người ngứa và gia đình chạy vạy khắp nơi để lo thuốc men cho mình.
“Đau đớn nhất khi thấy mẹ không còn tiền để lo cho tôi, có lần tôi tính chuyện tự tử nhưng gia đình, người thân thuyết phục rằng cái chết không thể giải thoát được mình; đồng thời sẽ rất bất hiếu với đấng sinh thành nên tôi sẽ cố gắng gượng để sống tốt hơn” - Hà tự hứa với lòng.
Kỳ tới: Bỏ việc vì sợ con tự tử
Thương mẹ, không dám khóc!
“Đêm đó đối với tôi là một đêm rất dài. Tôi không ngủ được vì suy nghĩ ngày mai khi ba mẹ lên, tôi không biết phải giấu những giọt nước mắt đó thế nào.
Khoảng 3-4 giờ, ba mẹ đã bên cạnh, cầm tay tôi nói: “Ba mẹ đây con”. Mặc dù nghe được tiếng nhưng tôi không thể nhìn thấy họ. Tôi nghe tiếng mẹ khóc thật to ở ngoài lan can, tôi chỉ biết nhắm mắt lại và vờ như không nghe thấy gì...
Tôi chợt nhớ cách đây 1 tuần, dù mặt có nổi lên cái mụn tôi đã cảm thấy lo lắng rồi. Nhưng hiện tại, tôi nghĩ rằng vẻ bên ngoài không có gì là lớn lao cả, quan trọng là cuộc sống hiện tại của tôi như thế nào.
Ca phẫu thuật mắt đầu tiên đã khá thành công” - Thu Hương chia sẻ