Đào hố, giấu ma túy ở lán chăn nuôi
Vi Xuân Thành (1996, trú xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Gia đình thuộc diện khó khăn, nhà lại cách xa trường nên mới học hết lớp 6, Thành đã nghỉ học, phụ giúp gia đình việc nhà rồi làm nhiều nghề tự do.
Lớn hơn một chút, Thành xin bố mẹ ra Hải Phòng học nghề lái xe rồi sau đó về quê ai thuê chở gì làm nấy. Trong một vài lần được bạn mời chơi ma túy, Thành nhận lời và dần trở thành con nghiện. Không có tiền mua “hàng” sử dụng, Thành nghĩ đến việc mua ma túy bán kiếm lời.
Đầu năm 2020, Thành đi làm thuê tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An) thì gặp một người đàn ông dân tộc Mông (không rõ tên tuổi, địa chỉ) để mua ma túy sử dụng. Quá trình làm quen, Thành đưa số điện thoại của mình cho người này để khi có khách mua ma túy hồng phiến người này sẽ giới thiệu cho Thành bán kiếm lời.
Đến tháng 5/2023, một người đàn ông gọi điện cho Thành hỏi mua 2 gói ma túy. Thành đồng ý và thống nhất giá 3 triệu đồng/gói. Sau đó, Thành liên hệ với người đàn ông dân tộc Mông đặt mua 2 gói hồng phiến giá 1 triệu đồng/gói đem về huyện Quỳnh Lưu giao cho khách và nhận 6 triệu đồng.
Thấy vụ việc trót lọt nên ngày 25/5, Vi Xuân Thành tiếp tục ngược núi lên huyện Quế Phong gặp người đàn ông dân tộc Mông hỏi mua 10 gói hồng phiến. Thành đưa cho người này 10 triệu đồng và lấy 1 túi nilon màu đen bên trong chứa 10 gói hồng phiến. Nhận được “hàng”, để tránh sự phát hiện của người thân và cơ quan chức năng, Thành đào hố ở lán chăn nuôi của gia đình để cất giấu.
Khoảng 20 giờ ngày 1/6, một số lạ gọi điện giới thiệu là người quen của người đàn ông dân tộc Mông đặt mua 10 gói hồng phiến. Thành thỏa thuận giá 3 triệu đồng/gói và hai bên hẹn sẽ giao dịch tại Bệnh viện đa khoa Quang Thành, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu.
Sau đó, Thành ra khu vực lán chăn nuôi của gia đình đào số ma túy đã cất giấu bỏ vào túi nilon rồi điều khiển xe máy đến điểm hẹn. Theo chỉ dẫn của vị khách, Thành sẽ đứng chờ ở đường liên thôn Hồng Tiến, xã Quỳnh Hồng. Khi đến nơi, Thành lấy ma túy để vào cọc tiêu giao thông bên lề đường. Tuy nhiên, trong lúc đang chờ khách, Vi Xuân Thành bị tổ công tác Công an huyện Quỳnh Lưu bắt quả tang cùng tang vật.
Nỗi đau của mẹ
Phiên tòa xét xử bị cáo Vi Xuân Thành về tội: “Mua bán trái phép chất ma túy” có một số người thân đến dự tòa, trong đó người mẹ già khắc khổ của Thành tham dự phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ liên quan đến tang vật thu giữ trong vụ án.
“Nó ở nhà chăn bò, làm việc nhà, đồng áng giúp bố mẹ. Lớn lên một tí thì ai thuê gì làm nấy rồi làm phụ cơ khí với người ta. Thời điểm Thành xin đi học lái xe ở Hải Phòng, gia đình cũng không có tiền mà vay mượn người một ít để làm lộ phí. Đi làm nhưng thỉnh thoảng lại gọi điện về xin tiền nhưng không ai nghĩ đến việc nó nghiện ma túy…”, bà Nguyễn Thị H. (mẹ bị cáo Thành) nghẹn ngào.
Tại phiên tòa, Thành khai, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và bản thân nghiện ma túy nên đã dẫn đến hành vi phạm tội. Bị cáo mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về nuôi dưỡng mẹ già. Bị cáo Thành cũng khai nhận, sau khi học được bằng lái xe, bị cáo lái xe chở mía, keo… nhưng thu nhập hàng tháng không ổn định. Số tiền kiếm được chỉ đủ để ăn tiêu qua ngày.
Khi vị chủ tọa hỏi về số tiền mua ma túy, Thành cho biết, tích trữ trong quá trình làm thuê. Cũng theo bị cáo Thành, quá trình đi lái xe thuê đã nghiện ma túy. Mỗi ngày sử dụng khoảng 5 viên ma túy hồng phiến. Về người đàn ông dân tộc Mông là bị cáo quen biết trong quá trình đi chở sắn thuê nhưng không biết rõ tên, tuổi, địa chỉ. Hai bên đã giao dịch ma túy 2 lần nhưng lần thứ 2 chưa trót lọt thì bị bắt giữ.
HĐXX nhận định, trong vụ án này, bị cáo Vi Xuân Thành có những tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu, chưa được hưởng lợi từ việc mua bán ma túy. Xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Vi Xuân Thành 20 năm tù về tội: “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Nghe bản án, người mẹ với mái tóc pha sương tỏ rõ sự bất lực vì đã không sâu sát khiến cho con phải vướng vào vòng lao lý. Đến bây giờ, đã 27 tuổi nhưng Thành vẫn chưa lập gia đình. Liệu rằng sau khi ra tù, cậu con trai của bà H. có xây dựng được một mái ấm? Đó là nỗi đau đáu lớn nhất của người mẹ U70.