18 năm trước, con gái lớn của Ngô Quân là Tuyền Tuyền, nữ sinh cấp ba "con nhà người ta" đã nhảy từ lầu cao, trong bức di thư không nói rõ lý do tự sát.
18 năm sau cái chết của con gái lớn, Ngô Quân vẫn luôn tự hỏi tại sao
Để bù đắp những khoảng trống vì thiếu con, Ngô Quân sinh thêm một đứa gái khác, Đình Đình. Cô bé đang bước vào thời kỳ nổi loạn của tuổi trẻ thì bất ngờ mắc bệnh ung thư. Ngô Quân sợ, bà sợ lại mất thêm đứa con nữa. Cuộc sống luôn tràn ngập sự sợ hãi, thấp thỏm bất an.
Câu chuyện làm mẹ chiến đấu với những mất mát của Ngô Quân đã được nữ đạo diễn Dư Hồng Miêu ghi lại một cách chân thực trong phim tài liệu “Con gà trống”.
Nữ đạo diễn Dư Hồng Miêu trong buổi ra mắt phim "Con gà trống" lấy tư liệu từ cuộc sống của bà mẹ Ngô Quân
Mất đi đứa con, cảnh đời như mất đi ánh sáng
Từ 18 năm trước đến nay, Ngô Quân luôn canh cánh trong lòng và không ngừng tự hỏi: Tại sao con gái lại tự tử?
Bà không thể tìm ra đáp án. Khi kể lại cảnh con gái nhảy từ tòa nhà xuống, mắt bà cứ nhìn vào khoảng không vô định với đôi vai run rẩy.
Nhắc về quá khứ, Ngô Quân không cầm được nước mắt
Tuyền Tuyền
Tuyền Tuyền từ nhỏ đã là "con nhà người ta". Cô bé học tại trường trung học giỏi nhất ở Hàng Châu, hâm mộ nhà văn người Pháp Albert Camus và thậm chí còn tạo ra một trang website để viết lách. Theo cách nói của Ngô Quân, mối quan hệ mẹ con "thân thiết như chị em, như cặp song sinh". Bà biết mọi thứ về con gái mình. Nhưng không hề có một dấu hiệu nào, Tuyền Tuyền đã chọn cách tự sát. Sau đó, Ngô Quân tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh ở nhà, nói rằng cô bé “không muốn làm Sisyphus đẩy đá lên núi nữa”, nhưng lại không hề nhắc đến cha mẹ mình.
Trong thần thoại Hy Lạp Sisyphus hoặc Sisyphos là vị vua của Ephyra. Ông đã bị trừng phạt vì sự xảo quyệt và gian dối của bản thân bằng cách buộc phải lăn một tảng đá khổng lồ lên đồi. Tảng đá này sẽ tự lăn xuống mỗi khi nó gần đến đỉnh, bắt Sisyphus phải lặp lại việc lăn đá cho đến muôn đời.
Ngô Quân ban đầu muốn đến trường để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng Tuyền Tuyền đã viết trong thư tuyệt mệnh rằng việc này “không liên quan gì đến trường học” nên bà đã tôn trọng di nguyện của con gái. Nhiều năm sau, bà tự hỏi liệu nguyên nhân có phải là bạo lực học đường hay quấy rối tình dục không, đáng tiếc bà không cách nào biết được.
Hai mẹ con luôn thân thiết với nhau
Có phải do bố mẹ gây ra? Đây chính là nỗi lo lắng và tự trách lớn nhất trong lòng Ngô Quân. Bà cứ băn khoăn không biết mình hay bố đứa trẻ đã làm gì sai? Nhưng bà đã làm tất cả những gì có thể cho con mình và không biết bản thân đã sai ở chỗ nào.
Ngô Quân đã hỏi bác sĩ tâm lý rằng liệu con bà có bị trầm cảm không. Bác sĩ nói rằng có một loại trầm cảm gọi là "Trầm cảm cười". Có thể bề ngoài Tuyền Tuyền nhìn có vẻ bình thường nhưng thực ra đã u uất từ lâu.
Ngô Quân cho người khác cảm giác bề ngoài rất hiền lành nhưng thực ra bên trong rất mạnh mẽ, có tính cách cầu toàn. Đương nhiên, bà muốn nuôi dạy con cái thành công và đã làm được, nhưng “sự mạnh mẽ” này có thể mang lại một số áp lực cho con.
Ngô Quân thường đến ngồi một mình bên Tây Hồ
Ngô Quân kể một chi tiết rằng Tuyền Tuyền thích văn học và muốn học nghệ thuật tự do. Nhưng Ngô Quân hy vọng rằng con gái đi theo nghiên cứu khoa học, vì dễ tìm việc làm hơn. Vậy nếu trong thâm tâm Tuyền Tuyền không muốn nghe lời cha mẹ và không muốn quỹ đạo cuộc đời của mình bị người khác quyết định thì liệu cô bé có dùng những phương pháp cực đoan để đấu tranh?
Người lớn đều thích con mình trở thành “con nhà người ta”, tuy nhiên “con nhà người ta” lại thường phải chịu phần áp lực đáng sợ nhất. Đây là loại câu hỏi mà Ngô Quân không thể cảm nhận được, nhưng Tuyền Tuyền còn rất trẻ, chật vật đấu tranh với áp lực “con nhà người ta” nên chỉ có thể chịu đựng một mình.
Tất nhiên mẹ không bao giờ có thể là nguyên nhân toàn bộ. Tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, dưới ảnh hưởng của sự đổi mới giáo dục, sự cạnh tranh trong học tập vô cùng khốc liệt, sự kỳ vọng của phụ huynh chồng lên nhau, mọi chi tiết đều có thể khiến con trẻ bị bí bách.
Có người hỏi nữ đạo diễn Dư Hồng Miêu rằng: Tại sao không tra hỏi người mẹ này? Nếu đó là lỗi của người mẹ, tại sao không tìm hiểu kỹ càng để bà suy ngẫm?
Dư Hồng Miêu nói: “Tôi e rằng điều này quá khó đối với tôi. Bởi vì tôi có tư cách gì để chất vấn một người mẹ hết lòng yêu thương con mình? Hơn nữa, sẽ không đủ nếu chỉ tìm kiếm câu hỏi từ người mẹ thì không đủ. Tại sao xã hội lại có yêu cầu cao như vậy đối với các bà mẹ? Tại sao chúng ta muốn tạo ra một người mẹ hoàn hảo?”.
Dư Hồng Miêu cho biết cô hiếm khi chủ động gián đoạn quá trình quay phim nhưng lần đó cô đã đặt kịch bản phỏng vấn xuống và ôm lấy Ngô Quân
Sống trong cảnh bất an vì sợ mất thêm đứa con thứ hai
Sau khi mất Tuyền Tuyền, vợ chồng Ngô Quân có cô con gái nhỏ Đình Đình.
Chồng của Ngô Quân chưa bao giờ xuất hiện trước ống kính. Ông nói với vợ rằng đứa con gái lớn đã hủy hoại phần đời còn lại của ông. Ông khó có thể đối mặt với Ngô Quân, khi nhìn thấy bà, ông lại nghĩ đến con gái lớn của mình. Nỗi đau đã kéo dài hơn mười mấy năm mà họ vẫn không thể vượt qua được.
Con gái út Đình Đình và Ngô Quân
Trong quá trình nuôi dạy con gái thứ hai, Ngô Quân như thể lúc nào cũng đi trên dây, mà ở dưới là vực thẳm, bởi vì bà sợ sẽ mất con thêm lần nữa.
Lần đầu tiên Dư Hồng Miêu nhìn thấy Đình Đình, cô bé rất gầy và có quả đầu đinh. Ngô Quân nói: "Con bé bị ung thư".
Nỗi sợ chết luôn ám ảnh Ngô Quân. Ngô Quân sợ một mình đi khám bệnh, không biết nếu chết đi thì con mình sẽ ra sao?
Ngô Quân chăm sóc đứa con gái thứ hai rất cẩn thận. Đình Đình không thích ăn rau nên bà tìm cách nấu nhiều kiểu khác nhau, cực khổ bồi dưỡng để cô bé tăng chút cân. Đôi khi Đình Đình mất bình tĩnh, Ngô Quân không hề khiển trách và rất bao dung.
Ngô Quân chăm sóc Đình Đình
Đình Đình có một căn phòng đầy đồ chơi
Đình Đình hiện đang học cấp 3, so với các bạn cùng trang lứa, cô bé ngây ngô hơn và có thế giới của riêng mình. Căn phòng đầy búp bê và ước mình có thể mở một cửa hàng đồ chơi. Cũng ở tuổi này, Tuyền Tuyền lại nghĩ đến nỗi đau của Sisyphus khi đẩy tảng đá lên núi. Đây là hai cô con gái hoàn toàn khác nhau.
Ngô Quân nhận thức được điều này. Khi Đình Đình còn nhỏ, bà phát hiện con có vấn đề về chiều cao. Ngô Quân không thể chấp nhận sau này con có thể chỉ cao 1,3m, sợ con khó tìm được bạn đời, sẽ bị kỳ thị. Vì vậy, bà quyết định tiêm thuốc tăng trưởng, thực sự đã giúp Đình Đình phát triển đến chiều cao bình thường. Nhưng đời nào có ngờ, cô bé lại mắc bệnh ung thư.
Một đứa trẻ có những mối quan tâm riêng và một thế giới ngoài tầm với của người lớn
Dư Hồng Miêu đã phỏng vấn rất nhiều trẻ vị thành niên nhưng cô lại thấy rất khó khăn khi đối mặt với Đình Đình. Cô bé đang trong thời kỳ nổi loạn, hỏi chuyện cực kỳ khó. Trong mắt cô bé, nữ đạo diễn là một người đến từ thế giới khác. Đây chính là vấn đề khoảng cách thế hệ. Dù có cố gắng đến đâu thì người lớn cũng gần như không thể hòa nhập vào thế giới của con trẻ.
Nhưng cô bé này rất mạnh mẽ, tiếp nhận hóa trị cũng không bao giờ khó khăn hay than thở một tiếng.
Ngô Quân đi chơi với Đình Đình
"Sợ con lại đi theo con đường của chị gái đã mất"
Nhìn lại, dù là hai đứa trẻ khác nhau nhưng vấn đề nan giải trong tình mẫu tử vẫn giống nhau.
Ở đứa con đầu tiên, bà mẹ Ngô Quân muốn nuôi dạy một cô con gái hoàn hảo, ở một góc độ nào đó cũng là một sự kiểm soát. Ở đứa con thứ hai, Ngô Quân sợ mất con nên cẩn thận hơn, nhưng lại bị kiểm soát ngược lại bởi trạng thái của con gái.
Thực ra cho đến bây giờ Đình Đình vẫn chưa biết được quá khứ và nỗi đau trong lòng mẹ. Ngô Quân chưa bao giờ nói với con, không phải vì không muốn nói ra, mà vì muốn đợi đến lúc tâm hồn con trưởng thành hơn.
Dư Hồng Miêu nói: “ Khi phim này được công chiếu thì chắc chắn con bé sẽ biết”.
Ngô Quân nghĩ: “Nếu con phát hiện thì xem như cũng đã đến lúc phải nói ra mọi thứ”.
Cả Ngô Quân và Dư Hồng Miêu đều rất sợ, sợ Đình Đình có thể vô tình bị ảnh hưởng bởi câu chuyện của chị gái Tuyền Tuyền.
Tựa phim "Con gà trống" là câu truyện ngụ ngôn mà Tuyền Tuyền yêu thích khi còn nhỏ. Nó kể về một con gà trống, một con chim họa mi và một con mèo sống cùng nhau. Chim họa mi và mèo đi làm, dặn gà trống rằng xung quanh có con cáo xảo quyệt, dù nó nói gì cũng đừng đi ra. Nhưng mỗi lần cáo nói nó có hạt đậu nhỏ thì gà trống lại thò đầu ra.
Con gà trống có bị cáo ăn thịt không? Câu chuyện này có hai phiên bản. Một là gà trống không vâng lời nên bị ăn thịt. Phiên bản thứ hai phổ biến ở các trường mẫu giáo ở Trung Quốc: Mèo và họa mi đánh nhau với cáo , sau đó tiếp tục chung sống hạnh phúc với gà trống.
Trong câu chuyện của Ngô Quân, Tuyền Tuyền và Đình Đình giống như chú gà trống nhỏ, mèo và chim họa mi là cha mẹ, còn cáo là số phận. Số phận thật xảo quyệt và nguy hiểm đến nỗi nuốt chửng mất gà trống nhỏ.
Ngô Quân cảm giác mình như cá bơi trong dòng sông dài của cuộc đời, không biết khi nào mới gặp được đá ngầm chứ đừng nói đến việc có thể bơi qua hay không. Bà tưởng tượng mình sẽ luôn phải chống chọi với những tình huống trớ trêu bằng tất cả sức lực, thật mạnh mẽ và thật cô đơn.
Nuôi một đứa trẻ cũng giống như trồng một cái cây. Nếu đứa trẻ là một cái cây, hãy để nó lớn lên thành một cái cây cao chót vót. Nếu con chỉ là hoa cỏ thấp bé thì cũng không sao, hoa cỏ mang vẻ đẹp của hoa cỏ. Hãy để con trẻ là chính nó và cha mẹ cũng có cuộc đời của mình.
Phản ứng của người xem trong buổi công chiếu đầu tiên phim tài liệu "Con gà trống"
Nguồn: The Paper