Nồi cơm nuôi bộ đội của mẹ Xứng

Trần Danh Hiệp – Bảo tàng Quân đoàn 3 |

Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3) hiện đang trưng bày một hiện vật đặc biệt. Đó là chiếc nồi đồng của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Xứng dùng để nấu cơm nuôi bộ đội trong những ngày tháng sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên.

Cách đây gần 10 năm, đoàn cán bộ của Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên có dịp đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Xứng.

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng do cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 40 thuộc Quân đoàn 3 góp công xây tặng, mẹ rất vui vì có cả đàn con về sum vầy.

Lúc ấy ở tuổi 78, mẹ Xứng vẫn hồng hào, khỏe mạnh, khuôn mặt phúc hậu toát lên nét dẹp dịu hiền của một thời xuân sắc. Rồi chúng tôi may mắn được nghe mẹ kể về cuộc đời mình và trao tặng kỷ vật là chiếc nồi cơm được mẹ dùng để nuôi bộ đội trong những năm tháng ở Tây Nguyên.

Mẹ Trương Thị Xứng sinh ra và lớn lên tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nghèo khó. Khi trưởng thành, mẹ xây dựng gia đình với người chồng là ông Lương Văn Xứng. Cuộc sống vốn khổ cực, lại bị địch o ép càn quét, dồn dân lập ấp khiến cuộc sống gia đình mẹ Xứng rất khó khăn. Mẹ có 11 lần sinh mà chỉ nuôi được 5 người con.

Vốn chịu thương chịu khó, mẹ Xứng quanh năm bươn chải, nuôi dạy các con để chồng dồn tâm sức hoạt động cách mạng. Khi thực dân Pháp vừa rút khỏi, đế quốc Mỹ lại đến giày xéo quê hương của mẹ.

Các con được nuôi lớn đều lần lượt vào bộ đội, du kích chiến đấu với khao khát "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng ác liệt, ở "quê hương đi đầu đánh Mỹ" Quảng Nam, cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt hơn. Đã có biết bao đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc, trong đó có người thân của mẹ Xứng.

Con trai lớn của mẹ là anh Lương Văn Đức sinh năm 1949, bộ đội thuộc Đơn vị 70, Tỉnh đội Quảng Nam, trong một trận chiến đấu đánh ngày 1/7/1969 tại xã Bình Sa đã anh dũng hy sinh.

Chưa kịp lau khô nước mắt, 4 tháng sau, trong trận đánh địch càn quét vào Bình Giang ngày 2/11/1969, cả chồng mẹ là ông Lương Văn Xứng và con gái là Lương Thị Nà, Đội viên du kích xã đều hy sinh.

Nỗi đau mất mát quá lớn cùng lúc làm mẹ như quỵ xuống. Nhưng mẹ đã đứng lên vì phải nuôi các con còn lại khôn lớn, vượt qua cuộc sống trong những ngày tháng vô cùng cơ cực.

Chính quyền ngụy ở xã, ấp thường cho bọn ác ôn ngày đêm theo dõi, hặm dọa. Chúng nói rằng: "Gia đình nhà Xứng là gia đình Cộng sản nên còn con heo cũng phải bắn".

Năm 1970, trước sự tàn bạo của kẻ thù, mẹ đưa ba người con nhỏ còn lại tới vùng đất Tây Nguyên, tìm đến xã Lệ Chí, huyện Lệ Trung, tỉnh Plây Cu (nay là xã Nam Giang, huyện Mang Giang, tỉnh Gia Lai) để sinh sống và tránh sự truy bức của chính quyền ngụy.

Lên Tây Nguyên ít lâu, nhà mẹ trở thành cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ. Mẹ đã cưu mang, chăm sóc nhiều thương, bệnh binh và nấu cơm phục vụ nhiều đoàn bộ đội chủ lực vào chiến đấu giải phóng Tây Nguyên.

Ngày Tây Nguyên được giải phóng, mẹ sung sướng đến nghẹn ngào vì gia đình mình đã đóng góp một phần nhỏ bé cho thắng lợi chung của dân tộc. Ngày 20/4/2000, mẹ Trương Thị Xứng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong ngày vinh dự đó, mẹ nói rằng: "Mất chồng và hai con là nỗi đau xót nhất trong cuộc đời mẹ. Nhưng sự hy sinh của chồng và hai con mẹ không uổng vì đã góp phần giành lại độc lập tự do cho dân, cho nước. Vì thế mẹ rất vui lòng".

Mẹ Trương Thị Xứng đã trao tặng Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên một chiếc nồi đồng mà mẹ đã từng nấu cơm phục vụ bộ đội trong những năm chống đế quốc Mỹ trên mảnh đất Tây Nguyên. Hiện vật có số đăng ký 744/BTQĐ3-K1.149 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên trưng bày và phát huy giá trị lịch sử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại