Tuy nhiên, trên mạng xã hội thường xuất hiện thông tin cho rằng lớp phủ của nồi cơm điện gây hại sức khoẻ, bạn sử dụng thường xuyên có khả năng gây ung thư. Liệu điều này có đúng không?
Phần lõi của nồi cơm điện
Hiện nay, nhiều nồi cơm điện trên thị trường có lòng nồi được làm từ nhôm bởi nhôm có khả năng dẫn nhiệt đều và nhanh. Tuy nhiên, nhôm khi gặp nhiệt độ cao và điều kiện có tính axit lại rất dễ bị giải phóng ra và tiếp xúc với cơm hay đồ ăn. Một khi cơ thể bạn hấp thụ nhôm quá mức sẽ gây hại đến sức khỏe.
Để khắc phục vấn đề này, nhà sản xuất thường phủ một lớp bảo vệ lên bề mặt lòng nồi. Do đó, lõi nồi cơm điện gia dụng thường được cấu tạo bởi lõi nồi nhôm và lớp phủ. Song, từ đây cũng làm dấy lên nỗi lo khác cho người dùng. Liệu rằng sự kết hợp giữa kim loại và hợp chất này khi đun nóng có tạo ra “chất độc” không?
Lớp phủ của nồi cơm điện là gì?
Lớp phủ trên lõi nhôm của nồi cơm điện thường là polytetrafluoroethylene (PTFE) hay còn gọi là “Teflon” - một loại polymer phổ biến được sử dụng trong chảo chống dính và nồi đá.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm tra Thiết bị Gia dụng Trung Quốc cho biết, bất kể lớp phủ nào khi được dùng trong nồi cơm điện ở điều kiện bình thường sẽ khó bị phân hủy và ít xảy ra phản ứng với các chất khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Teflon sẽ bắt đầu phân hủy ở nhiệt độ trên 250℃ và có thể giải phóng ra chất độc.
Ngưng sử dụng nồi cơm điện khi lớp phủ bị tróc
Sau thời gian dài sử dụng, lớp phủ bên trong nồi bị trầy xước hoặc bị tróc. Tuy nhiên vì vẫn nấu cơm được nên nhiều gia đình tiếp tục dùng.
Thế nhưng bạn cần biết rằng một khi lớp phủ bị bong tróc, thực phẩm sẽ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với lòng nồi nhôm. Điều này làm tăng nguy cơ hấp thụ nhôm vào cơ thể, dẫn đến việc nồng độ nhôm vượt mức an toàn mà bạn không hay biết, gây ra một số mối nguy hại cho sức khỏe như:
- Tích tụ nhôm trong cơ thể: Nhôm là một kim loại có thể tích tụ trong cơ thể theo thời gian. Việc hấp thụ quá nhiều nhôm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về thần kinh như Alzheimer, rối loạn thần kinh...
- Rối loạn chức năng thận: Thận có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ các kim loại nặng ra khỏi cơ thể. Khi nồng độ nhôm trong cơ thể cao, có thể làm quá tải chức năng thận.
- Nguy cơ viêm nhiễm: Sử dụng nồi có lớp phủ bị hư hại có thể dẫn đến việc vi khuẩn phát triển trên bề mặt lòng nồi, gây ra nguy cơ nhiễm trùng thực phẩm.
- Các vấn đề tiêu hóa: Hấp thụ nhôm có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, đau bụng, và tiêu chảy.
Hơn nữa, Teflon có đặc tính là một khi đã bị trầy xước, diện tích hư hại sẽ ngày càng lan rộng. Do đó, nếu lớp phủ của nồi cơm điện nhà bạn đã bị hỏng, xước, bong tróc thì nên thay lõi nồi mới càng sớm càng tốt.
4 hành động có thể làm hỏng lõi nồi cơm điện nhà bạn sớm
Trong quá trình sử dụng nồi cơm điện, bạn nên tránh 4 hành động sau để bảo quản vật dụng cũng như giảm thiểu rủi ro cho sức khỏe:
- Sử dụng bùi nhùi thép: Nhiều người có thói quen dùng bùi nhùi thép để vệ sinh nồi cơm điện nhưng không biết rằng nó có thể làm lớp phủ bị trầy xước, bong tróc. Thực tế, lõi nồi cơm điện rất dễ vệ sinh, bạn chỉ cần sử dụng miếng bọt biển hoặc vải mềm cùng với chất tẩy rửa trung tính là đủ.
- Dùng thìa kim loại để xới cơm hoặc lấy đồ ăn từ nồi cơm điện: Thìa kim loại dễ làm trầy xước lòng nồi cơm điện, khiến lớp phủ bị bong tróc. Thay vào đó, bạn nên dùng thìa gỗ hoặc silicone chịu nhiệt. Khi xới cơm cũng cần lưu ý không dùng lực quá mạnh hoặc cào xát lòng nồi vì điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ hỏng hóc.
- Rửa ngay nồi bằng nước lạnh: Khi nồi cơm điện vẫn còn ấm, bạn không nên rửa nồi bằng nước lạnh vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm biến dạng lớp phủ và khiến nó dễ bị bong tróc hơn. Cách làm đúng là để nồi nguội trước, sau đó mới rửa bằng nước lạnh.
- Nấu các món ăn có tính axit bằng nồi cơm điện: Không nên sử dụng nồi cơm điện để nấu các món ăn có tính axit như canh chua, vì thực phẩm chua có thể xâm nhập vào các lỗ nhỏ trên lòng nồi và ăn mòn lớp phủ. Điều này không chỉ làm bong tróc lớp phủ mà còn giảm tuổi thọ của nồi cơm điện.
Lõi nồi nên được thay thế sau mỗi 3-5 năm. Tuy nhiên, tần suất sử dụng nồi cơm điện có thể khác nhau, dẫn đến mức độ hao mòn cũng không giống nhau. Do đó, bạn nên để ý nồi cơm điện nhà mình một chút, nếu thấy có dấu hiệu bong tróc thì đó là lúc bạn cần thay nồi cơm mới.
Nguồn: Aboluowang