Tin tặc nổi tiếng kiêm nhà phát triển tiền ảo Ethereum, Virgil Griffith, đã bị chính phủ Mỹ bắt giữ hôm 29/11. Lý do là ông đã phát biểu tại một hội nghị về công nghệ blockchain hồi tháng 4 ở Triều Tiên. Các nhà chức trách coi bài thuyết trình của Griffith là một sự "chuyển giao công nghệ" cho Triều Tiên, do đó vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia này.
Nhưng những người bảo vệ của Griffith, bao gồm cả người sáng lập đồng tiền ảo Ethereum là Vitalik Buterin, đã mô tả vụ bắt giữ là một phản ứng thái quá. Griffith đang làm việc cho Quỹ Ethereum và Buterin gọi ông là bạn.
"Tôi không nghĩ những gì Virgil đã làm cho Triều Tiên thuộc bất kỳ loại trợ giúp thực sự nào trong việc hỗ trợ làm điều gì đó xấu xa", Buterin chia sẻ trên Twitter. "Anh ấy đã trình bày một bài thuyết trình dựa trên các thông tin có sẵn và công khai về phần mềm nguồn mở."
Virgil Griffith
Nhưng các công tố viên liên bang lập luận rằng Griffith, một công dân Mỹ cư trú tại Singapore, biết rõ rằng chuyến đi của mình đã vi phạm luật trừng phạt của Mỹ. Họ nói rằng Griffith đã tìm kiếm sự chấp thuận cho chuyến đi từ Bộ Ngoại giao Mỹ và yêu cầu này của ông đã bị từ chối. Nhưng cuối cùng Griffith vẫn thực hiện chuyến hành trình, đi qua Trung Quốc để trốn tránh những hạn chế du lịch của Mỹ.
Trong một tài liệu khác, một nhân viên FBI đã viết rằng Griffith "đã thảo luận về cách công nghệ blockchain và tiền điện tử có thể được Triều Tiên sử dụng để rửa tiền và trốn tránh các lệnh trừng phạt, và làm thế nào Triều Tiên có thể sử dụng các công nghệ này để đạt được sự độc lập khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu."
Trên thực tế, Griffith không hề che giấu kế hoạch du lịch của mình. Ông đã chia sẻ một bức ảnh về các tài liệu du lịch của mình trên Twitter và cho biết đã tự nguyện nói chuyện với FBI sau chuyến đi. Ông thậm chí còn cho phép các nhà chức trách kiểm tra điện thoại di động của mình.
Tuy nhiên, các nhà chức trách nói rằng các thông tin liên lạc điện tử của Griffith cho thấy có "một ý định rõ ràng về vi phạm luật trừng phạt của Mỹ". Cụ thể, khi một người bạn hỏi tại sao Triều Tiên lại quan tâm đến tiền điện tử, ông đã viết "có lẽ để tránh các lệnh trừng phạt ... ai biết được".
Sau đó, ông còn nói với một người bạn về kế hoạch của mình để giúp gửi 1 đơn vị tiền điện tử giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Người bạn hỏi "Không phải là vi phạm lệnh trừng phạt sao?". Griffith đã đáp: "Đúng như vậy".
Mỹ lo sợ Triều Tiên sẽ sử dụng blockchain để làm việc xấu.
Griffith là một nhân vật nổi tiếng trong giới hacker. Ông được tờ New York Times giới thiệu trong một bài báo năm 2008, nói về phần mềm miễn phí WikiScanner do ông tạo ra, cho phép những người sử dụng lần ra dấu vết những cá nhân hoặc tổ chức nào đã đệ trình và biên tập các thông tin mở trên Wikipedia, thông qua địa chỉ IP. Khi đó, ông nói với tờ Times rằng mình khao khát "tạo ra những thảm họa quan hệ công chúng nhỏ cho các công ty và tổ chức mà tôi không thích".
Năm 2003, Griffith đã bị nhà sản xuất phần mềm giáo dục Blackboard kiện ra tòa để ngăn chặn việc trình bày nghiên cứu về các lỗi bảo mật trong phần mềm của Blackboard. Một bài báo năm 2006 do ông viết đã chứng minh việc dễ dàng đoán được tên thời con gái của các bà mẹ từ các hồ sơ công cộng.
Theo trang LinkedIn của mình , Griffith đã nhận bằng tiến sĩ về tính toán và hệ thống thần kinh vào năm 2014. Kể từ đó, ông đã tham gia vào một loạt các dự án tiền điện tử. Từ năm 2016, ông là nhà khoa học nghiên cứu tại Quỹ Ethereum.
Tham khảo arstechnica