Dự thảo Nghị quyết Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới được thông qua.
Theo đó, nước ta chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Nhiều người khi tiếp cận thông tin này cho rằng sẽ có sự nới lỏng mức sinh, không giới hạn về số con,…
Trả lời phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) cho biết trong Nghị quyết không có một câu nào đề cập đến việc mọi người được sinh con thoải mái, sinh con thứ ba, bởi vì việc sinh con là quyền của mỗi người.
Và nội dung của nghị quyết cũng chỉ đề cập việc rà soát lại các quy định trước đây về chính sách dân số và điều chỉnh lại cho phù hợp trong tình hình mới, giải quyết các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số.
Bên cạnh đó, tiếp tục vận động người dân sinh hai con để duy trì mức sinh thay thế càng lâu càng tốt (duy trì thức sinh thay thế 2,1 con), vận động giảm sinh ở nơi mức sinh cao, sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp…
Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình từ trước đến nay thực sự là một cuộc vận động xã hội lớn. Tuy nhiên, pháp luật nước ta không có quy định áp đặt nào trong vấn đề sinh đẻ.
“Về mặt luật pháp, từ trước đến nay Việt Nam chưa có văn bản nào quy định có tính cưỡng chế mọi người sinh bao nhiêu đứa con là đủ.
Đấy là quyền của mỗi người dân lựa chọn. Còn việc vận động người dân sinh vừa đủ, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của gia đình, của xã hội thì đó là chính sách vận động của Đảng, của Chính phủ” – ông Tân nhấn mạnh.
Trong 25 năm qua, cả nước đã kiên trì, kiên quyết thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng có không ít những hạn chế.
Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, chúng ta cũng đã tận dụng được một phần nhất định những cơ hội của cơ cấu dân số vàng mang lại, thế nhưng vẫn chưa được như mong muốn.
Trong khi đó, một quá trình của nhân khẩu học diễn ra song song với quá trình dân số vàng đó là quá trình già hoá dân số.
Nước ta đã bắt đầu bước vào thời kỳ "già hoá dân số", đứng trước nguy cơ "chưa giàu đã già", bỏ lỡ cơ hội của "thời kỳ dân số vàng”.
Đặc biệt, quá trình già hoá dân số của nước ta diễn ra rất nhanh. Nếu như những nước khác phải mất từ 60-70 năm, thậm chí có những nước mất hơn trăm năm mới từ 7% lên đến 14% dân số từ 65 tuổi trở lên thì chúng ta chỉ mất 17-18 năm.
"Điều này liên quan đến chương trình về kế hoạch hoá gia đình của chúng ta. Số lượng không thay đổi nhưng tỉ trọng tăng lên rất nhanh, mức sinh đẻ của chúng ta cũng xuống rất nhanh.
Bình quân giai đoạn 1979-1989, 1989-1999 dân số của chúng ta tăng lên trung bình 1,2 triệu người. Nhưng từ năm 1999-2009 và từ 2009 đến nay bình quân chỉ tăng lên 940 – 950 nghìn người. Số lượng sinh giảm đi rất nhiều.
Dẫn đến tỷ trọng người cao tuổi tăng lên rất nhanh, làm cho tốc độ già hoá dân số của chúng ta cũng tăng lên với tốc độ rất nhanh chóng." – ông Tân cho biết.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, kiến nghị về "nới" mức sinh hiện nay là việc làm cần thiết.
Có thể nói đây là một bước ngoặt mang tính lịch sử để chúng ta phòng trước mức sinh của dân số suy giảm nghiêm trọng.
"Trong tương lai gần hay xa, sẽ dần gỡ bỏ những quy định về hạn chế sinh con để chúng ta có một phương án phòng trước mức sinh của dân số suy giảm do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai".
Hiện nay, khi mức sống càng ngày càng tăng lên, tỉ lệ dân đô thị tăng lên, nếp sống đô thị trở thành phổ biến thì mức sinh sẽ giảm xuống như quy luật tất yếu mà tất cả các nước trên thế giới trải qua.
ta phải phòng trước, lường trước những tình huống sẽ xảy ra, để có thể ứng phó trước khi mức sinh giảm xuống quá thấp, đến lúc chúng ta muốn đưa chúng ta muốn vực mức sinh lên cũng rất khó khăn.
Về mức sinh thay thế, mỗi phụ nữ sinh 2,1 con, ông Tân lý giải: Mức sinh thay thế là bình quân mỗi vợ chồng sinh được hai con, ở mức sinh tự nhiên là có 1 con trai và 1 con gái.
Chính người con gái ấy thay thế mẹ mình tiếp tục duy trì chức năng sinh đẻ để duy trì nòi giống, tái sản xuất dân số.
Đây chính là mức sinh đảm bảo cho dân số ổn định, không tăng lên quá nhiều và nó cũng không giảm xuống như các nước suy giảm dân số.
Ví dụ Nhật Bản, bình quân mỗi năm họ giảm 20.000 người, nếu cứ giảm như vậy sẽ dẫn tới suy giảm dân số. Vì vậy, chúng ta duy trì mức sinh thay thế để tránh dẫn đến quá trình suy giảm dân số nhanh chóng sau năm 2050./.