Một ví dụ có thể kể tới như thủ thành CLB bóng đá Thanh Hoá Bùi Tiến Dũng. Danh hiệu “thủ môn quốc dân” phản ảnh rõ sự ái mộ của giới mộ điệu, đặc biệt các “fan” trẻ dành cho Bùi Tiến Dũng. Phong độ xuất thần trong màu áo U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018 đã khiến Tiến Dũng “đổi đời”, cả ở khía cạnh chuyên môn lẫn thương hiệu, tiền tài.
Ngoài số tiền thưởng bạc tỷ từ danh hiệu Á quân U23 châu Á, Tiến Dũng còn chiếm được suất bắt chính ở đội bóng quê hương, vượt qua những đàn anh như Thành Thắng hay Bửu Ngọc. Anh đồng thời cũng được hàng triệu “fan” trẻ say đắm, trong đó không ít là các bạn nữ.
Sự nổi tiếng của Bùi Tiến Dũng dù vậy kéo dài không quá lâu, và hiện đang đứng trước nguy cơ mờ nhạt dần. Sau sự ra đi của HLV Marian Mihail, Bùi Tiến Dũng cũng mất luôn vị trí số 1 ở CLB Thanh Hoá. Trước đó, anh cũng không tái hiện được phong độ xuất sắc như khi còn chơi bóng cho U23 Việt Nam.
Bùi Tiến Dũng không phải ví dụ duy nhất. Trên thực tế, hầu hết trong số 23 tuyển thủ U23 Việt Nam, những người mới trước đó vừa rực sáng ở đấu trường châu lục, lại chơi khá kém ấn tượng khi trở về đấu trường quốc nội.
Gương mặt sáng nhất như tiền đạo Nguyễn Quang Hải (CLB Hà Nội) cũng chưa tạo được dấu ấn nào đáng kể. May mắn cho đội bóng thủ đô khi ngoài Quang Hải, những vị trí còn lại trong đội hình đều có chất lượng chuyên môn tốt.
Xoay quanh Quang Hải là những gương mặt đã dàn chinh chiến như Thành Lương, Văn Quyết, Oseni hay cả những tài năng trẻ cỡ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng… CLB Hà Nội vẫn thể hiện được sự vượt trội với phần còn lại.
Đội bóng của ông bầu Đỗ Quang Hiển sau 5 vòng đấu đầu tiên của V-League đang dẫn đầu với 13 điểm, hơn 2 đội đứng sau là Quảng Ninh và Khánh Hoà 3 điểm. Nếu không có bất ngờ nào đáng kể thì cuối mùa giải, ông bầu họ Đỗ ắt lại được dịp ăn mừng chức vô địch V-League, chiếc thứ 7 trong 10 mùa giải gần nhất.
Nhưng đội bóng phố núi HAGL thì không được may mắn đến vậy. Dù cũng sở hữu nhiều ngôi sao ở tuyển U23 Việt Nam như Lương Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh… nhưng đội hình HAGL không có chiều sâu cần thiết, thiếu hẳn những cầu thủ nhiều kinh nghiệm để làm điểm tựa cho lứa đàn em. Đội bóng phố núi sau 5 trận mới được 5 điểm, đứng vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng.
Phong độ mờ nhạt của tiền đạo Công Phượng là một phần lý do. Từng ghi 7 bàn thắng ở mùa giải trước, chưa kể 7 pha kiến tạo cho đồng đội ghi bàn, Công Phượng lại chơi hết sức mờ nhạt ở mùa giải năm nay.
Việc quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân khiến Công Phượng đánh mất hiệu quả thi đấu, đồng thời ảnh hưởng tới cả phần còn lại của đội bóng. Phong độ ổn định của Lương Xuân Trường là không đủ để chống đỡ cho HAGL.
Số đông còn lại các cầu thủ thuộc biên chế U23 Việt Nam đều trong tình trạng tương tự. Điểm tích cực của chuyện này có thể thấy, là trình độ V-League thực tế không đến nỗi tệ như chúng ta vẫn nghĩ. Đấu trường giải bóng đá VĐQG rõ ràng dù chưa cao, nhưng vẫn là môi trường rèn giũa tốt với các cầu thủ trẻ.
Ngay cả các tuyển thủ U23 Việt Nam, đang là Á quân châu lục thì để trụ được tại V-League, chưa nói tỏa sáng, vẫn cần rất nhiều nỗ lực. Nhưng ở một góc độ khác, điều này cũng cho thấy bóng đá Việt Nam cần nhiều thời gian và sự đầu tư hơn nữa cho bóng đá trẻ, để làm dày thêm nền tảng phát triển tương lai.
Với riêng Công Phượng, có lẽ đã đến lúc tiền đạo HAGL phải đặt mình trước câu hỏi, đổi thay để phát triển lên một tầm mới, hay tiếp tục giậm chân tại chỗ với lối chơi thiếu tinh tế và hiệu quả như lâu nay. HAGL đang rất cần Công Phượng toả sáng ở mùa giải thứ 4 của lứa 1 Học viện HAGL-JMG ở đấu trường V-League.