Một số nhà phê bình nói rằng, chủ nghĩa dân tộc thái quá của Trung Quốc đã dẫn đến hành động leo thang chiến tranh thương mại với Mỹ.
Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn có một quyền lực vững chắc, nhưng một sự chỉ trích bất thường về chính sách kinh tế và cách chính phủ Trung Quốc giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ đã làm lộ những "vết nứt" hiếm hoi trong nội bộ Trung Quốc hiện nay.
"Nhiều nhà kinh tế và trí thức đang thất vọng về các biện pháp của Trung Quốc đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung", một học giả tại một tổ chức nghiên cứu chính sách Trung Quốc nói với Reuters và nhấn mạnh, lập trường hiện tại của Trung Quốc quá cứng rắn và giới lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình.
Quan điểm đó tương phản với suy nghĩ vào đầu năm của nhiều học giả Trung Quốc, những người đã ca ngợi khả năng của Trung Quốc để đứng vững trước những đối đầu thương mại trong lúc Trump gặp nhiều rắc rối chính trị trong nước.
Trung Quốc nghĩ rằng mình đã đạt được thỏa thuận với Washington vào tháng 5 vừa qua để tránh một cuộc chiến thương mại, nhưng đã bị bất ngờ khi chính quyền Trump đi ngược lại thỏa thuận đó.
Dưới thời ông Tập Cận Bình, các quan chức ngày càng tự tin tuyên bố rằng Trung Quốc đang tiến tới trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới. Sự tự tin đó trở nên rõ ràng hơn khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến "Vành đai và Con đường" của mình để phát triển các tuyến thương mại giữa Đông và Tây và tỏ ra cứng rắn về các vấn đề lãnh thổ như Biển Đông và Đài Loan.
Ồng Hu Angang, một giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, là một trong những người luôn ủng hộ quan điểm rằng Trung Quốc đã đạt được "quyền lực quốc gia toàn diện".
Trong những tuần gần đây, chuyên gia này đã đối mặt với sự chỉ trích công khai, các nhà phê bình đổ lỗi cho ông đã khiến Mỹ cảnh giác với Trung Quốc bằng cách thổi phồng và phóng đại sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự tương đối của Trung Quốc.
Các rạn nứt trong chính phủ Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán và đồng tiền của nước này sụt giảm mạnh, và chính phủ nước này đã phải "vật lộn" để củng cố nền kinh tế nhằm hạn chế tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đã nhận được một bài học cay đắng rằng việc tuyên truyền trong nước của họ hiện đang được xem xét kỹ lưỡng ở nước ngoài theo cách chưa từng có trước đây.
"Trung Quốc không thể kiên nhẫn chờ đợi và che giấu sức mạnh, nhưng ít nhất chúng ta có thể kiểm soát sự tuyên truyền của chính mình và kể câu chuyện của Trung Quốc theo một cách thích hợp”, một chuyên gia chính sách nói và cho biết, khi quy mô nền kinh tế Trung Quốc còn nhỏ, chúng ta thu hút rất ít sự chú ý bên ngoài, nhưng Trung Quốc hiện đang bị theo dõi sát sao.