Đường Trung Tông Lý Hiển (656 - 710) là vị vua thứ 4 và thứ 6 của nhà Đường, từng hai lần không liên tục giữ ngôi Hoàng đế Đường triều.
Lần đầu Lý Hiển ở ngôi là từ 3 tháng 1 năm 684 đến 26 tháng 2 năm 684, sau đó bị chính mẹ ruột là Võ Tắc Thiên phế truất. Lần thứ hai ông tại vị từ 23 tháng 2 năm 705 đến 3 tháng 7 năm 710 và qua đời do bị đầu độc.
Mặc dù mang thân phận tôn quý, nhưng cuộc đời của Trung Tông Lý Hiển lại là chuỗi những bi kịch bị hãm hại, tổn thương do chính những người ruột thịt và thân cận nhất gây ra.
Bi kịch bị mẹ ruột cướp ngôi của vị vua hai lần xưng đế
Ngày 5 tháng 11 năm Hiển Kháng thứ nhất (năm 656), Lý Hiển chào đời tại Thành Trường An. Ông là người con trai thứ 7 của Cao Tông Lý Trị và Võ hậu. Ngay từ khi lọt lòng, Lý Hiển đã mang thân phận vừa hiển hách, vừa quyền quý.
Cụ nội của ông là Đường Cao Tổ Lý Uyên, ông nội là Minh quân nổi tiếng Đường Thái Tổ Lý Thế Dân, Phụ Hoàng là Đường Cao Tông Lý Trị, mẹ ruột không ai khác chính là Nữ đế truyền kỳ Võ Tắc Thiên.
Lý Hiển là hậu duệ của hoàng tộc nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. (Ảnh minh họa: phim Võ Tắc Thiên truyền kỳ).
Nếu ở thời hiện đại, Lý Hiển giống như một công tử con nhà thế gia "ngậm chìa khóa vàng" mà ra đời, thì ở thời cổ đại, ông lại là nạn nhân của những cuộc thanh trừng đẫm máu trong hoàng tộc.
Sinh ra trong chốn hậu cung "ăn thịt người", lại được nuôi dạy bởi chính tay Võ Tắc Thiên, nhưng Lý Hiển lớn lên như một "dị biệt". Ông mang trong mình tâm tính thiện lương, nhân từ, thậm chí còn có phần yếu đuối, nhu nhược.
Trong cuộc đời truân chuyên của mình, ông là vị vua hiếm hoi phải xưng đế tới hai lần. Nhưng đau đớn thay, vị Hoàng đế không có duyên với ngai vàng ấy nhiều lần bị quyền thế bỡn cợt.
Đường Thái Tông thường được khắc họa trên các tác phẩm nghệ thuật với hình tượng một vị vua hiền lành, nhân từ nhưng có phần yếu đuối. (Ảnh minh họa: nguồn Qulishi.com).
So với quyền lực, Lý Hiển dành nhiều sự quan tâm của mình cho người vợ kết tóc là Vi thị.
Vi thị được gả vào Đông cung khi Lý Hiển vẫn đang ở ngôi Thái tử. Ngay sau khi đăng cơ lần đầu tiên, ông lập Vi thị làm Hoàng hậu, tình cảm của hai người khi đó vô cùng hòa thuận.
Khi đó, ông đề bạt phụ thân của Vi thị, tức Vi Nguyên Trung lên làm Thị Trung, nhưng sau đó bị Bùi Viêm ngăn cản.
Bấy giờ, Lý Hiển liền phẫn uất mà nói: "Ta là Hoàng đế, ta có thể đem cả thiên hạ cho Vi Nguyên Trung, chứ đừng nói chỉ là một chức Thị trung nhỏ bé!"
Lời này lọt đến tai Võ hậu, Lý Hiển liền bị truất phế khỏi ngai vàng, giáng xuống làm Lư Lăng Vương và bị đuổi ra khỏi thành Trường An.
14 năm sau đó, Lý Hiển cùng Vi thị bị giam lỏng ở Phòng Châu. Vi thị khi ấy đều luôn bên cạnh bầu bạn, động viên phu quân. Hai vợ chồng của phế Hoàng đế cứ như vậy nương tựa nhau sống qua những ngày tháng khó khăn, tình cảm cũng ngày càng trở nên sâu đậm.
Cũng trong khoảng thời gian ấy, Vi thị hạ sinh một công chúa. Lý Hiển rất đỗi vui mừng, đặt tên con gái là An Lạc để thể hiện cuộc sống của mình ở Phòng Châu rất vui vẻ, tự tại.
Trong những năm tháng khó khăn, tình cảm của Lý Hiển và Vi thị rất khăng khít, gắn bó. (Ảnh minh họa: nguồn Sina).
Bấy giờ, Lý Hiển vô cùng cảm động trước tình cảm của người vợ kết tóc, liền hứa rằng nếu tương lai còn cơ hội làm Hoàng đế sẽ giúp Vi thị hoàn thành một nguyện vọng.
Quả nhiên không lâu sau đó, sau cuộc "Cách mạng Thần Long", Võ Tắc Thiên buộc phải nhường ngôi, Lý Hiển trở lại ngai vàng lần thứ hai.
Cái chết tức tưởi dưới tay vợ và con gái của vị Hoàng đế bất hạnh
Vừa về lại hoàng cung, Lý Hiển đã lập tức phong Vi thị làm Hoàng hậu, thậm chí còn đồng ý cho nàng tham chính. Vậy nhưng, Lý Hiển đối với trọng thần giúp mình đăng cơ lại không mấy trọng dụng, khiến cho triều đình trên dưới ai nấy đều thất vọng, bất bình.
Chỉ tiếc rằng, Đường Trung Tông không ngờ rằng quyền lực lại có thể làm mờ mắt chính thê tử kết tóc gắn bó cùng mình năm nào, thậm chí còn đẩy ông vào cửa tử.
Sự thiên vị đối với Hoàng hậu, lại thêm việc Hoàng đế quay lưng với các trọng thần đã khiến quyền lực của Đường Trung Tông dần bị lung lay. (Ảnh minh họa: nguồn Qulishi.com).
Để thực hiện lời hứa năm nào của mình, Lý Hiển nghe theo Vi thị trong mọi việc triều chính. Sự nhu nhược của Hoàng đế khiến Vi Hoàng hậu bắt đầu nuôi tham vọng gây dựng giang sơn như Võ Tắc Thiên.
Nay Võ Tắc Thiên đã chết, địch thủ đã không còn, Vi thị bắt đầu phóng túng bản thân, thậm chí còn dan díu của Võ Tam Tư – cháu của Võ Tắc Thiên.
Lý Hiển là người nhu nhược, không dám đối mặt với vợ, chỉ im lặng trước mọi lời đồn. Có lần nhìn thấy Vi Hoàng hậu và Võ Tam Tư ngồi đánh bạc vui vẻ trong hậu cung của mình, thế nhưng Lý Hiển vẫn cười vui vẻ dường như không hề có chuyện gì.
Không những vậy, Vi hậu còn gả An Lạc công chúa cho con trai của Võ Tam Tư – Võ Sùng Huấn. Cũng giống như mẹ mình, An Lạc công chúa là người khao khát quyền lực và có nhiều dã tâm. Họ kết thành tập đoàn, hãm hại trung lương, mưu toan làm phản.
Nhận thấy sự nhún nhường, bao che của Hoàng đế, Vi hậu dần trở nên lộng quyền, thậm chứ còn cấu kết cùng con gái và tình nhân gây ra nhiều việc đại nghịch bất đạo. (Ảnh minh họa: phim Đường Võ Yến).
Sau khi trừ bỏ được Thái tử Lý Trùng Tuấn, Vi thị nhăm nhe phế bỏ Lý Hiển để leo lên đế vị. Nhưng dù nhu nhược tới mấy, Đường Trung Tông cũng không thể chịu đựng được mãi cuộc sống phóng đãng và thái độ lộng quyền của Hoàng hậu.
Năm 710, có quan đại thần là Yến Khâm Dung dâng sớ nói: "Hoàng hậu dâm loạn lại can dự đến việc triều đình, nay cấu kết với bè đảng, có ý định làm phản".
Đường Trung Tông nghe xong liền im lặng. Ngay sau đó, Yến Khâm Dung bị vây cánh của Hoàng hậu giết chết ngay trên đường về. Lý Hiển biết tin, cả ngày buồn bã không vui.
Nhận thấy Hoàng đế bắt đầu thay đổi theo chiều hướng bất lợi, Vi Hoàng hậu quyết định "thanh trừng" chính người chồng đồng cam cộng khổ cùng mình năm xưa.
Bấy giờ, An Lạc Công chúa cũng muốn phụ hoàng nhanh chóng qua đời, giúp Vi hậu lâm triều xưng Đế để mình có cơ hội làm Hoàng thái nữ.
Vi Hoàng hậu và An Lạc Công chúa đều là những phụ nữ đầy dã tâm, vì quyền lực mà bất chấp cả tình thân và đạo lý. (Ảnh: phim Đường Võ Yến).
Không lâu sau đó, vợ và con gái của Đường Trung Tông bí mật liên kết, bí mật bỏ độc vào bánh của Hoàng đế.
Lý Hiển ăn xong trúng độc mà ra đi trong tức tưởi. Tiên đế vừa băng hà, Vi Hoàng hậu giả chiếu chỉ, lập người con nhỏ tuổi lên ngôi để dễ bề thao túng và từng bước thực hiện tham vọng của mình.
Nhưng ước vọng chưa thành, người vợ và con gái tàn độc của Trung Tông đã bị Lý Long Cơ dấy binh nổi dậy và tiêu diệt trong cuộc "Đường Long chi biến".
Ngay cả khi đã vong mạng, Vi thị vẫn không được đối xử tử tế vì đã gây ra những tội ác đại nghịch bất đạo. Mặc dù mang thân phận Hoàng hậu khi còn sống, nhưng bà chỉ được chôn cất theo nghi lễ cho quan nhất phẩm, cũng không được hợp táng cùng Trung Tông.
Dù đã phải trả giá cho tội ác của mình, nhưng "ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", tiếng xấu của Vi Hoàng hậu muôn đời cũng không rửa hết. Cho tới ngày nay, bà vẫn bị hậu thế đánh giá là một vị Hoàng hậu tàn độc "khét tiếng" trong lịch sử Trung Quốc.