Tin nhắn tục tĩu, đe dọa tống tiền, hiếp dâm. Đó là một loạt các cáo buộc chống lại tên Ahmed Bassam Zaki - một nam sinh viên (21 tuổi) đang theo học tại 1 trường đại học nổi tiếng ở thủ đô Cairo (Ai Cập).
Sự việc nổi lên sau khi một trang Instagram đã được thiết lập để làm diễn đàn "vạch mặt" tên này.
Theo người quản lý trang, chỉ trong vòng vài ngày, 93 cô gái trẻ đã đồng loại lên tiếng tố cáo, trong đó có một số người chỉ mới 13 tuổi.
Một số người cáo buộc là sinh viên tại Đại học Mỹ ở Cairo, cơ sở đào tạo uy tín dành cho con của các gia đình giàu có và quyền lực nhất đất nước Ai Cập.
Ahmed Bassam Zaki, sinh viên Ai Cập 21 tuổi - Ảnh: Egyptian Street.
Ngày 4/7, 3 ngày sau khi trang Instagram được lập, cảnh sát Cairo đã bắt Ahmed Bassam Zaki, đối tượng bị hàng chục phụ nữ cáo buộc quấy rối và hiếp dâm tại căn hộ của hắn ta ở vùng ngoại ô.
Hành động nhanh chóng và công khai này của nhà chức trách được xem là bước ngoặt đáng chú ý ở Ai cập, nơi các vụ tấn công và quấy rối tình dục rất phổ biến và nạn nhân không dám lên tiếng vì sợ chính họ sẽ bị đổ lỗi, hay nói cách khác là họ không muốn "tự rước họa vào thân".
Những yếu tố như trường học của con em các gia đình giàu có, ngôi trường danh giá nổi tiếng và nhiều cáo buộc gây sốc... đã khiến vụ việc thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người.
Truyền thông liên tục đưa tin, cư dân mạng thì bàn tán xôn xao. Làn sóng tố cáo công khai trên mạng xã hội đã khiến vụ việc được xem như phong trào #MeToo của Ai Cập.
Ngày 7/7 vừa qua, hội đồng Phụ nữ Quốc gia của Ai Cập cho biết cơ quan này đã nhận được hơn 400 khiếu nại liên quan tới các hành vi bạo lực đối với phụ nữ kể từ khi vụ việc vỡ lở.
Các cơ quan truyền thông, thường chịu ảnh hưởng bởi chính phủ, hầu như đều lên tiếng ủng hộ những người cáo buộc Zaki.
Các học giả tại học Al-Azhar, trung tâm học tập Hồi giáo dòng Sunni, cũng đứng về phía họ đồng thời đưa ra tuyên bố khuyến khích phụ nữ đứng ra làm chứng tố cáo các hành vi tấn công tình dục và từ chối mọi quan điểm cho rằng trang phục hay hành vi của họ đáng trách.
Ông Ahmed Barakat, phát ngôn viên của Đại học Al Azhar, nói: "Chúng tôi muốn nhắn gửi một thông điệp tới cộng đồng rằng chúng ta cần phải thay đổi văn hóa của mình.
Trong văn hóa phương Đông, một số nạn nhân không dám lên tiếng vì cảm thấy xấu hổ. Chúng ta cần động viên họ dũng cảm lên tiếng vạch trần cái xấu".
Gia thế kẻ phạm tội, những thủ đoạn tinh vi và ký ức kinh hoàng của các nạn nhân
Theo thông tin từ công tố viên, vụ án hình sự chống lại tên Zaki tập trung vào các cáo buộc hãm hiếp, tống tiền và tấn công không đứng đắn đối với 6 người phụ nữ.
Zaki cũng có khả năng bị truy tố ở Tây Ban Nha, nơi sinh viên này từng theo học hồi năm ngoái. Ngôi trường ở Barcelona đã ra thông báo đuổi học và đệ đơn khiếu nại hình sự lên cảnh sát Tây Ban Nha hôm 6/7.
Tên Zaki đã không công khai giải quyết các cáo buộc nhưng công tố viên cho biết rằng gã thanh niên này đã bác bỏ hầu hết các cáo buộc.
Một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng cho biết ông đã nói chuyện với cha của Zaki, một giám đốc điều hành viễn thông, cũng tiết lộ Zaki đã bác bỏ các cáo buộc.
Làn sóng phẫn nộ đối với Zaki càng tăng khi anh ta có xuất thân từ giới thượng lưu Ai Cập.
Sau khi tốt nghiệp trường Quốc tế Mỹ, một trong những trường trung học đắt đỏ nhất ở thủ đô Cairo, năm 2016, tên Ahmed Bassam Zaki bắt đầu học ở Đại học Mỹ.
Các sinh viên của ngôi trường này đã nhanh chóng nhận ra bản chất xấu xa của gã sinh viên này sau những hành vi quấy rỗi các bạn nữ.
Đại học Mỹ ở thủ đô Cairo, Ai Cập.
Kareem Elhosseni, phó chủ tịch của một câu lạc bộ, cho hay: “Khi còn là sinh viên năm nhất, Zaki từng bị đuổi khỏi câu lạc bộ salsa của trường khi nhiều sinh viên nữ phàn nàn về hành vi quấy rối của anh ta”.
Theo những thông tin đăng tải trên tài khoản Instagram được lập ra để "bóc phốt" trong tuần qua, tên Zaki đã sử dụng nhiều mưu mẹo để có được số điện thoại của các cô gái, thậm chí hắn còn tự xưng là thành viên của những tổ chức không có thật nhằm lôi kéo lòng tin.
Hắn gây áp lực để khiến các bạn nữ sinh gửi những bức ảnh nhạy cảm của mình cho hắn, sau đó hắn dùng chúng để ép họ quan hệ tình dục hoặc tống tiền, đe dọa sẽ gửi những bức ảnh đó cho cha mẹ của các cô gái nếu dám từ chối.
Thâm hiểm hơn, hắn dùng những lời nói ngon ngọt để chiếm được sự đồng cảm của các cô gái. Hắn tâm sự mình vừa trải qua khủng hoảng lớn trong đời, sau đó dụ nạn nhân đến nhà và tấn công tình dục.
Một nữ sinh 18 tuổi gặp Zaki trên Tinder nói rằng hắn có vẻ giống như một chàng trai đàng hoàng. Nhưng sau cuộc trò chuyện làm quen, hắn nhanh chóng mời cô về nhà để thực hiện hành vi dâm ô.
Khi cô gái từ chối, hắn buông lời nhục mạ không thương tiếc và dọa sẽ đến nhà gặp bố mẹ cô. "Nếu là người ngoài cuộc, bạn có thể nhận ra anh ta bịp bợm. Nhưng nếu trong cuộc, bạn sẽ tin điều anh ta nói.
Điều này rất đáng sợ", cô gái chia sẻ.
“Các nạn nhân không quen biết nhau nhưng câu chuyện của họ có rất nhiều điểm tương đồng”, Sabah Khodir, nhà văn người Ai Cập thường viết về chủ đề tình dục, cũng là người nhận được vô số lời khai giấu tên từ các nạn nhân của Zaki, cho biết.
Mọi lời cáo buộc chỉ trở nên rõ ràng sau khi trang @assaultpolice trên mạng xã hội Instagram được lập ra hôm 1/7, trong đó nhiều người còn gửi cả bản sao tin nhắn thoại và tin nhắn bình thường mà Zaki gửi tới các cô gái.
4 trong số những người tố cáo là sinh viên châu Âu và 1 người là người Mỹ.
Quản trị viên của trang @assaultpolice, người bằng tuổi và thuộc cùng tầng lớp xã hội với Zaki, nói cô tin tưởng các tài khoản tố cáo bởi cô biết rõ về gia đình của nhiều người buộc tội.
Cô yêu cầu được giấu tên vì sợ "gia thế" của gia đình tên Zaki.
Phóng viên của tờ New York Times không thể xác minh độc lập bất kỳ lời cáo buộc nào.
Tên Zaki đã tạm ngừng việc học ở Đại học Mỹ và đăng ký tham gia một chương trình trực tuyến tại Trường Kinh doanh EU ở Barcelona từ hồi năm ngoái.
Khi tội ác của tên Zaki bị bại lộ, phát ngôn viên của Trường Kinh doanh EU, Claire Basterfield, cho biết trường học này vừa tuyên bố đình chỉ việc học của Zaki.
Hành động nhanh chóng của Trường Kinh doanh EU đã thu hút sự quan tâm cùng thái độ dò xét của dân chúng về việc Đại học Mỹ xử lý thế nào đối với những tổn thất mà Zaki gây ra.
Khodir, nhà văn Ai Cập, nói có rất nhiều cáo buộc đối với Zaki từ các sinh viên, trong đó đỉnh điểm là khiếu nại quấy rối tình dục năm 2018.
Ảnh minh họa.
Người phát ngôn của Đại học Mỹ, Rehab Saad, từ chối bình luận về những cáo buộc chống lại tên Zaki với lý do lo ngại về bảo mật, chỉ nói rằng sinh viên này rời trường đại học năm 2018 mà không hoàn thành chương trình học và không được lấy bằng.
Bà Saad nói thêm rằng trường đại học này có một chính sách không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối tình dục và cơ quan này đã tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Ai Cập về quấy rối.
Trong một email gửi cho nhân viên vào hôm 7/7, Francis J. Ricciardone, chủ tịch Đại học Mỹ, cam kết "nhân đôi các chương trình đào tạo truyền thông" về các biện pháp chống quấy rối tình dục.
Tia hy vọng cho những thay đổi để bảo vệ nữ quyền
Bạo lực tình dục từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối ở Ai Cập sau hàng loạt vụ tấn công xảy ra.
Chẳng hạn như các vụ tấn công phụ nữ ở quảng trường Tahrir giữa làn sóng biểu tình hậu phong trào "Mùa xuân Arab" hồi năm 2011; năm 2014, một phụ nữ bị hiếp dâm tập thể sau lễ kỷ niệm Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi nhậm chức.
Vào tháng 1 năm nay, làn sóng phẫn nộ nổi lên khi một đoạn video được chia sẻ lan tràn trên mạng xã hội cho thấy nhóm đàn ông vây quanh và quấy rối một người phụ nữ ở Mansura, phía bắc thủ đô Cairo.
Quấy rối tình dục ở Ai Cập phổ biến đến mức nghiên cứu năm 2013 của Liên Hợp Quốc chỉ ra có tới 99% phụ nữ nước này là nạn nhân.
Ai Cập cũng từng có nhiều phong trào #MeToo khác nhưng chúng chưa thực sự mang lại hiệu quả - Ảnh minh họa.
Hành động vạch trần tội ác xấu xa của tên Zaki gần đây càng gây bất ngờ khi các nhà chức trách Ai Cập đích thân vào cuộc. Bởi trước đây, họ thường xuyên bắt giam phụ nữ với các cáo buộc có hành vi hỗn láo và vô đạo đức hoặc xấc xược.
"Đây là một bước tiến trong phong trào đấu tranh nhiều năm qua. Tôi rất tự hào về điều này", Mozn Hassan, một trong số nhà nữ quyền nổi tiếng thẳng thắn nhất ở Ai Cập, cho biết.
Tuy nhiên, bà Hassan cũng thừa nhận rằng Ai Cập còn tụt lại phía sau rất xa so với nhiều quốc gia về vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ.
Mặc dù quấy rối tình dục đã bị hình sự hóa vào năm 2014, nhưng tội phạm hiếp dâm vẫn chưa bị xử lý đích đáng.
Chính phủ Ai Cập gần đây bắt giam nhiều phụ nữ vì các lý do "vô thưởng vô phạt", trong đó có biên tập viên một trang tin tức, một vũ công, một dịch giả tại thư viện Bibliotheca Alexandrina danh tiếng và một phụ nữ thuộc gia đình hoạt động nổi tiếng.
Kể từ tháng 4, 7 phụ nữ Ai Cập trẻ tuổi đã bị bắt giam vì đăng các video nhảy múa trên mạng xã hội TikTok, với cáo buộc xúc phạm đạo đức cộng đồng.