Chết ngay sau bữa ăn lót dạ...
Simon Isolomo thức dậy vào khoảng 5 giờ sáng, nói lời tạm biệt với vợ và 7 đứa con, rồi lên chiếc xuồng độc mộc của mình. Ngày hôm đó, một ngày mùa Đông năm 2018, đã bắt đầu giống như bao ngày khác trong 30 năm đánh bắt cá của Simon Isolomo ở tỉnh Équateur, Cộng hòa Dân chủ Congo. Chèo thuyền trên sông Likelemba về phía trại câu cá của mình với một vài người bạn, Simon Isolomo, 52 tuổi, lót dạ bằng món bánh Chikwanga (bánh truyền thống châu Phi làm bằng bột sắn được gói trong lá chuối khô rồi đem hấp).
Sau 3 giờ, họ đến trại và Simon Isolomo bắt đầu kiểm tra dây câu của mình. Thấy dây câu động đậy, người đàn ông 52 tuổi cho tay xuống dòng nước đục kiểm tra. Một cơn đau nhói ập đến khiến ông quay cuồng, máu rỉ ra từ 2 lỗ nhỏ trên mu bàn tay. Trên làn nước đục ngầu, một con rắn khoang vàng khoang đen dài hơn 2 mét đang bơi ra xa.
Simon Isolomo nằm mê man, bất tỉnh. Những người đi cùng nhóm đánh bắt cá đang chèo thuyền nhanh nhất có thể về làng Iteli của họ. Khi vào đến viện ở Mbandaka, thủ phủ của tỉnh, Simon Isolomo đã tắt thở và chết trước sự ngỡ ngàng và đau xót của người vợ, bà Marie Isolomo.
Điều đáng nói, những câu chuyện như của Simon Isolomo đều quá phổ biến - Chuyện về những người dân nghèo chết vì rắn cắn nhiều như cơm bữa ở châu Phi.
Châu Phi được xem là "nhà" của những loài rắn độc bậc nhất thế giới, trong số đó phải kể đến các tên khét tiếng như:
Mamba Xanh/Đen (mệnh danh cỗ quan tài di dộng, loài rắn hung dữ, di chuyển nhanh và dài nhất châu Phi). Vì hung dữ nên Mamba Đen/Xanh sẽ tấn công con người liên tục khi thấy bị đe dọa, giải phóng nọc độc thần kinh vào máu của nạn nhân. Nọc rắn độc này đủ mạnh để khiến con người gục ngã sau 45 phút; và nếu vết cắn không được điều trị, sẽ giết chết gần 100% nạn nhân chỉ sau 7 giờ. Các triệu chứng bao gồm ngạt và trụy tim mạch.
Châu Phi cũng là nơi sinh sống của khoảng 20 loài rắn hổ mang. Nọc độc của rắn hổ mang chặn các tín hiệu thần kinh và gây tử vong do ngừng hô hấp.
Nọc độc của loài cạp nong, thuộc loài Rắn hổ Elapidae (loài rắn đã cắn Simon Isolomo) có thể giết chết một người trưởng thành vài giờ sau khi cắn nếu không được can thiệp y tế kịp thời. Nọc độc của chúng chứa độc tố thần kinh cực mạnh, có khả năng làm tê liệt cơ bắp, có thể dẫn đến ngừng hô hấp.
Riêng nọc độc của loài rắn Viper (một chi rắn độc thuộc họ Rắn lục Viperidae) đã giết chết nhiều người ở châu Phi hơn bất kỳ loài rắn nào khác. Với độc tố phá hủy tế bào hồng cầu, gây viêm, chảy máu và hoại tử mô. Sở dĩ loài này gây nhiều ca tử vong ở châu Phi là vì chúng là những kẻ săn mồi kiên trì, có khả năng ngụy trang và nằm im bất động để phục kích, và vì thường vào gần khu vực dân cư sinh sống nên người dân vô tình giẫm lên chúng mà không hay biết. Adder Puff (thuộc loài rắn Viper) tuy không phải là loài rắn độc nhất châu Phi, nhưng nó được cho là nguyên nhân gây tử vong cho con người nhất.
Ảnh trái: Loài rắn viper sừng tê giác (Rhinoceros viper) - Ảnh phải: Mamba xanh, kẻ sở hữu nọc độc chết chóc. Ảnh: THOMAS NICOLON / National Geographic
Trên toàn cầu, có tới 138.000 người chết vì rắn cắn mỗi năm, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và phần lớn những trường hợp tử vong xảy ra ở các quốc gia nghèo và đang phát triển. Khoảng 400.000 người khác may mắn sống sót thì đều thiếu tay hoặc chân và các khuyết tật vĩnh viễn khác.
Trên thực tế, WHO thống kê số người chết vì rắn độc cắn mỗi năm trên toàn thế giới nhiều hơn tổng số người chết vì các bệnh nhiệt đới như bệnh dại, sốt xuất huyết, bệnh phong, bệnh đau mắt hột...
Không nơi nào tồn tại vấn đề về rắn cắn nghiêm trọng hơn ở khu vực châu Phi hạ Sahara (chỉ các quốc gia châu Phi nằm hoàn toàn hay một phần ở phía nam sa mạc Sahara) nơi một số chuyên gia tin rằng số người chết hàng năm có thể lên tới 50.000 người, nhiều hơn gấp đôi so với ước tính 20.000 của WHO.
2. Chạy đua với Tử Thần
Hầu hết nạn nhân bị rắn cắn ở châu Phi là nông dân nghèo hoặc con cái họ làm việc ở những nơi xa xôi. Khi một con rắn độc tấn công, một cuộc đua với thời gian/tử thần bắt đầu. Đưa người bị rắn cắn đến bệnh viện gần nhất có thể mất vài giờ, như trường hợp của Simon Isolomo, hoặc thậm chí mất vài ngày. Đến lúc đó có thể là quá muộn.
Khi một bệnh nhân đến trung tâm điều trị, hai câu hỏi quan trọng phải được trả lời: Có sẵn thuốc kháng nọc độc đáng tin cậy không? Và nếu vậy, các nhân viên y tế có biết cách sử dụng nó đồng thời điều trị các tác dụng phụ tiềm ẩn, có thể gồm buồn nôn và nôn đến sốc phản vệ có thể gây tử vong hay không? Thông thường, câu trả lời cho cả hai câu hỏi đều là không.
Với tâm lý không tin vào thuốc tây, nhiều nạn nhân bị rắn cắn không được người nhà đưa đến bệnh viện, thay vào đó, các gia đình thường tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy lang, những người xử lý khi bị rắn cắn bằng cách dùng lá hoặc tro từ xương động vật bị đốt cháy để đắp vào vết cắn; hoặc buộc dây cột quanh chân tay bị cắn (với mục đích không cho nọc phát tán), tuy nhiên nếu để lâu có thể gây nguy hiểm vì giảm lưu lượng truyền máu và gây oxy hóa cơ bắp.
Nhà sinh vật học Baldé Mamadou Cellou thí nghiệm nọc độc trên cơ thể để hiểu cảm giác đau đớn của những người dân lao động nghèo bị rắn độc cắn. Ảnh: National Geographic
Tuy nhiên, một số thực vật có sẵn tại địa phương có thể có tác dụng làm giảm đau và giảm sưng, nhưng chúng không thể cứu sống nạn nhân.
Một trong những yếu tố dẫn đến số lượng người chết vì rắn cắn cao đột biến đến từ: Chất kháng nọc độc (hay huyết thanh kháng nọc rắn - Antivenom). Việc thiếu hụt nghiêm trọng chất kháng nọc độc - loại thuốc duy nhất có thể vô hiệu hóa độc tố của các loài rắn nguy hiểm - cũng như điều kiện nghèo nàn không cho phép người dân tiếp cận loại thuốc này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng sức khỏe trầm trọng ở châu Phi.
Hơn nữa, bệnh nhân phần lớn là người nghèo, không có tiền chữa bệnh hoặc không tin vào thuốc tây, kết quả là không đến bệnh viện; Trong khi đó, nhân viên tại nhiều trung tâm y tế không được đào tạo bài bản để điều trị rắn cắn.
Để cải thiện tình hình, năm 2017, WHO đã bổ sung bệnh Envenomation - bị rắn độc cắn - vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (thờ ơ) nhằm khuyến khích chính phủ, tổ chức y tế quan tâm hơn đến việc trị bệnh. Năm 2019, tổ chức này đã đưa ra chiến lược phòng ngừa và kiểm soát rắn cắn, đặt mục tiêu trên toàn thế giới là cắt giảm 50% số ca tử vong hàng năm - một cam kết ước tính cần gần 140 triệu USD.
3. Nọc rắn độc: Đắt đỏ và được tiêm vào ngựa, vì sao?
Sản xuất Antivenom là một quá trình lâu dài, tốn kém: Các công ty dược phẩm phải mua nọc độc từ các phòng thí nghiệm chiết xuất từ những con rắn độc được nuôi nhốt. Tùy thuộc vào loài, nọc độc có thể có giá từ vài trăm đến vài nghìn USD một gram.
Nọc độc với số lượng nhỏ được tiêm vào ngựa, loài động vật được lựa chọn để tiêm nọc rắn độc vì chúng dễ sinh sản và có lượng máu lớn. Những con ngựa từ từ phát triển kháng thể. Các kháng thể sau đó được chiết xuất từ máu của chúng và được tinh chế để tạo ra Antivenom ở dạng lỏng hoặc bột.
Các chuyên gia đang chiết xuất nọc độc từ một loài rắn Gaboon viper Tây Phi cho phòng thí nghiệm Latoxan của Pháp, nơi cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn trên toàn thế giới. Nọc độc có giá hàng ngàn đô la Mỹ một gram. Ảnh: National Geographic
Hầu hết các loại thuốc Antivenom được phát triển để vô hiệu hóa nọc độc của một loài rắn duy nhất là một thách thức bởi vì hóa chất trong nọc độc có thể thay đổi từ con rắn này sang con rắn khác trong cùng một loài; thậm chí sự khác nhau diễn ra ngay cả trong số những con rắn nở ra từ cùng một ổ trứng.
Jean-Philippe Chippaux, một chuyên gia về các bệnh nhiệt đới tại Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp có trụ sở tại Paris cho biết, trong khi điều trị rắn cắn được cho là rất tốn kém, thì năng suất của người lao động bị mất do khuyết tật hoặc tử vong (do rắn cắn) có thể còn tốn kém hơn. Vì thế, ông khuyến nghị nên sản xuất Antivenom rộng rãi và chi phí rẻ hơn để người dân được tiếp cận.
4. Vậy, đâu là con đường?
Năm 2013, một công ty ở Mexico, Inosan Biopharma, với sự giúp đỡ của nhà sinh vật học Baldé Mamadou Cellou - Giám đốc Viện nghiên cứu sinh học ứng dụng Guinea và các chuyên gia khác - đã hoàn thiện Inoserp Pan-Africa, một loại huyết thanh kháng nọc rắn có khả năng trung hòa độc tố của ít nhất 18 loài rắn độc, hiệu quả hơn bất kỳ loại Antivenom nào khác ở châu Phi, và có tác dụng phụ ít nhất so với các loại thuốc kháng độc rắn khác.
Một ưu điểm vượt trội khác là Inoserp Pan-Africa không giống như các huyết thanh dạng lỏng khác (phải bảo quản lạnh), nó được bào chế ở dạng khô và không phải giữ lạnh. Các chuyên gia đồng ý rằng Inoserp đã là một bước nhảy vọt cho y học nhiệt đới vì như ở hầu hết các vùng nông thôn châu Phi, người dân liên tục phải vật lộn với việc mất điện.
Trưởng làng Lolifa, Ikomo Bokombola Pierre, giữ hai bẫy cá chứa rắn ở miền tây Congo. Ảnh: National Geographic
Tại viện nghiên cứu của Baldé Mamadou Cellou, tỷ lệ tử vong do rắn cắn là 18% trong những năm 1990. Vào năm 2019, phần lớn nhờ vào huyết thanh kháng nọc rắn Inoserp Pan-Africa, nó đã giảm mạnh tới 1,3%.
Dầu vậy, vẫn có vấn đề xảy ra: Ngay cả khi Inoserp Pan-Africa được phổ biến rộng rãi, những người châu Phi ở nông thôn có thu nhập có thể không quá vài đô la một ngày, không thể mua được để chữa trị.
Một nghiên cứu của Jean-Philippe Chippaux, chuyên gia về các bệnh nhiệt đới tại Viện Nghiên cứu phát triển Pháp chỉ ra rằng: Trong khi kinh phí điều trị rắn cắn rất tốn kém, thì năng suất của người lao động bị mất do khuyết tật hoặc tử vong có thể còn gây tốn kém hơn cho kinh tế quốc gia đó.
Do đó, việc sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn rẻ hơn để mọi người có thể được điều trị là một yêu cầu cấp thiết.
Inosan Biopharma đang đầu tư hàng triệu đô la để đẩy mạnh sản xuất Inoserp Pan-Africa ở Mexico, hy vọng rằng các chính phủ ở các nước châu Phi có thể cam kết mua đủ số tiền để chống lại cuộc khủng hoảng rắn cắn cho người dân nghèo.
Baldé Mamadou Cellou đồng thời lưu ý rằng, việc chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe vì rắn độc cắn cần sự phối hợp từ chính phủ và người dân. Trong khi chính phủ đầu tư mua huyết thanh kháng nọc để người dân có khả năng tiếp cận thì đổi lại, người dân cũng phải có biện pháp chủ động bảo vệ mình bằng cách: Mang giày khi đi bộ ở những nơi có khả năng có rắn và sử dụng đèn pin vào ban đêm.
"Bị rắn cắn là một căn bệnh của người nghèo, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách của chúng tôi luôn có xu hướng phớt lờ nó nhưng tôi hy vọng khoản đầu tư toàn cầu mới của WHO vào phòng chống rắn cắn sẽ có hiệu quả. Bây giờ các chính phủ của châu Phi sẽ bị buộc phải xem nó như một vấn đề nghiêm trọng. Đây là một bước rất, rất quan trọng" - Ông Keith Erulu tại Bệnh viện Watamu (Kenya) nói.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.