Nọc ong nguy hiểm như thế nào?

Khánh Ngọc |

​Ong đốt là một cấp cứu y tế có thể gây ra phản ứng tại chỗ, ngộ độc do bị nhiều ong đốt cùng lúc hoặc bị sốc phản vệ gây nguy hiểm tới tính mạng.

Nọc ong nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị ong đốt

Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại BVĐK Tỉnh Phú Thọ được cấp cứu tích cực, xét nghiệm có tình trạng suy đa phủ tạng: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận nặng, tiêu cơ vân cấp Người bệnh được hồi sức tích cực bằng: đặt nội khí quản, thở máy, bồi phụ nước, điện giải, chống suy gan, suy thận, siêu lọc máu liên tục,...

Chị Bùi Thị Vân A. Lâm Thao, Phú Thọ - trên đường đi làm về bị tổ ong rơi vào đầu, bị ong đốt liên tục khoảng trên 300 nốt, chị bị bất tỉnh ngay sau đó. Đã được sơ cứu tại Trạm Y Tế xã Ca Đình rồi đưa đến một bệnh viện khác và điều trị trong 10 tiếng nhưng tình trạng sốc không cải thiện, vô niệu hoàn toàn, xét nghiệm suy đa phủ tạng.

Qua điều trị 5 ngày bằng lọc máu liên tục tình trạng huyết động và tiêu cơ vân dần ổn định, tuy nhiên vẫn vô niệu hoàn toàn. Bệnh nhân tiếp tục được lọc máu ngắt quãng 6 lần sau đó, đến ngày thứ 14 của bệnh bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu đái trở lại, làm xét nghiệm tình trạng tiêu cơ vân và suy thận có dấu hiệu giảm dần.

Đến ngày điều trị thứ 20 tình trạng bệnh nhân ổn định, các tổn thương hồi phục hoàn toàn và được cho ra viện trong tình trạng tỉnh táo, các chỉ số xét nghiệm đánh giá lại dần trở về bình thường.

Bs.CKII. Ngô Hữu Hà - Khoa Hồi sức tích cực – chông độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết nọc ong chứa nhiều chất độc và nhiều men, dễ gây dị ứng. Chủ yếu có các chất là các amin gây viêm (histamin, Noradrenalin, Dopamin, Serotonin..), các peptid (Apamin gây độc thần kinh, Mellitin là chất độc gây tan máu) và các enzym khác

Khi bị ong đốt gây ra các phản ứng tại chỗ như đỏ da, phù nề, đau, ngứa và có thể mất đi sau 4-12 giờ. Tuy nhiên nếu ong đốt ở vùng hầu họng có thể gây viêm phù nề lớn và làm ngạt thở suy hô hấp. Trường hợp bị phản ứng độc thường xảy ra nếu số lượng ong đốt quá nhiều với các triệu chứng nôn mửa, sốc, tụt huyết áp, đông máu trong lòng mạch, hôn mê, co giật, tiêu cơ vân dẫn đến viêm ống thận cấp

Phản úng dị ứng: tùy theo từng mức độ khác nhau, phản ứng hệ thống xếp theo mức độ nặng tại da niêm mạc, hô hấp, tiêu hóa. Nặng nhất là sốc phản vệ, xuất hiện nhanh chỉ vài phút sau ong đốt có thể gây tử vong.

Khi bị ong đốt có thể xử lý tại chỗ như lấy nhíp cậy ngòi ở vết đốt nếu là ong mật. Sát trùng vết đốt: bằng nước sạch hoặc nước dấm pha loãng

Tiêm phòng uốn ván nếu vùng da tổn thương bị nhiễm bẩn, tháo các nhẫn, vòng đeo tay để tránh chèn ép mạch khi có phù nề. Uống thuốc kháng histamin, Prednisolon trong vài ngày.

Trường hợp có thể sốc phản vệ do ong đột, trường hợp này bạn cần nhớ rằng sốc phản vệ có thể chỉ do một con ong đốt

Theo bác sĩ Hà ong đốt là một cấp cứu nội khoa khẩn cấp, sốc phản vệ có thể xẩy ra khi chỉ có một nốt ong đốt, nếu không xử trí kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng. Khi bị đốt từ 10 nốt trở lên đã được coi là nặng và trên 30 nốt trở lên là rất nặng và có thể rất nguy kịch. Việc xử trí sớm bằng các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực là rất cần thiết để cứu sống tính mạng người bệnh

Bác sĩ khuyến cáo tránh tiếp xúc với khu vực có ong: không chọc phá, bắt ong, đập tổ ong…Trang bị các kiến thức cần thiết để phòng chống ong đốt như đi vào rừng cần mặc những áo tay dài hay có bảo hộ lao động..Không để hoang nhà cửa, rọn dẹp các cành cây bụi rậm gần nhà để tránh tạo điều kiện cho ong làm tổ

Khi phát hiện được có tổ ong ở khu dân cư, hay khu vực có nhiều người qua lại cần phải phá bỏ tổ ong đúng cáchTrang bị kiến thức cơ bản để sơ cứu người bị ong đốt, nếu bị ong độc đốt với số lượng lớn hay có dấu hiệu nặng cần đưa đến cơ sở y tế lớn ngay càng sớm càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại