Rắn cạp nia là một loài rắn độc, thuộc họ rắn hổ, da vảy trơn bóng được sắp xếp thành các khoang đen trắng, sáng tối xen kẽ. Cạp nia phân bố chủ yếu ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
Thông thường, loài rắn này có chiều dài khoảng từ 1-1,5m, có con dài tới 2-2,5m. Chúng thường kiếm ăn về đêm, ban ngày thường rất hiền lành, nhưng ban đêm lại đặc biệt dữ tợn.
Cạp nia hay sinh sống trong các đồng cỏ và cánh rừng có nhiều bụi rậm.
Do được xếp vào top những loài rắn độc nhất hành tinh, nên một cú cắn của rắn cạp nia sẽ đặc biêt nguy hiểm, nhanh chóng gây ra trụy hô hấp cho nạn nhân.
Rắn cạp nia được mệnh danh là một trong những loài rắn độc nhất hành tinh. (Ảnh minh họa)
Theo các nhà khoa học, trước khi có thuốc điều trị rắn độc cắn thì tỉ lệ thiệt mạng của những nạn nhân khi bị rắn cạp nia cắn lên tới 75%.
Nguyên nhân khiến nhiều người chết sau khi rắn cạp nia cắn vì hầu hết các vết cắn đều không sưng hay đau nhiều, khiến nạn nhân chủ quan, thậm chí không biết mình bị rắn cắn. Nhiều người biết, nhưng nghĩ là rắn không độc nên đi cấp cứu quá muộn, sau khi triệu chứng tê liệt thần kinh xảy ra.
Các chuyên gia về phòng chống độc cho biết, nọc của rắn cạp nia các neurotoxins presynaptic có thể gây tê liệt cơ, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của nơ-ron thần kinh để truyền thông tin, mệnh lệnh tới nơ-ron tiếp theo.
Khi bị rắn cắn, nạn nhân thường bị tê liệt tạm thời, sau đó là chuột rút, run, co thắt. Tuy nhiên, những triệu chứng này đều có thể không xảy ra đồng thời ở các bộ phân khác nhau trên cơ thể.
Theo thông kê, tỉ lệ chết người do vết cắn của rắn cạp nia còn tùy thuộc vào lượng nọc độc cũng như tình trạng sức khỏe của người bị cắn lúc đó.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu, rắn cạp nia (loại ở miền Bắc) có lượng nọc độc trung bình khoảng 4,6 mg - 18.4mg/nhát cắn. Nọc độc có độc tính cao với giá trị LD50 đạt 0.09mg/kg – 0.108mg/kg mỗi nhát. Do đó, cạp nia được coi là một trong những loài rắn độc nhất thế giới.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu nghi ngờ bị rắn cạp nia hay rắn cắn, dù không chắc chắn là rắn độc hay không độc, bệnh nhân cũng cần nhanh chóng tới bệnh viện chuyên khoa để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.