Nợ xấu ngân hàng đang “đánh” vào túi tiền mỗi người dân thế nào?

Chúng ta rất tự hào về cách xử lý nợ xấu của Việt Nam là không dùng tiền ngân sách. Nhưng với cách xử lý hiện tại, ngân sách không mất tiền thì người dân phải mất tiền.

Cách xử lý nợ xấu của Việt Nam vẫn chủ yếu là gom về một chỗ - Công ty quản lý tài sản VAMC , do không đủ nguồn lực và thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ.

“Chúng ta rất tự hào về cách xử lý nợ xấu của Việt Nam là không dùng tiền ngân sách.

Nhưng như tôi đã nói, không dùng tiền ngân sách thì đâu đó phải mất tiền”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lên tiếng.

Theo ông Tuyển, hiện đang có 3 đối tượng đang “mất tiền” với nợ xấu ngân hàng .

Đầu tiên là người gửi tiền. Người gửi tiền phải gửi với lãi suất huy động thấp. Lãi suất ngân hàng hiện đang giảm nhẹ.

Theo bản tin chứng khoán mới đây của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC), Dong A Bank giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,5% ở tất cả các kỳ hạn.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn giảm 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (1-4 tháng) và Techcombank giảm 0,1-0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn 2 tháng, 18 tháng và 24 tháng.

Cuối cùng Bao Viet Bank cũng giảm 0,1% lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trong khi Vietinbank giảm 0,2% lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng.

Dù có một số ngân hàng nâng lãi suất huy động, nhưng theo lý giải của chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh, lãi suất ngân hàng có nơi lên 8 – 9%, nhưng đó là “khoản tiền gửi kỳ cục” – TS. Ánh nhận định, với mức tiền gửi 8 – 10 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm.

Đối tượng mất tiền thứ hai là ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Các đối tượng này buộc phải giảm lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu chưa thể giải quyết, hay thậm chí đã bán cho VAMC.

Đối tượng thứ 3, cũng là đối tượng ở vị trí yếu thế nhất - người đi vay.

Theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng có những khoản vay mà lãi suất sẽ giảm, nhưng lãi suất cho người vay kinh doanh bình thường lại không giảm.

Và một nguy cơ hiện hữu là lãi suất cho vay tăng lên và Ngân hàng Nhà nước rất khó để giữ lãi suất cho vay bằng năm ngoái.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy đưa ra dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng lên 1 – 2% so với mặt bằng năm 2015.

“Không thể đơn giản nói doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường như năm 2015 hoặc tốt hơn năm 2015 khi lãi suất tăng lên”, ông Thúy nhận định.

Khi lãi suất tăng lên, chi phí cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng tăng, và doanh nghiệp sẽ có 2 lựa chọn: Hoặc chấp nhận giảm lãi, thậm chí lỗ; hoặc tăng giá sản phẩm – dịch vụ tới người tiêu dùng cuối.

Với lựa chọn thứ 2 – lựa chọn rất phổ biến với các doanh nghiệp hiện tại, đối tượng chịu mất tiền cuối cùng vẫn là người dân.

“Tư duy của chúng ta là không được dùng 1 đồng tiền thuế của dân, không được đi vay để giải quyết nợ xấu của ngân hàng.

Nhưng nếu ngân hàng ôm một đống nợ xấu thì không thể giữ vai trò huy động vốn – “vai trò huyết mạch” cho nền kinh tế”, ông Thúy nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại