Theo đó, Luật sư Tạ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TNHH Emme Law, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - người đại diện cho ông P.H.A (trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, sáng 19/3, ông đã làm việc với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh Quảng Ninh trong vụ việc ông H.A. bị Eximbank gửi đơn thông báo thu hồi khoản nợ xấu do chi tiêu gần 8,5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng từ năm 2013, đến nay nợ lãi phát sinh thành 8,84 tỷ đồng.
“ Hai bên đã cùng trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc. Khách hàng - ngân hàng đã lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ toàn bộ nội dung diễn biến vụ việc. Cả hai bên thống nhất mong muốn sẽ phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất ”, ông Tuấn cho biết.
Trươc đó, theo thông tin từ Ngân hàng Eximbank, ông H.A. thực hiện mở thẻ Master Card tại Eximbank chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức 10 triệu đồng.
Khách hàng sau đó phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm. Ngay sau đó, ngân hàng đã thực hiện nhiều bước để thu hồi khoản nợ của ông H.A.
“ Đây là khoản nợ quá hạn đã kéo dài gần 11 năm. Ngân hàng nhiều lần thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách vẫn chưa có phương án xử lý nợ ”, Eximbank thông tin.
Ngân hàng này khẳng định thêm việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý, thu hồi nợ. Tính đến nay, ngân hàng chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Cũng theo Eximbank, phương thức tính lãi, phí trong khoản nợ nói trên "hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa Eximbank và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ ngày 15/3/2013 có đầy đủ chữ ký khách hàng. Quy định về phí, lãi được quy định rõ trong biểu phí phát hành, sử dụng thẻ; cũng đã được đăng tải công khai trên website của Eximbank".
Tuy nhiên, vị khách hàng lại khẳng định bản thân là bị hại khi không tiêu 8,5 triệu đồng trong thẻ tín dụng và cũng không được ngân hàng gửi thông báo sớm khi bị nợ xấu. Thời điểm tháng 3/2013, vị này có nhờ một nhân viên làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh làm cho một thẻ tín dụng nhưng thực tế sau đó không được nhận thẻ tín dụng này.
Trong lần làm việc cuối cùng vào khoảng giữa năm 2022 tại nhà ông với đại diện ngân hàng, thì bản thân ông A. cũng đã đề nghị làm rõ dấu hiệu lừa đảo khách hàng của nhân viên kia.
Nhận định bước đầu về chi tiết này, luật sư Tạ Anh Tuấn cho biết, nếu đúng như lời trình bày của ông H.A., vụ việc này đang có vấn đề về quy trình phát hành thẻ, nhất là khâu giao thẻ cho khách.
Trong khi đó, luật sư Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh bạch, phân tích, theo khoản 1 Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp nhân viên của tổ chức phát hành thẻ (ở đây là Ngân hàng) được giao nhiệm vụ mà có lỗi là hành vi không giao thẻ tín dụng cho khách, tự ý chiếm hữu thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm dân sự do nhân viên của mình gây ra.
Còn luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, nêu quan điểm: Trường hợp nhân viên ngân hàng giữ thẻ tín dụng của khách hàng gây thiệt hại như mất tiền dùng thẻ, làm lộ thông tin... thì ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi sai phạm này theo quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu Hội sở Eximbank tại TP.HCM và Eximbank chi nhánh Quảng Ninh xác minh làm rõ, báo cáo các thông tin liên quan vụ việc này và thông tin đến các cơ quan truyền thông.
Theo nguồn tin của VTC News sáng 19/3, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh đã nhận được và đang xem xét báo cáo chi tiết về vụ việc của Eximbank.
Trong khi đó, ngày 20/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo yêu cầu lãnh đạo cấp cao Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng và ngân hàng.