Nổ súng bắt tàu Ukraine: Mục đích thực sự khiến Nga dấn thân vào khủng hoảng là gì?

Quốc Vinh |

Không có lợi ích gì khi Nga tiến vào một cuộc khủng hoảng mới với Ukraine, nhưng Moscow muốn tìm cách biến biển Azov trở thành đòn bẩy đối với Kiev.

Trong một động thái dường như để cố gắng giảm bớt căng thẳng leo thang, Nga đã cho phép giao thông thương mại qua eo biển Kerch được tiếp tục sau vụ việc tàu nước này nổ súng bắt tàu Ukraine hôm 25/11.

Trước làn sóng chỉ trích của phương Tây, Điện Kremlin vẫn giữ sự im lặng vốn có. Ngoại trưởng Sergey V. Lavrov là nhân vật được giao nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng âm ỉ này.

Trong tuyên bố của mình, người đứng đầu ngoại giao tiếp tục cáo buộc Ukraine tạo ra các mối đe dọa đối với giao thông vận tải thông thường ở eo biển và cố gắng gây khủng hoảng vì các mục đích chính trị trong nước.

Nga hưởng lợi gì khi bắt tàu Ukraine?

Đánh giá về động thái bất ngờ của Nga khi bắt tàu chiến Ukraine, các nhà phân tích chính trị cho rằng, Điện Kremlin không cần phải tiến hành một cuộc đối đầu với Ukraine vì họ đang có được nhiều lợi thế trong thời điểm hiện tại.

Trong khi sự ủng hộ trong nước đối với Tổng thống Vladimir Putin có thể được hưởng lợi từ một cuộc chiến với Ukraine, điều này lại có nguy cơ khiến phương Tây áp đặt một lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn.

Nikolai Petrov, một nhà phân tích và giáo sư khoa học chính trị cho biết: "Tôi không thấy bất kỳ lợi ích nào cho Điện Kremlin từ cuộc đối đầu này".

Khi được hỏi về vụ việc, phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitri S. Peskov đã khẳng định các hành động của Nga khi bắt tàu Ukraine chỉ mang tính chất đánh chặn, không phải là một cuộc tấn công.

"Vấn đề ở đây là sự xâm nhập vào vùng lãnh hải của Liên bang Nga bởi các tàu quân sự nước ngoài", ông Peskov nói. "Họ tiến vào vùng lãnh hải của Nga mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ các nhân viên biên phòng của chúng tôi, không hề trả lời đề nghị sử dụng dịch vụ hoa tiêu, v.v…"

Nổ súng bắt tàu Ukraine: Mục đích thực sự khiến Nga dấn thân vào khủng hoảng là gì? - Ảnh 1.

Mục đích thật sự của Nga

Tranh chấp về đường thủy về cơ bản là rất khó có thể giải quyết vì nó dựa trên những cách giải thích khác nhau của các quốc gia đang kiểm soát vùng lãnh hải xung quanh bán đảo Crimea.

Cả hai bên đều cố gắng miêu tả mình đang thực hiện các quyền đi lại bình thường còn phía bên kia đang cản trở. Trước đó, Ukraine và Nga đã có với nhau một thỏa thuận song phương cho phép hai nước có quyền truy cập bình đẳng, không hạn chế vào eo biển Kerch.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi eo biển Kerch đã bị Nga tăng cường quyền kiểm soát kể từ sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014, phía Ukraine cũng tỏ ra không khoan nhượng khi muốn khẳng định quyền tự do của mình tại các khu vực mà Nga tuyên bố nắm giữ.

Kiểm soát hành lang từ Biển Đen qua eo biển Kerch vào biển Azov là một yếu tố quan trọng trong việc khẳng định tuyên bố rộng lớn hơn của Nga đối với Crimea.

"Moscow rõ ràng tìm cách biến Biển Azov trở thành lòng chảo của mình và sử dụng nó để mang lại đòn bẩy đối với Kiev", Mark Galeotti, chuyên gia về các dịch vụ tình báo Nga tại viện Quan hệ Quốc tế ở Prague, viết trên Twitter . "Họ muốn thể hiện khả năng hành động của mình mà không cần phải lo ngại về các ràng buộc bên ngoài".

Steven Pifer, một cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói rằng Điện Kremlin có thể đang thử xem mức độ bảo vệ của Ukraine trên đường biển như thế nào. "Họ hoàn toàn có thể dễ dàng rút lại hành động của mình", ông nói. "Nhưng nếu cảm thấy phản ứng của Ukraine quá yếu, tôi nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục phong tỏa".

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ Jim Inhofe đã kêu gọi các áp đặt trừng phạt mới đối với Nga, đồng thời yêu cầu một phản ứng phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.

"Nếu Putin tiếp tục đe doạ Biển Đen, Mỹ và Châu Âu phải cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, đưa sự hiện diện của Mỹ và NATO vào khu vực Biển Đen và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine", ông Inhofe nói trong một tuyên bố hôm 26/11.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, đây là vụ việc mà phương Tây không cần và không nên tham gia. Theo nhà phân tích chính trị người Nga Oleg Kashin, vụ va chạm giữa hai nước ở biển Azov giống như phần mở rộng của cuộc đụng độ bất tận ở miền Đông Ukraine hơn là nguy cơ nổ ra bất kỳ cuộc chiến tranh mới nào.

"Biển Azov là không gian thuận tiện nhất cho những pha đối đầu chính trị ngoạn mục nhất", Kashin nhận định, gọi nơi đây là một "hồ chứa nhỏ" mà hiếm có người coi là biển thực sự.

Nhà phân tích Kashin tin rằng, vùng biển này "chỉ thuộc về Nga và Ukraine. Sẽ không có lợi ích của bên thứ ba nào bị ảnh hưởng, ngay cả khi ngày mai Azov chìm trong biển lửa".

Quốc hội Mỹ đã cho phép Chính phủ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không và radar quốc phòng, các tàu phòng thủ ven biển như một phần của dự luật chính sách quốc phòng năm 2018.

Động thái này được cho là để bù đắp cho Ukraine sau khi nước này mất 2/3 số hạm đội hải quân của mình ở Sevastopol khi Nga sáp nhập Crimea.

Ukraine hiện có khoảng 71 máy bay chiến đấu, hầu hết là những chiếc Su-27 cũ và MiG-29, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - và không có hệ thống phòng không hiện đại nào có thể dùng để phản đối hành động của Nga qua eo biển Kerch.

Hải quân Ukraine cũng được trang bị nghèo nàn với một tàu khu trục và 10 tàu chiến – hoàn toàn không đủ để thách thức sự thống trị của Nga tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại