Thay vì chó, mèo hay chuột hamster, nhiều bạn trẻ ngày nay lại có hứng thú nuôi những loài thú cưng "độc - lạ". Chúng ta đã không ít lần bắt gặp trên mạng xã hội những cô bạn, cậu bạn khoe thú cưng vô cùng ấn tượng của mình.
Đó có thể là 1 chú tắc kè đổi màu, là những con nhím, hay thậm chí là 1 cô nàng rắn dài hàng mét - thế nhưng đã bao giờ bạn thấy ai đó nuôi những chú rùa tí hon với hình vẽ sặc sỡ trên mai và đầu?
Những chú rùa mini đang khá hot trên mạng xã hội - Ảnh: FB
"Sốt" trào lưu nuôi rùa mini "không ăn 1 tháng không chết"
Thời gian qua, "rùa mini" có lẽ là 1 từ khóa khá hot trên mạng xã hội khi ta chỉ cần 1 cái click chuột trên thanh tìm kiếm Facebook đã có thể nhận về hàng chục kết quả là những bài đăng buôn bán loài rùa này.
Theo hình ảnh được đăng tải, rùa mini - đúng như tên gọi - có kích thước rất nhỏ, có thể nằm lọt trong lòng bàn tay. Cũng như tất cả các loài rùa khác, rùa mini cũng mang trên lưng chiếc mai cứng cáp, điều khác biệt duy nhất là chiếc mai này được tô vẽ nhiều họa tiết, hoa văn rất sặc sỡ.
Những hình vẽ trên mai rùa mini cầu kỳ và độ tinh xảo khác nhau, đơn giản thì là vài bông hoa, vài đốm màu sắc, cầu kỳ hơn còn là hình nguyên 1 con cú mèo hay cả nhân vật truyện tranh. Không chỉ tô màu lên mai rùa, nhiều người bán còn dùng sơn tô cả trên đầu rùa để "ton-sur-ton".
Còn lời giới thiệu về loài rùa này? Từ tập tính, cách nuôi, cách chăm sóc đến giá thành đều được người bán quảng cáo kỹ lưỡng. Theo đó, rùa mini sống trên cạn, không thả vào nước; rất dễ nuôi, dễ cho ăn, thậm chí không ăn một tháng cũng không chết; có thể bắt ruồi, muỗi; giá cả thì chỉ 40-60k cho 1 bé rùa xinh xắn...
Rất nhiều thông tin về rùa mini đều được cung cấp, trừ tên loài rùa này. Người bán không nói rõ đây là loài rùa gì, chỉ khẳng định: "Không phải rùa tai đỏ"!
Người bán khẳng định đây không phải rùa tai đỏ - Ảnh chụp màn hình.
Cộng đồng mạng lên án hành động sơn màu lên mai rùa
Khi những bài đăng bán rùa mini ngày càng xuất hiện nhiều trên Facebook, cộng đồng mạng cũng đã bắt đầu có những phản ứng và hoài nghi về loài rùa này.
Trước hết, rất nhiều bạn trẻ đã đồng loạt bày tỏ quan điểm chỉ trích, bức xúc trước hành động vẽ lên mai rùa, thân rùa. Họ cho rằng, với giá bán chỉ từ 40k cho 1 con rùa mini, có ai dám đảm bảo rằng lớp sơn vẽ trên thân rùa là an toàn với chúng? Hơn nữa, việc quảng cáo rùa mini "1 tháng không ăn cũng không chết" là hoàn toàn phi lý, không có cơ sở khoa học.
Bạn V.Huyền chia sẻ: "Mình không thể tin họ lại có thể lấy sơn vẽ lên những con rùa như thế. Rùa như mọi động vật khác thôi, chúng cần phát triển theo đúng bản năng, tập tính tự nhiên, việc bắt chúng lại rồi vẽ sơn lên người, nhốt vào những hộp nhựa bé tí, thậm chí có người còn nói cho nhịn 1 tháng cũng không sao. Mình thấy quá buồn cười".
"Họ không có 1 tí kiến thức gì về rùa mà đăng lên bán như đúng rồi. Con rùa người ta là rùa nước mà họ kêu đừng bỏ xuống nước, con rùa người ta thương yêu cho ăn hằng ngày mà họ kêu không cho ăn 1 tháng, con rùa người ta ăn chủ yếu là rau, cá, tép,... mà họ kêu mang lên cạn bắt muỗi. Đúng là thiếu kiến thức lẫn thiếu nhân văn" - anh G.Lâm viết.
Những chú rùa mini chen lấn nhau trong chiếc giỏ nhựa - Ảnh: FB
Bên cạnh đó, nhiều người đã hoài nghi, đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là loài rùa tai đỏ - loài rùa gây nguy hại cho môi trường nước, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường ở Việt Nam?
Theo nhiều người quan sát được, rùa mini có 2 đốm đỏ ở 2 bên tai, là dấu hiệu nhận biết đặc trưng của loài rùa tai đỏ.
Đồng thời, những thông tin về loài rùa tai đỏ với tập tính hung dữ, nguy hiểm cũng đã được cư dân mạng thu thập và chia sẻ cho nhau. Theo đó, rùa tai đỏ có bản chất hung dữ, ăn tạp, khi thả xuống môi trường nước như sông, hồ sẽ ăn hết thức ăn của loài thủy sinh khác.
Ngoài ra, rùa tai đỏ lại sinh sản rất nhanh, khi số lượng đông đảo sẽ gây nguy hại cho các loài rùa, loài cá khác trong ao hồ.
Bạn T.Linh chia sẻ trên mạng xã hội: "Đây là rùa tai đỏ chứ gì nữa, nhìn qua là biết. Loài này nhỏ thì dễ thương, nhưng càng lớn lại càng nguy hiểm, nuôi đơn độc ở bể trong nhà thôi chứ không được thả ra hồ vì nó hung dữ lắm".
"Thả rùa này vào bể cá nó ăn hết cá luôn, không tin cứ thử mà coi. Ngày trước Hà Nội cũng phải tìm cách tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Gươm vì con này gây hại đến cụ Rùa đấy, loài này không đùa được đâu" - bạn N.Anh viết.
Cảnh báo của cộng đồng mạng trên Facebook - Ảnh chụp màn hình.
"Nhà Rùa học" Hà Đình Đức khẳng định rùa mini là rùa tai đỏ
Liên quan đến rùa mini đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, trao đổi với chúng tôi, "Nhà Rùa học" Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hà Đình Đức khẳng định đây chính là rùa tai đỏ. Loài rùa này nằm trong danh sách các loài rùa xâm hại của Việt Nam, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường.
Vào năm 2011, chính PGS - TS. Hà Đình Đức cũng đã phải lên tiếng cảnh báo về số lượng rùa tai đỏ gia tăng vượt kiểm soát tại Hồ Gươm (Hà Nội), gây hại đến nhiều sinh vật, tận diệt nguồn thức ăn của cụ Rùa.
Vào thời điểm đó, PGS - TS. Đức đã nhiều lần thấy rùa tai đỏ bám trên lưng cụ Rùa đang mang bệnh. Chính sinh vật ngoại lai này là tác nhân gây bệnh và đang tiếp tục gặm nhấm những vết thương ngày càng nghiêm trọng trên cổ, mai cụ Rùa.
Rùa tai đỏ chễm chệ trên lưng cụ Rùa vào năm 2011 (Ảnh: Đỗ Chiến Thắng)
Quay trở lại với rùa mini hiện đang bày bán tràn lan trên mạng xã hội, PGS - TS. Hà Đình Đức cho biết hiện chưa có phân tích, đánh giá khoa học nào về việc có hại hay không những hình vẽ trên thân rùa, nhưng vị Phó giáo sư cho rằng, việc làm này là không nên.
Rùa tai đỏ hay còn gọi là rùa vạch đỏ - tên gọi này xuất phát từ hình dáng bên ngoài: hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt, đây là một loại động vật ăn tạp hung dữ, chúng ăn tất cả các loài cá bé hơn nó và các động vật thủy sinh khác và là loài xâm lấn.
Rùa tai đỏ mới sinh chỉ dài khoảng 1 cm khi trưởng thành khoảng 15 cm, chiều dài tối đa khoảng 25 cm (chiều dài này được tính theo độ dài từ điểm đầu của mai đến điểm cuối của mai rùa). Chúng có thể sống đến 40 - 70 năm(tùy vào môi trường sống).
Chúng được xếp hạng gần cuối trong số 206 động vật xâm hại môi trường. Khi thoát ra môi trường chúng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa do khả năng tàn phá của mình.
Theo Wikipedia