Thị trường thịt và lông mèo bạo tàn ở Trung Quốc ngày càng nở rộ trong nhiều năm nay khiến những người yêu động vật không khỏi xót xa cho con vật đáng yêu, gần gũi với con người này.
Ngày 1/12, hiệp hội nói không với lông thú Fur-Free Society – một tổ chức quốc tế tập hợp các tình nguyện viên cho chiến dịch chống lại ngành công nghiệp lông thú đã công bố những hình ảnh về số phận tang thương của những con mèo tội nghiệp tại Trung Quốc – quốc gia không có bất kỳ điều luật nào về tội ác đối với động vật.
Trang Facebook Fur-Free Society từ khi thành lập đã thu hút được gần một triệu lượt theo dõi, nhất trí với quan điểm không sử dụng lông thú.
Lông chó mèo được bán tràn lan trên đường phố Trung Quốc.
Theo tổ chức phi lợi nhuận này, đa số những con mèo bị bắt để phục vụ nhu cầu thịt và lông đều là mèo hoang, không được triệt sản, sinh nở với tỷ lệ đáng báo động.
Dẫu vậy, chúng vẫn xứng đáng có một cái chết thanh thản hơn.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều mèo nhà bị bắt trộm, khiến chủ nhân miệt mài đi tìm trong vô vọng, lo lắng rằng người bạn bốn chân của mình sẽ kết thúc cuộc đời trong đau đớn.
Một chiếc áo khoác làm từ lông mèo.
Theo một bài đăng trên Facebook của Fur-Free Society hay Anti-Fur Society thì những con vật đáng yêu sau khi rơi vào tay kẻ săn hoặc bắt trộm sẽ bị bán cho các lò mổ.
Tại đây, chúng sẽ phải chịu cái chết đau đớn tột cùng: bị luộc sống. Bởi lẽ, chỉ có như vậy, bộ lông mượt mà mới được giữ nguyên vẹn, hoàn hảo để làm giày, găng tay, ví, hay thậm chí làm áo khoác.
Tại Mỹ và Châu Âu, lông và da chó mèo là sản phẩm bất hợp pháp. Thế nhưng bằng cách nào đó da của chúng vẫn tuồn vào được hai thị trường này một cách kỳ lạ, trang này nói thêm.
Kể từ khi được xuất bản vào hôm Chủ Nhật (ngày 1/12), bài đăng của hiệp hội đã lan truyền với tốc độ chóng mặt: 96 nghìn lượt chia sẻ, 88 nghìn lượt bày tỏ cảm xúc và 21 nghìn bình luận chỉ trong vòng vài ngày.
Hầu hết mọi người đều thể hiện thái độ tiêu cực với ngành công nghiệp này.
Họ không chỉ lên án những hành động thiếu nhân văn đối với loài mèo mà còn đối với cả những con vật khác, bởi lẽ thực trạng giết mổ động vật thân thiện với con người diễn ra quá phổ biến tại Trung Quốc.
Nhiều người để lại bình luận xót xa và bày tỏ bức xúc đối với việc này:
"Trái tim tôi như vỡ vụn thành triệu mảnh. Tôi đã khóc".
"Đây chính là hành hạ động vật".
"Điều này thật kinh khủng và độc ác. Đừng bao giờ mua sản phẩm từ da, chúng ta không cần nó. Da của những con vật thuộc về chúng".
"Sao người ta có thể làm thế với những con vật đáng yêu?".
Trên thực tế, mặc dù việc ăn thịt chó mèo là hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng hoạt động ẩm thực này chỉ chiếm thiểu số.
Năm 2017, cộng đồng mạng đã phản ứng cực kỳ gay gắt khi một người đàn ông bị bắt gặp vận chuyển khoảng 500 con mèo để đem bán cho các nhà hàng, nhiều con trong số đó là mèo nhà bị bắt trộm.
Chúng bị nhốt chung trong chiếc lồng cực kỳ chật chội, tù túng, chờ làm mồi nhậu và quần áo, giày dép cho con người.
Một cuộc khảo sát địa phương trong cùng năm cũng cho thấy 13% cư dân ở Ngọc Lâm - nơi diễn ra lễ hội thịt chó hàng năm khét tiếng Trung Quốc - không bao giờ ăn thịt chó, trong khi 59% hiếm khi tiêu thụ.
"Sự thật là ăn thịt chó mèo không phải là một phần của tập quán ẩm thực chính thống Trung Quốc, ngay cả ở Ngọc Lâm, quê hương của lễ hội thịt chó", Peter Li, chuyên gia chính sách của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế ở Trung Quốc, chia sẻ với Washington Post.
Vốn đã không đóng góp nhiều cho kinh tế của tỉnh Ngọc Lâm, lễ hội thịt chó còn là nỗi xấu hổ của quốc gia, khiến cho tỉnh này để lại nhiều ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế.
Hiện nay, với tình trạng sản xuất lông chó mèo ngày càng nhiều, cộng đồng yêu động vật thế giới càng có cái nhìn không mấy thân thiện với đất nước này.
Anti-Fur Society đang kêu gọi quyên góp để có thể triệt sản cho 100 con mèo ở Nam Kinh nhằm giảm nguy cơ chúng hay con cái chúng bị bắt vào lò mổ, với chi phí ít nhất là 5 nghìn USD (hơn 115 triệu VNĐ).
Cho đến nay, tổ chức phi lợi nhuận này đã thu được 1.749 USD (trên 40,5 triệu VNĐ). Hiệp hội cũng đã thuyết phục và hợp tác với 10 phòng khám thú y, được họ đồng ý giảm chi phí triệt sản và chăm sóc cho những con mèo này.