Người dân Sri Lanka đang phải gánh nhiều khoản nợ. Ảnh: Reuters
"Quả bom nợ" ở châu Á
Cứ sau 4 giờ chiều hàng ngày, người dân trong ngôi làng yên tĩnh rợp bóng cây Chandana Pokuna lại nghe thấy tiếng xe máy rú ga trên con đường cát cạnh nhà.
Họ biết, lúc này họ cần phải đóng cửa và tắt đèn, dặn con cái ở yên trong nhà và không cho bất kỳ ai vào.
Xe máy là phương tiện được những kẻ đi đòi nợ thuê lựa chọn. Họ bắt đầu làm việc vào cuối buổi chiều bởi vào thời gian này người dân sẽ ở nhà.
Những kẻ đi đòi nợ thuê dành hàng giờ trong nhà của người dân, yêu cầu đối phương thanh toán và thậm chí buộc họ phải bán các vật dụng trong nhà, từ đồ nội thất đến trang sức, để lấy tiền mặt.
Hồi tháng 4/2021, trước tình trạng thiếu đồng USD, chính phủ Sri Lanka đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học, dẫn tới mùa màng thất thu khiến người dân Chandana Pokuna lâm vào tình thế khó khăn, phải vay mượn để trang trải cuộc sống và sau đó lại vay mượn để trả lãi.
Trong khi đó, đồng rupee mất giá đã làm bùng phát lạm phát ở Sri Lanka. Tỷ lệ lạm phát của quốc gia châu Á này vào tháng 2/2023 vừa qua ghi nhận mức 50,6%, theo Ngân hàng Trung ương Sri Lanka.
Ông Weerakoon Amerasinghe (65 tuổi), một người dân làng luôn sống trong nỗi lo sợ bị những kẻ đòi nợ đuổi ra khỏi nhà, cho hay ông đi vay để mua máy gặt lúa nhưng giờ không có tiền để trả.
" Chúng tôi không có tiền ", ông than thở. " Giờ đây [chúng tôi] không có ruộng, chẳng còn máy móc và cũng sắp mất nhà ".
Theo Nikkei, khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka là cuộc khủng hoảng kinh tế đầu tiên nhưng có lẽ không phải là cuối cùng ở khu vực châu Á này, nơi nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Murtaza Jafferjee, chủ tịch Viện Advocata, một tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở tại Colombo, cho biết: " Sri Lanka không phải là quốc gia duy nhất gặp rắc rối sâu sắc. Sẽ có nhiều quốc gia khác ở châu Á [sẽ đối mặt với] rắc rối tương tự ".
Kinh tế Sri Lanka đang gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF ước tính, ít nhất một phần ba các thị trường mới nổi và khoảng 60 quốc gia kém phát triển nhất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đang vật lộn với nợ nần giống như Sri Lanka.
Một phần nguyên nhân của tình trạng khó khăn kinh tế tương tự của các nền kinh tế này được cho đến từ các khoản vay nước ngoài trong mùa dịch.
Sri Lanka đã vay gần 1,4 tỷ USD vào năm 2020 và 2021 để vượt qua đại dịch Covid-19. Các khoản vay đến từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc và Ấn Độ.
IMF tung gói hỗ trợ Sri Lanka
Theo Reuters đưa tin ngày 21/3, Sri Lanka sẽ nhận được đợt cứu trợ trị giá 330 triệu USD đầu tiên trong gói viện trợ 2,9 tỷ USD của IMF trong hai ngày tới.
Trong một tuyên bố, IMF cho biết thỏa thuận này sẽ nhằm mục đích “khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô và tính bền vững của nợ công” và “mở ra tiềm năng tăng trưởng của Sri Lanka”.
Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ca ngợi quyết định của IMF, nói rằng: “ Trong 75 năm độc lập của Sri Lanka, tương lai kinh tế của chúng ta đang ở trong giai đoạn quan trọng chưa từng có ".
Ông nói thêm: “ Chương trình này sẽ giúp cải thiện vị thế của Sri Lanka và khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế, đồng thời sẽ chứng minh rằng Sri Lanka một lần nữa là quốc gia hấp dẫn nhân tài, nhà đầu tư và khách du lịch ”.
Quốc đảo 22 triệu dân này đã bị rung chuyển bởi nhiều tuần bất ổn vào năm ngoái do tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng sau khi dự trữ ngoại hối giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục cũng như đồng USD cạn kiệt để chi trả cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.