Tuy nhiên, do đã lỡ bỏ ra những khoản đầu tư khổng lồ đó, Bắc Kinh không thể cứ thế mà "khăn gói ra đi".
"Nước cờ xuất sắc" của Tổng thống Trump
Theo chuyên gia phân tích Abhyoday Sisodia từ Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Delhi [Ấn Độ], trong nỗ lực mới nhất nhằm khôi phục các mối quan hệ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi tổ chức một diễn đàn mới nhằm xoa dịu căng thẳng ở Trung Đông.
Tuyên bố chính thức cho biết diễn đàn này sẽ giúp các bên "tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua đối thoại và khảo sát các giải pháp ngoại giao-chính trị dành cho các vấn đề an ninh ở Trung Đông".
Tuy nhiên, theo ông Sisodia, đó thực chất là nỗ lực tuyệt vọng của Trung Quốc nhằm đạt được tầm ảnh hưởng chiến lược đáng kể trong khu vực. Sự tuyệt vọng đó được thể hiện rõ ràng sau "nước cờ xuất sắc" của Tổng thống Donald Trump – chính là Hiệp ước Abraham [hay Hiệp định hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất].
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi thiết lập Diễn đàn khu vực để giải quyết các căng thẳng ở Trung Đông. Ảnh: NewsIn.Asia
Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào Trung Đông tỷ lệ thuận với sự rút lui của Mỹ khỏi đây. Trung Quốc có nhiều lợi ích trong khu vực bởi họ là cường quốc duy nhất phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu hóa thạch.
Việc Mỹ rời khỏi khu vực này đã làm gia tăng hoạt động của Trung Quốc nhằm củng cố lợi ích của họ tại eo biển Hormuz, Bab-el Mandeb và kênh đào Suez – vốn là những "nút thắt cổ chai" trên các tuyến đường thương mại.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này đã tăng lên kể từ đó. Tính đến tháng 5/2020, họ là đối thác thương mại lớn nhất của 11 quốc gia MENA (khu vực Trung Đông và Bắc Phi), bao gồm 10 quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập và Iran.
Ngoài ra, tổng giá trị giao dịch thương mại của Trung Quốc với tất cả 22 quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập đã đạt tới 244,3 tỷ USD, và khi tính cả các giao dịch thương mại với Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ thì con số này đã vượt trên 300 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã cam kết đầu tư toàn diện 400 tỷ USD vào Iran.
Tuy nhiên, ông Sisodia cho rằng Bắc Kinh dường như đã bỏ qua một điều. Việc cắt giảm bớt sự hiện diện không có nghĩa Mỹ sẵn lòng để mất tầm ảnh hưởng chiến lược và ngoại giao trong khu vực. Ngược lại, Washington đã tăng cường thắt chặt với tất cả các đồng minh và cũng đang nỗ lực gắn kết họ lại với nhau.
Thế khó của Bắc Kinh
Hiệp định Abraham là một ví dụ sáng giá về tầm ảnh hưởng mà Mỹ có được trong khu vực và tầm quan trọng của họ đối với các đồng minh tại đây. Theo hiệp định này, Israel, UAE và Bahrain đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao, cũng như hợp tác vì một khu vực hòa bình và thịnh vượng.
UAE chắc chắn sẽ có được các máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ, trong khi các đồng minh khác của Washington cũng đang nhận được sự tăng cường đáng kể trong năng lực quân sự, khi Tổng thống Trump đồng ý bán thiết bị quân sự cho họ.
Với bước ngoặt này, Trung Quốc đang ở trong một tình thế khó khăn. Chỉ số ROI (lợi nhuận từ đầu tư) của Trung Quốc sẽ không tương xứng với kỳ vọng của họ khi tầm ảnh hưởng của Mỹ đang gia tăng mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong khu vực.
Theo chuyên gia Sisodia, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có "nước cờ xuất sắc" khiến Trung Quốc lâm vào thế khó ở Trung Đông. Ảnh: InsideClimate News
Cách tiếp cận của Trung Quốc - đóng vai trò như "một người bạn" đối với tất cả các bên thông qua việc đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào Ả Rập Saudi, Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực – đã vô hiệu hóa bất cứ ảnh hưởng địa chính trị nào mà họ có thể có được nếu chỉ ủng hộ một phía.
Bắc Kinh đã quên mất rằng, đối với tộc người Shia ở Iran và tộc người Sunni ở Saudi Arabia thì sự thù địch và cuộc chiến giành quyền thống trị khu vực của họ là điều ưu tiên, quan trọng hơn bất cứ khoản tiền đầu tư hay các hoạt động thương mại sinh lợi nào.
Do đó, tất cả các quốc gia vùng vịnh chỉ đang xem Trung Quốc như một đối tác thương mại và một đồng minh của Iran – đối tượng không thể tin cậy được trong bối cảnh địa chính trị khu vực.
Khi những nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc thống nhất các quốc gia ủng hộ Saudi và chống Iran đang thành công thì Trung Quốc đang tiến hành một nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng là kêu gọi thiết lập diễn đàn khu vực, nói chính xác là một diễn đàn do Trung Quốc dẫn đầu.
Theo vị chuyên gia, trong trường hợp ý tưởng của Bắc Kinh đạt được thì diễn đàn này cũng không hơn gì một diễn đàn của vùng Ba Tư, khi chỉ có Iran, một nửa Iraq và một số khu vực tại Yemen là những phía duy nhất ủng hộ.
Khi ấy, kênh ngoại giao tốt nhất dành cho Trung Quốc là nghĩ ra phương sách đối phó song song với các quốc gia Trung Đông, bởi chắc hẳn không có bên nào muốn tham gia diễn đàn do một đồng minh "đầy mánh khóe" của Iran, thay vì chính Iran, dẫn đầu.