Ngân hàng trung ương nhiều nước đang tích cực tích trữ đô la Mỹ và vàng thay vì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Lý do là bởi lợi suất của đồng bạc xanh đang ở mức cao, còn lãi suất đồng nội tệ của Trung Quốc giảm.
Điều này đã củng cố thế thống trị của đồng đô la Mỹ vào thời điểm BRICS đang tìm cách hạ bệ đồng bạc xanh với vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Theo dữ liệu gần đây của Official Monetary and Financial Institutions Forum (Diễn đàn Tổ chức Tài chính và Tiền tệ Chính thức - OMFIF), ý tưởng phi đô la hóa của BRICS hiện chưa hiệu quả. Một khảo sát cho biết có 18% các ngân hàng trung ương có ý định tăng mua đô la Mỹ.
Trong khi đó, 73 ngân hàng trung ương cho biết có kế hoạch tăng cường mua đô la Mỹ dự trữ trong 12-24 tháng tới. Do đó, đồng đô la Mỹ sẽ được tích lũy nhiều hơn trong những năm tới chứ không phải đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Động thái này làm chệch hướng ý tưởng phi đô la hóa của BRICS và thể hiện sức mạnh của đồng đô la Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
BRICS đã sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trước đồng đô la Mỹ để giao dịch giữa các quốc gia thành viên và các nước đang phát triển khác. Giờ đây, khi các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia đang bớt mặn mà với đồng nhân dân tệ, đồng đô la Mỹ càng trở nên nổi bật. Với lợi suất cao, đô la Mỹ hiện là loại tiền tệ duy nhất vượt trội hơn tất cả các loại tiền tệ khác trên thị trường.
Các ngân hàng dự trữ cho biết ý định tăng mua đồng bạc xanh được thúc đẩy bởi vai trò của đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu và kỳ vọng lợi suất cao. Trong khi nhu cầu về đồng đô la Mỹ các ngân hàng trung ương đang tăng lên, thì nhu cầu đối với đồng nhân dân tệ có dấu hiệu trì trệ.
CEO Nikhil Sanghani của OMFIF cho biết: “Đây là năm đầu tiên chúng tôi nhận thấy các đơn vị dự trữ tìm cách giảm tỷ lệ nắm giữ đồng nhân dân tệ”.
“Rất nhiều ngân hàng coi tính minh bạch của thị trường và địa chính trị là một số trở ngại đối với việc dự trữ đồng nhân dân tệ. Và ít nhất là trong thời gian tới, vì lãi suất chính sách ở Trung Quốc vẫn ở mức thấp nên trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Âu vẫn rất hấp dẫn nhờ lợi suất cao hơn”.