Khi đồng minh không đứng cùng chiến tuyến
Diễn đàn Vành đai và Con đường của Trung Quốc lần này đón một vị khách vô cùng đặc biệt: Đó là Italy
Washington đã gây áp lực, yêu cầu Rome - một thành viên đáng tự hào của G7 - phải tránh xa chương trình xây dựng hạ tầng toàn cầu của Bắc Kinh và cảnh báo rằng sự tham gia của Italy sẽ "tạo tính chính thống cho hướng đầu tư cướp bóc của Trung Quốc và không đem lại lợi ích cho người dân Italy".
Thế nhưng, yêu cầu này chỉ như "gió thoảng qua tai". Italy không chỉ ký tên tham gia BRI mà Thủ tướng nước này Giuseppe Conte còn tới Trung Quốc để tham dự hội nghị. Hành động của Italy có vẻ là một dấu hiệu cho thấy quyền lực của Mỹ đang giảm sút, trong khi quyền lực của Trung Quốc thì đi lên. Vậy là hiệp này Trung Quốc 1 - Mỹ 0.
Tuy nhiên, quyết định của Italy thậm chí còn hơn cả một chỉ dấu cho thấy, lối suy nghĩ như vậy đã trở nên lỗi thời một cách nguy hiểm trong trật tự thế giới hiện đại.
Mặc dù Washington vẫn thường áp dụng chính sách đối ngoại với những điều khoản kiểu "chúng ta-đối đầu với-họ" nhưng phần lớn các nước khác không còn như vậy nữa. Đó là lý do vì sao trong quá trình tìm cách khống chế Trung Quốc, Mỹ bất ngờ phát hiện ra rằng các đồng minh không phải lúc nào cũng sát cánh bên mình.
"Chẳng ai muốn chọn phe cả", Parag Khanna, nhà sáng lập công ty tư vấn chiến lược FutureMap nhận định, "Chúng ta sống trong một hệ thống đa cực. Không có đất nước thông minh nào lại chỉ chọn duy nhất một phe. Thay vào đó, họ chơi với tất cả các thế lực sao cho thu về lợi ích lớn nhất".
Trong khi Mỹ và Trung Quốc mâu thuẫn về mọi thứ, từ thương mại tới công nghệ, thì người ta ngày càng lo sợ thế giới rơi vào một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới, với 2 khối trái ngược về tư tưởng cạnh tranh nhau để giành quyền thống trị toàn cầu.
Trung Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán thương mại, nhằm tháo gỡ bế tắc. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, như Khanma đã nhấn mạnh, ngày nay mô hình Chiến tranh Lạnh ấy gần như không còn thích hợp nữa.
Mặc dù Washington và Bắc Kinh có hệ tư tưởng chính trị khác nhau, phần nào tương đồng với sự phân chia giữa thế giới "tự do" và "không tự do" thời Chiến tranh Lạnh, nhưng nền kinh tế của họ lại liên quan chặt chẽ với nhau và với phần còn lại của thế giới.
Các đồng minh an ninh lâu năm của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức cũng có các mối liên kết thương mại và đầu tư với Trung Quốc, vốn rất quan trọng đối với tương lai kinh tế của họ.
Vì vậy, mặc dù họ không sẵn sàng từ bỏ liên minh với Washington nhưng họ cũng không thể xa lìa Bắc Kinh. Nếu đề cập tới cả những mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu hoặc mâu thuẫn trong lòng Liên minh Châu Âu thì bức tranh toàn cầu lại càng mơ hồ.
Tất cả những rắc rối về địa chính trị ấy đều hiện diện trong diễn đàn BRI tuần này.
Được thiết kế với mục đích xây dựng các tuyến đường sắt, các hệ thống cảng, hệ thống điện và nhiều cơ sở hạ tầng khác khắp thế giới, Vành đai - Con đường đã được Chủ tịch Tập Cận Bình nói tới như một mô hình phát triển hòa bình: "Chúng ta nên thúc đẩy một kiểu quan hệ quốc tế mới, đề cao hợp tác cùng có lợi".
Trong khi đó, Washington lại vẽ một bức tranh rất khác, về một ý đồ nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược và kinh tế của Trung Quốc. Gần đây Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo còn nói rằng BRI là "một đề nghị không kinh tế" và Washington "đang chăm chỉ nỗ lực để đảm bảo tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu được mối đe dọa ấy".
Đúng là Vành đai - Con đường có gặp phải một số vấn đề nhưng nhìn chung, nhiều nước vẫn không thể gạt bỏ sáng kiến ấy. Đơn giản là họ cần tiền của Trung Quốc để xây đường xá và các cơ sở hạ tầng khác. Malaysia là một ví dụ.
Ban đầu, Thủ tướng Mahathir Mohamad của nước này đã đóng băng một số dự án có sự tham gia của Trung Quốc và phàn nàn về chi phí xây dựng tăng cao, tuy nhiên, ông đã quay lại với BRI sau khi thương thuyết được một thỏa thuận tốt hơn.
Trung Quốc cho biết, tổng cộng đã có 125 nước ký kết tham gia chương trình.
Mỹ không thua, nhưng thất bại
Ở những điểm xung đột khác, Mỹ cũng không mấy thành công khi đối đầu với Trung Quốc. Washington đang thực hiện một chiến dịch nhằm thuyết phục đồng minh của mình cấm sử dụng thiết bị viễn thông của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei với lý do đe dọa bảo mật.
Một số đồng minh truyền thống của Mỹ như Australia, New Zealand cũng chia sẻ nỗi lo đó và quyết định cấm Huawei xây dựng các mạng lưới dữ liệu thế hệ kế tiếp. Anh có vẻ cũng nghiêng về chiều hướng này.
Tuy nhiên, Huawei gần như không gặp thất bại. Theo báo cáo thường niên mới nhất, doanh thu của Huawei trong năm 2018 tăng gần 20% so với 2017.
Nhiều chính phủ, kể cả có mối quan hệ thân thiết với Washington, vẫn không bị lung lay bởi những lời cảnh báo của Mỹ, chẳng hạn như Đức. Berlin vẫn mở cửa cho Huawei dù chính quyền Tổng thống Trump đe dọa hạn chế chia sẻ tin tình báo với những đồng minh châu Âu nào cho phép sử dụng thiết bị của "người khổng lồ" Trung Quốc.
Thực ra, chính quyền tiền nhiệm cũng không khá hơn. Chính quyền của ông Obama đã tìm cách thuyết phục đồng minh không tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) mà Trung Quốc tài trợ với lý do là có thể AIIB không duy trì những tiêu chuẩn thích hợp như Ngân hàng Thế giới (WB).
Lập trường này dường như cũng không lay chuyển được ai. Australia, Canada, Pháp, Đức, Anh và một số đối tác tin cậy khác của Mỹ đều trở thành thành viên của AIIB.
Tất nhiên, những thất bại này không có nghĩa là Mỹ "đang thua" Trung Quốc. Nhiều nước trên thế giới vẫn rất lo ngại về tham vọng ngày càng lớn, năng lực quân đội ngày càng tăng và những giao dịch thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Mặc dù Đức cử phái đoàn tới diễn đàn BRI do Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier dẫn đầu và phản đối Trump về Huawei thì vẫn không thể coi Đức là "kẻ phản bội". Chính phủ Đức đã tăng cường những rào cản mới về đầu tư nước ngoài, một động thái nhằm cản trở Trung Quốc tiếp nhận các công ty công nghệ của Đức một cách không mong muốn.
Tuy nhiên, tất cả những điều này đều tạo ra một thế giới hỗn độn. Như Khanna đã chỉ ra, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc, châu Âu và phần còn lại của châu Á vốn đã hình thành và nhiều khả năng không thể đảo ngược. Và kết quả là nỗ lực kiềm chế Trung Quốc của Washington có thể thất bại.
"Anh không thể cô lập Trung Quốc", Khanna nói, "Nước Mỹ cuối cùng sẽ cô lập chính mình".