Từ năm 2017 đến nay, du khách đến tham quan đảo Cồn Cỏ, huyện Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị ngày càng đông, nhu cầu tiêu thụ hải sản ngày càng cao. Hàu răng cưa khổng lồ là một trong các loài hải sản được du khách tiêu thụ nhiều nhất khi đến Cồn Cỏ.
Du khách ưa chuộng
Sở dĩ gọi hàu răng cưa khổng lồ là bởi miệng của chúng tựa răng cưa, mỗi con có thể nặng trên 3 kg, vòng đời sinh trưởng lên đến hàng chục năm.
Thạc sĩ Trần Khương Cảnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết hàu răng cưa khổng lồ có tên khoa học là "Hyotissa Hyotis Linnaeus, 1758". Chúng sinh trưởng, bám chặt vào các rạn đá, rạn san hô ở độ sâu 3 - 40 m trên vùng biển đảo Cồn Cỏ.
Khi hàu răng cưa khổng lồ sinh trưởng - trọng lượng chừng 2 kg thì phần cơ thịt, nội tạng đạt khoảng 0,1 kg. Tại Quảng Trị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ mới ghi nhận loài này phân bố quanh khu vực đảo Cồn Cỏ. Ngoài ra, một số thông tin cho rằng loài này cũng đang có mặt ở khu vực rạn biển cách bờ khoảng 2 hải lý thuộc xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh.
Ngư dân đảo Cồn Cỏ khai thác hàu răng cưa khổng lồ Ảnh: KHƯƠNG CẢNH
Anh Hồ Hưng, ngư dân ở huyện đảo Cồn Cỏ, khẳng định hàu răng cưa khổng lồ được xem là món đặc sản của địa phương, được du khách rất ưa chuộng. Loài này có thể chế biến thành nhiều món ngon như nướng, hấp, nấu cháo... với giá trị dinh dưỡng cao. Để khai thác hàu răng cưa khổng lồ, ngư dân phải lặn sâu hàng chục mét, ngâm mình dưới biển trong nhiều giờ. Hiện nay, ngư dân Cồn Cỏ khai thác hàu răng cưa khi chúng đạt từ 0,5 kg trở lên.
Hàu răng cưa khổng lồ có thể nặng trên 3 kg Ảnh: KHƯƠNG CẢNH
"Hiện tại, mỗi con hàu răng cưa khổng lồ bán ngay tại đảo có giá từ 30.000 đồng. Đến mùa du lịch, giá hàu răng cưa tăng cao - dao động từ 350.000 đến 500.000 đồng/kg thịt - nên nhiều người đã lặn bắt loài này để bán cho các cơ sở kinh doanh trên đảo" - anh Hưng cho biết. Theo anh, nhiều ngư dân ở các tỉnh khác cũng đến vùng biển đảo Cồn Cỏ lặn bắt hàu răng cưa khổng lồ.
Nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo
Thạc sĩ Trần Khương Cảnh cho hay trước đây, khu vực biển quanh đảo Cồn Cỏ có rất nhiều quần thể hàu răng cưa khổng lồ sinh sống. Tuy nhiên, vài năm nay, việc người dân lặn bắt ồ ạt, nhất là trong mùa du lịch từ tháng 4-8, khiến số lượng loài này ngày càng suy giảm. Việc dùng xà beng, búa để tách lấy hàu trong quá trình khai thác cũng gây ảnh hưởng đến các rạn san hô và rạn đá quanh đảo.
Theo các ngư dân đảo Cồn Cỏ, vài năm trước, chỉ cần lặn xuống biển khoảng vài mét, đến khu vực có rạn đá, san hô là đã thấy hàu răng cưa khổng lồ nhan nhản. Bây giờ, để khai thác được loài này, ngư dân phải lặn xuống 15 - 20 m. Tuy nhiên, mỗi ngày một người lặn bắt nhiều lắm cũng chỉ 20 - 40 con và trọng lượng của chúng rất hạn chế.
Hàu răng cưa khổng lồ sinh sống dưới đáy biển Cồn Cỏ Ảnh: KHƯƠNG CẢNH
Thạc sĩ Trần Khương Cảnh thừa nhận trong các chương trình nghiên cứu lớn tại đảo Cồn Cỏ không có chương trình riêng lẻ nào về hàu răng cưa khổng lồ. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu hầu hết chỉ đề cập danh mục đa dạng sinh học loài chung; chưa có nghiên cứu chi tiết về đặc điểm sinh học, sinh thái, nguồn lợi và vai trò của các loài cụ thể.
Trước thực tế này, mới đây, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững loài hàu răng cưa khổng lồ tại Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ". Đề tài này đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện.
Theo kế hoạch, Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ sẽ triển khai nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh sản, hiện trạng phân bố và giá trị dinh dưỡng của hàu răng cưa khổng lồ. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm sinh sản nhân tạo, nuôi thử nghiệm và khoanh vùng khai thác, vùng bảo tồn ở khu vực biển đảo Cồn Cỏ.
"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ đề xuất một số giải pháp, như quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi hàu răng cưa trên cơ sở đồng quản lý giữa khu bảo tồn biển đảo và người dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đưa ra các khuyến cáo về mùa vụ, kích thước, số lượng và phương thức khai thác hàu răng cưa khổng lồ sao cho hợp lý, nhằm góp phần bảo tồn nguồn lợi sinh vật trong vùng biển đảo Cồn Cỏ" - thạc sĩ Trần Khương Cảnh cho biết.
Đa dạng sinh học cao
Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ hiện quản lý, bảo vệ 4.532 ha mặt nước xung quanh đảo Cồn Cỏ. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chiếm 534 ha, phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha và phân khu phát triển 2.376 ha...
Qua điều tra, khảo sát, cơ quan chức năng đã ghi nhận tại đảo Cồn Cỏ có gần 1.000 loài sinh vật biển. Vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ được đánh giá là một trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao của Việt Nam. Vùng biển đảo này có nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó hệ sinh thái rạn san hô đang phát triển tốt.