Mỹ-NATO giục Hàn Quốc chuyển xe tăng cho Ukraine
Trong bối cảnh Ukraine và đồng minh chủ chốt là Mỹ đã nhiều lần yêu cầu hỗ trợ vũ khí trong cuộc chiến chống Nga, Hàn Quốc tiếp tục giữ quan điểm không thể cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev, mặc dù Seoul cũng đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo, viện trợ quân sự phi sát thương trị giá 2 triệu USD, bao gồm mũ bảo hiểm, áo chống đạn và thuốc men cho Ukraine.
Đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 26/01 một lần nữa khẳng định quan điểm này, trong bối cảnh Anh, Mỹ, Đức đã quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu Challenger, M1 Abrams, Leopard cho Ukraine và sắp tới đây có thể là Pháp cũng sẽ cung cấp xe tăng Leclerc.
Seoul lưu ý rằng, việc cung cấp vũ khí do Hàn Quốc sản xuất sẽ không có ý nghĩa gì đối với Ukraine, vì việc tiếp nhận và sử dụng thành thạo các thiết bị mới sẽ cần một thời gian dài để đào tạo, huấn luyện sử dụng và công tác sửa chữa, bảo dưỡng và bảo đảm kỹ thuật.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Seoul vào ngày 29-30/01 và nói rằng, Hàn Quốc nên noi gương Đức, Thụy Điển và các nước khác, thay đổi quan điểm của mình và quyết định cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, để hỗ trợ dân chủ và thiết lập một nền hòa bình lâu dài.
Ông Stoltenberg cũng đã tổ chức một cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup, trong đó các bên đã thảo luận về các vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, ở châu Âu, sự phát triển hợp tác giữa Hàn Quốc và NATO trong lĩnh vực quốc phòng.
Tờ Nikkei của Nhật cho biết, nhà lãnh đạo NATO đã kêu gọi Seoul tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, giống như Đức đã thay đổi chính sách từ chối cung cấp vũ khí cho các nước đang có xung đột.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã có cuộc hội đàm tại Seoul vào ngày 31/01 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.
Nhưng trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, vấn đề Ukraine không được chính thức nhắc đến và khi các nhà báo đặt câu hỏi, ông Lee Jong-sup đã không trả lời vấn đề này và chỉ nói rằng, Hàn Quốc cũng đang “theo dõi tình hình ở Ukraine”.
Bình luận về vấn đề này, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính trị Hàn Quốc Asan là ông Yang Wook cho biết, Mỹ tiếp tục yêu cầu Seoul giao xe tăng Liên Xô mà Hàn Quốc đang sở hữu, nhưng quân đội Hàn Quốc trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ không thể giao chúng cho Kiev.
Theo ông, Hoa Kỳ tiếp tục yêu cầu Seoul chuyển giao xe tăng T-80U của Nga đang phục vụ trong quân đội Hàn Quốc, nhưng quân đội nước này có lập trường rất cứng rắn là “không thể làm được điều này”.
Thỏa thuận trả nợ Liên Xô bằng vũ khí
Vị chuyên gia giải thích rằng, sau khi thiết lập chính thức mối quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hàn Quốc vào năm 1990, Moscow đã đồng ý cung cấp xe tăng và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Liên Xô cho Seoul để đổi lấy việc xóa nợ nhà nước của Liên Xô, với một số điều kiện ngặt nghèo.
Trước đây, Hàn Quốc đã cho Liên Xô vay 1,47 tỷ USD và lượng hàng hóa trị giá 470 triệu USD. Sau khi Liên bang Xô viết tan rã và Nga trở thành “người thừa kế của Liên Xô”, Moscow đã thỏa thuận sẽ trả nợ cho Seoul bằng cách cung cấp các loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự hiện đại.
33 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U được Nga chuyển cho Hàn Quốc trong giai đoạn 1996-1997, đến năm 2005 cung cấp thêm 2 xe tăng chỉ huy T-80UK. Vào thời điểm đó, K2 Black Panther chưa ra đời nên T-80U chính là xe tăng hiện đại nhất của Lục quân Hàn Quốc, vượt trội so với mẫu K1 88 và K1A1 sau này.
Còn số lượng xe chiến đấu bộ binh BMP-3 hiện đang phục vụ trong Quân đội Hàn Quốc là 67 chiếc gồm 33 xe chuyển giao trong giai đoạn 1996 - 1997 và thêm 34 xe khác nhận năm 2005, cùng đợt với những chiếc T-80UK.
Thời điểm đó và hàng thập kỷ sau, BMP-3 vẫn được coi là xe chiến đấu bộ binh tốt nhất của Hàn Quốc với sức mạnh hỏa lực và khả năng cơ động vượt trội so với dòng xe chiến đấu bộ binh (IFV) nội địa K21.
Trong năm 2015, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch loại biên toàn bộ xe tăng chiến đấu chủ lực T-80U/UK cùng xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Hiện số T-80U cùng BMP-3 nói trên vẫn được Seoul cất trữ và có thể mang ra tái sử dụng nếu trải qua một quy trình bảo dưỡng kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 8 của thỏa thuận năm 1997 về hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng và hậu cần giữa chính phủ Hàn Quốc và Liên bang Nga, cả hai nước “không có quyền trao tặng hay bán lại cho nước thứ ba những vũ khí đã cung cấp cho nhau, mà không được sự đồng ý bằng văn bản của phía bên kia”.
Do đó, Hàn Quốc không thể cung cấp cho Ukraine số xe tăng T-80U và xe chiến đấu bộ binh BMP-3 mà Nga đã chuyển giao, dưới bất kỳ hình thức nào, dù là bán lại hay trao tặng.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc không dễ cho vũ khí như vậy, vì chúng rất quan trọng đối với quân đội của nước này. Dù các xe tăng T-80U không còn được sử dụng trong chiến đấu, chúng vẫn là mẫu tăng cần thiết và khác biệt để lục quân nước này sử dụng để tiến hành các cuộc tập trận, mô phỏng xe tăng của kẻ thù tiềm năng.