Bài viết thể hiện quan điểm của Larry Fink – chủ tịch kiêm CEO của gã khổng lồ về quản lý đầu tư BlackRock
Nhóm G7 hiện chiếm 61% nợ công, 45% GDP và 11% lực lượng lao động trên toàn cầu. Triển vọng kinh tế của 7 quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến phụ thuộc vào việc giảm nợ công cũng như tăng tỷ trọng GDP và lực lượng lao động trên toàn cầu. Cơ sở hạ tầng có thể là chìa khóa giúp thực hiện cả 3 trọng trách này
Các nước G7 đang cùng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về tăng trưởng. Gánh nặng nợ đã trở nên quá lớn đến mức các chính sách tài khóa truyền thống không còn kiểm soát được nữa. Đến năm 2030, số nợ mà chính phủ Mỹ phải trả sẽ vượt quá tổng thu thuế. Ngay cả khi chi tiêu giảm xuống 0, quốc gia này vẫn sẽ thâm hụt. Đối với hầu hết các quốc gia G7, việc cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.
Lối thoát duy nhất là tăng trưởng: Tăng quy mô kinh tế để đưa số nợ nhỏ hơn so với số thu, nhưng tăng trưởng ngày càng khó khăn hơn.
Mức trần tăng trưởng của một nền kinh tế được ấn định một phần bởi quy mô lực lượng lao động. Có tới 4 quốc gia G7 đã chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động giảm. Nếu nhập cư chững lại, cả Mỹ và Anh cũng sẽ rơi vào tình trạng này. Dự báo đến năm 2065, Canada sẽ là quốc gia G7 duy nhất không bị suy thoái về nhân khẩu học.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể là lực cản đối với nền kinh tế có mức nợ cao và tăng trưởng thấp. Nhưng đối với G7, việc này sẽ thúc đẩy tăng trưởng mà không hẳn làm tăng thêm nợ công. Lý do là bởi đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều tài liệu cho thấy mỗi đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ giúp sản lượng kinh tế tăng thêm hơn một đô la. Từ năm 1950 đến 1989, khoảng 25% mức tăng năng suất ở Mỹ đến từ tăng cường đầu tư vào hệ thống đường cao tốc.
Có thể nhận thấy rõ ràng về sự tăng trưởng này. Ví dụ, việc xây dựng các trung tâm dữ liệu mới cho AI đang đẩy nhu cầu năng lượng của Mỹ tăng lên sau 15 năm trì trệ. Ngoài ra, công nghệ cũng sẽ giúp con người làm việc hiệu quả hơn, nghĩa là lực lượng lao động bị thu hẹp trong tương lai vẫn có thể làm việc hiệu quả hơn so với lực lượng lao động hiện tại.
Nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần một nguồn lực vốn đang bị thiếu, đó là tính thực dụng .
Đầu tiên, G7 cần thực dụng trong tài chính . Đến năm 2040, thế giới sẽ cần chi 75.000 tỷ USD để bảo trì cơ sở hạ tầng cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Các quốc gia không thể yêu cầu người nộp thuế gánh 75.000 tỷ USD nợ mới.
Các thị trường vốn không phải lúc nào cũng là giải pháp thay thế tốt cho nguồn tài chính công, nhưng trong trường hợp này, chúng lại có thể đóng góp phần lớn. Đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng hiện nay là 1.000 tỷ USD. BlackRock dự đoán đầu tư tư nhân sẽ là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường vốn.
Thứ hai, G7 cần thực dụng trong chính sách , cụ thể là trong thủ tục cấp phép. Khi Tổng thống Biden ký Đạo luật Giảm lạm phát hai năm trước, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch dự kiến sẽ giảm lượng khí thải carbon xuống 710 triệu tấn vào năm 2030. Nhưng nếu cấp phép tiếp tục bị chậm trễ, thì dự báo mới chỉ còn 475 triệu tấn.
Ở cả Mỹ và EU, thủ tục cấp phép cho một dự án cơ sở hạ tầng trung bình mất nhiều thời gian hơn so với xây dựng. Để so sánh, một dự án đường điện cao thế mất tới 13 năm mới được cấp phép, còn Trung Quốc chỉ tốn không tới 3,5 năm.
Cuối cùng, các nước G7 cần thực dụng trong năng lượng . Phần lớn cơ sở hạ tầng mới là dành cho năng lượng tái tạo. Nhưng nếu không có tiến triển trong lưu trữ năng lượng, gió và mặt trời không thể cung cấp dòng điện đáng tin cậy. Theo ước tính, hơn một nửa lượng điện của trung tâm dữ liệu đến từ các nguồn có thể huy động được như hạt nhân hoặc khí đốt tự nhiên. Nếu không, các trung tâm dữ liệu này sẽ ngừng hoạt động.
Tóm lại, theo Larry Fink, để thúc đẩy tăng trưởng, nhóm G7 cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng bằng cách tăng đầu tư tư nhân. Để mở khóa đầu tư tư nhân, cần linh hoạt về chính sách.