"Nợ ẩn" tăng lên hơn một nửa quy mô nền kinh tế: Trung Quốc loay hoay tìm lối thoát

Vu Lam |

Goldman Sachs cho biết trong một báo cuối tháng, tổng nợ do các LGFV phát hành (vẫn thường được gọi là nợ ẩn) tại Trung Quốc đã tăng lên khoảng 53 nghìn tỷ NDT (8,3 nghìn tỷ USD) vào cuối năm ngoái, tương đương khoảng 52% GDP và tăng từ mức 16 nghìn tỷ NDT vào năm 2013.

Ranh giới giữa chiến dịch chống tham nhũng và xoá nợ ngày càng trở nên mờ nhạt khi Bắc Kinh nỗ lực tìm cách giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị ở nhiều cấp chính quyền địa phương. Từ đầu năm, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tuyên bố cam kết "giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng gây nguy cơ nợ cho chính quyền địa phương."

Trong một bản báo cáo của Uỷ ban Kiểm soát và Giám sát Kỷ luật Giang Tô - một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, công bố hồi đầu tháng này, 3 cựu quan chức địa phương đã bị nêu tên và coi là "ví dụ điển hình" về vấn nạn tham nhũng đằng sau các khoản nợ tiềm ẩn của địa phương.

Qi Biao - cựu Phó giám đốc Uỷ ban Cải cách và Phát triển của tỉnh này, đã bị sa thải vào tháng 12 năm ngoái và bị khai trừ khỏi Đảng vào tháng 6. Qi bị kết tội "lạm dụng quyền lực và vị trí có ảnh hưởng để làm trung gian cho các phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương phát hành (LGFV). Người này đã "nhận số tiền khổng lồ bằng cách thu phí trung gian" và "tăng các khoản nợ của chính quyền địa phương."

Các khoản nợ tăng lên không được liệt kê trong bảng cân đối kế toán của chính quyền địa phương nhưng được chính phủ âm thầm đảm bảo hoàn trả. Do đó, so với trái phiếu do các địa phương, các khoản nợ huy động thông qua LGFV lại dễ tạo điều kiện cho các vụ tham nhũng hơn.

Năm ngoái, một vụ án tham nhũng liên quan đến nợ ở quận Dusan thuộc tỉnh Quý Châu - nơi có tỷ lệ nợ cao nhất trong số các chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của công chúng. Chính quyền quận này ghi nhận khoản nợ tổng cộng 40 tỷ NDT (6,27 tỷ USD) tính đến năm 2019, trong khi doanh thu từ thuế hàng năm chưa đến 1 tỷ NDT.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan chống tham nhũng chính của Trung Quốc, nêu nguyên nhân là do Pan Zhili - từng là lãnh đạo từ năm 2010 cho đến khi bị sa thải vào năm 2019. Người này đã khởi xướng nhiều "dự án hình ảnh" khác nhau có mục đích chính trị, chứ không hoàn toàn là kinh tế.

Trong khi đó, nợ do LGFV phát hành - thường gọi là "nợ ẩn", là một trong những mục tiêu chính trong nỗ lực giảm nợ của Bắc Kinh. Dù không có số liệu chính thức, nhưng Lu Ting - kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại Nomura, ước tính rằng khoản nợ ẩn của nước này đạt 45 nghìn tỷ NDT (7 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2020, tương đương 44% GDP.

Hơn nữa, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết trong một báo cuối tháng, tổng nợ do các LGFV phát hành tại Trung Quốc đã tăng lên khoảng 53 nghìn tỷ NDT (8,3 nghìn tỷ USD) vào cuối năm ngoái, bằng khoảng 52% GDP và tăng từ mức 16 nghìn tỷ NDT vào năm 2013.

Trong khi đó, khả năng trả nợ của chính quyền địa phương là mối lo ngại lâu dài của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 cũng khiến những vấn đề về tài chính trở nên khó khăn hơn.

Các LGFV có thể sẽ đóng vai trò lớn vào năm tới trong việc giải quyết những "khoảng trống tài trợ" (funding gap) của chính quyền các địa phương, khi doanh thu bán đất sụt giảm và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng lên dù tốc độ có thể chỉ ở mức vừa phải do chiến dịch xoá nợ được thực hiện gắt gao.

Ivan Chung - phó giám đốc điều hành tại Moody’s nhận định: "Các biện pháp của chính quyền địa phương Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt một số áp lực đối với các LGFV từ các tỉnh hoặc khu vực có khả năng tài chính kém hơn. Tuy nhiên, vẫn không chắc các LGFV này có thể duy trì chất lượng tín dụng trong bao lâu nếu chỉ dựa vào sự hỗ trợ của chính phủ để trả nợ mà không cần tái cấp vốn."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại