Những ngày đầu tháng 10, Nhật Bản rúng động với sự việc hãng xe Nissan tuyên bố ngừng sản xuất ô tô cho thị trường Nhật Bản đồng thời thu hồi khoảng 1,2 triệu xe được sản xuất và tiêu thụ tại đây trong giai đoạn 2014-2017 vì những sai sót trong quá trình kiểm tra an toàn trước khi xuất xưởng.
Tuy nhiên sự việc không dừng lại ở đó. Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Nissan Motor đã phạm phải lỗi lầm này ít nhất là từ năm 1979. Cũng theo nguồn tin này, bộ phận sản xuất của Nissan sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Cuối tháng trước, vụ việc vỡ lở khi nhiều kỹ sư của Nissan bị phát hiện là không đủ thẩm quyền (theo quy định của Bộ giao thông Nhật Bản) để ký tên vào văn bản nghiệm thu cuối cùng trước khi xe được xuất xưởng.
Sau đó khoảng 1,2 triệu xe đã bị thu hồi và Nissan buộc phải ngừng tất cả hoạt động sản xuất ô tô phục vụ thị trường Nhật Bản tại các nhà máy ở Nhật Bản.
Nissan cho biết những chiếc xe đã được xuất khẩu ra nước ngoài không bị ảnh hưởng bởi sự việc này. Đây chỉ là vấn đề về thủ tục giấy tờ theo yêu cầu của Bộ Giao thông Nhật chứ không có liên quan gì đến chất lượng sản phẩm.
CEO Hiroto Saikawa của Nissan – người mới được Chủ tịch Carlos Ghosn bổ nhiệm vào đầu năm nay - đã bị truyền thông Nhật Bản chỉ trích vì không cúi đầu đủ lâu khi nói lời xin lỗi với công chúng. Theo quan điểm của người Nhật thì hành động này chứng tỏ thái độ xin lỗi chưa đủ chân thành.
Nissan ra đời từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Công ty Jidosha-Seizo Kabushiki-Kaisha được thành lập ngày 26/12/1933, nhận lại toàn bộ hoạt động sản xuất mẫu xe Datsun từ Tobata Casting. Tháng 1/1934, công ty đổi tên thành Nissan.
Cú sốc dầu mỏ phủ bóng lên toàn thế giới trong những năm 1970 chính là 1 cơ hội để các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bước lên vũ đài thế giới.
Sunny là một trong những mẫu xe được ưa chuộng nhất của Nissan trong thời gian đó, cùng với những mẫu khác như Silvia, Cedric và Datsun. Đây cũng là quãng thời gian mà Nissan mở nhà máy ở Kyushu.
Ngành sản xuất của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các vụ bê bối. Hãng xe Subaru cũng bị phát hiện đã cho phép những công nhân chưa đủ tiêu chuẩn thực hiện công đoạn kiểm tra xe trước khi xuất xưởng.
Trước đó là vụ hãng thép Kobe Steel thừa nhận đã nói dối về chất lượng sản phẩm và công ty sản xuất túi khí Takata phải nộp đơn xin phá sản sau khi rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng triệu hồi sản phẩm tai tiếng nhất trên thế giới.