"Nín thở" chờ đợi thượng đỉnh Nga-Mỹ: Xung đột Syria sẽ được 2 ông Trump, Putin hóa giải?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chỉ riêng việc tổ chức được cuộc gặp gỡ giữa Trump và Putin đã là một thành công có ý nghĩa lớn lao.

Cuộc gặp đầu tiên

Ngày mai, 16/7/2018 tại Helsinki, thủ đô Phần Lan sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ sau khi ông Trump trở thành ông chủ nhà Trắng 20/1/2017. Cả thế giới đang theo dõi và chờ đợi kết quả của cuộc gặp gỡ lịch sử này.

Trước đây, ông Trump và Putin đã gặp nhau không chính thức bên lề Hội nghị cấp cao nhóm các nước công nghiệp G-20 tại Hamburg (Đức) tháng 7/2017 và Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng (Việt Nam) tháng 11/2017.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra sau một thời gian dài quan hệ giữa hai nước bị đóng băng và có lúc leo thang căng thẳng đến đỉnh điểm tưởng chừng như sắp nổ ra một cuộc đối đầu quân sự do mâu thuẫn gay gắt trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, nhiều nhân vật danh tiếng trong chính quyền Mỹ như Edward Royce, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện, Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban tình báo thượng viện, Chuck Schumer, Phó trưởng lý, Rod Rosenstein, Thứ trưởng Tư pháp và các thượng nghị sỹ Tóm Carber, Ron Wyden... đã kêu gọi Tổng thống Trump hủy bỏ cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Putin vì cho rằng cuộc gặp sẽ chẳng đem lại lợi ích gì, đặc biệt khi Mỹ cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong tình hình như vậy, tôi cho rằng chỉ riêng việc tổ chức được cuộc gặp gỡ giữa Trump và Putin đã là một thành công có ý nghĩa lớn lao.

Tất nhiên, tại cuộc gặp gỡ này hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận rất nhiều vấn đề, trước hết là việc khôi phục lại các kênh liên lạc đã bị đóng băng về cuộc chiến chống khủng bố, buôn lậu ma tuý, năng lượng, an ninh mạng, tình hình ở Afghanistan và các cuộc xung đột khu vực, ngoại trừ thi thoảng có một số cuộc gặp gỡ giữa các nhà ngoại giao và quân sự hai nước do những diễn biến trên chiến trường Syria và xung quanh vấn đề Ukraine.

Không nên chờ đợi một cuộc gặp thế này có thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Có quá nhiều hồ sơ phức tạp bất đồng quan điểm giữa Nga và Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng, mục tiêu chính của cuộc gặp thượng đỉnh lần này là khôi phục lại lòng tin, tạo ra sự ổn định chiến lược để hai nước có thể hợp tác vì lợi ích của Nga, Mỹ và thế giới nói chung. Đồng thời, dịp này mỗi bên sẽ nêu quan điểm của mình về một loạt các vấn đề để hiểu biết nhau hơn và từ đó tìm ra giải pháp cho từng vấn đề một.

Trước cuộc gặp Putin có vài ngày, Trump đã nói trước các đồng minh NATO tại Brussel rằng, "Tổng thống Putin không phải là kẻ thù" mặc dù có sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga trên trường quốc tế. Tiếp đó, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh Theresa May tại London, ông Trump đã bày tỏ hy vọng "quan hệ với Nga sẽ đi theo chiều hướng tốt".

Ông cũng nói rằng ông không thể nói gì về các vấn đề tiếp theo liên quan đến Crimea, bởi vì vấn đề Nga sáp nhập Crimea xảy ra dưới thời Barack Obama. Những tuyên bố tích cực này thể hiện mong muốn của ông Trump trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Putin và nước Nga.

Trọng tâm là Syria?

Ông Trump rất cần đạt được một thỏa thuận tích cực với Tổng thống Putin tại Helsinki, thứ nhất là để thực hiện cam kết của mình đưa ra trong cuộc vận động tranh cử năm 2016 về việc cải thiện quan hệ với Nga, thứ hai là để chứng tỏ đối thoại với Putin không phải vô ích, đồng thời biện minh cho các bước tiếp theo của Washington nhằm cải thiện quan hệ với Moscow, và cuối cùng là phục vụ cho cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, cũng như tham vọng ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai.

Trong một loạt hồ sơ sẽ được nêu ra, có lẽ vấn đề Syria và sự có mặt của Iran tại Syria sẽ được ưu tiên bàn luận và giải quyết.

Nín thở chờ đợi thượng đỉnh Nga-Mỹ: Xung đột Syria sẽ được 2 ông Trump, Putin hóa giải? - Ảnh 2.

Vấn đề Syria và sự có mặt của Iran tại Syria sẽ được ưu tiên bàn luận. Ảnh: Reuters

Trong hai cuộc gặp trước, vấn đề Syria được đưa lên đầu chương trình nghị sự. Về lý thuyết, việc đạt được thỏa thuận giữa Trump và Putin không khó nếu cả Mỹ và Nga đều có thiện chí.

Điều mà Nga quan tâm là giữ được chính quyền Assad và Mỹ rút quân khỏi Syria, giải quyết hoà bình cuộc xung đột, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Trong khi đó, quan tâm hàng đầu của Mỹ là rút các lực lượng Iran khỏi Syria, đảm bảo an ninh cho đồng minh Israel.

Về vấn đề này, dường như các bên đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria trong một kế hoạch nhằm giảm bớt sự cam kết của Mỹ đối với bên ngoài. Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng tuyên bố ủng hộ việc rút toàn bộ các lực lượng nước ngoài khỏi Syria, trong đó có hàm ý rút cả quân Iran.

Để giảm sức ép của Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran cũng sẽ phải có thái độ mềm dẻo hơn đối với sự có mặt quân sự của mình ở Syria.

Đối với Nga, sự có mặt quân sự của Nga tại Syria không phải để bảo vệ lợi ích của Iran mà là giữ cho chính quyền Syria, đồng minh duy nhất của Nga còn lại ở Trung Đông khỏi bị sụp đổ, duy trì các căn cứ quân sự của Nga và khôi phục lại ảnh hưởng của Liên Xô trước đây tại khu vực Trung Đông.

Nín thở chờ đợi thượng đỉnh Nga-Mỹ: Xung đột Syria sẽ được 2 ông Trump, Putin hóa giải? - Ảnh 3.

Việc tạo thêm một vấn đề căng thẳng mới với Israel không thuộc nhiệm vụ của các lực lượng của Liên bang Nga đóng tại Syria và cũng không phải lợi ích của chính quyền Syria trong lúc này. Lợi ích của Syria và Nga hiện nay là rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria.

Xuất phát từ sự trùng hợp lợi ích như vậy, Nga và Mỹ hoàn toàn có thề đạt được một thỏa thuận để quân Mỹ rút khỏi Syria.

Trên thực tế Nga đã đồng ý với đòi hỏi của Mỹ và Israel rút các lực lượng được Iran ủng hộ khỏi miền Nam Syria nằm kề sát biên giới Syria -Israel. Quân đội của chính phủ Syria sẽ vào thay thế các lực lượng này.

Về phần mình, việc Mỹ tuyên bố rút lui sự ủng hộ đối với lực lượng dân chủ SDF của người Kurd ở miền Bắc và các lực lượng đối lập ở miền Nam sẽ mở đường cho quân chính phủ Syria kiểm soát các vùng lãnh thổ này.

Như vậy, nghiễm nhiên Mỹ thừa nhận vai trò không thể thiếu được của chính quyền Damascus. Mặt khác, Mỹ muốn Nga sẽ là lực lượng chính có trách nhiệm ngăn cản tổ chức Nhà nước Hồi giáo khủng bố IS hoạt động trở lại mà không có sự tham gia của Iran sau khi Mỹ rút quân.

Thỏa thuận giữa hai cường quốc Nga-Mỹ về các nguyên tắc giải quyết vấn đề Syria, nếu đạt được sẽ có ý nghĩa quốc tế hết sức to lớn.

Đây sẽ là lần đầu tiên kể từ kết thúc chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ đã thỏa thuận được với nhau về một giải pháp cho một vấn đề khu vực quan trọng, mở ra triển vọng hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề khu vực khác và những vấn đề mang tính chất toàn cầu.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại