Theo hãng tin Nikkei Asian Review, xuất khẩu của Việt Nam đang hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại khi nhiều doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Ví dụ từ đầu năm đến nay, 2 công ty Việt Nam đã xuất khẩu thiết bị máy móc cho các nhà sản xuất Canada trong khi vài hãng dệt may bán khẩu trang cho thị trường Mỹ, Tây Ban Nha và Nhật Bản.
Mục tiêu chính của Mỹ là ép các công ty dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc về nước để tạo thêm công ăn việc làm và giảm thâm hụt thương mại. Tuy nhiên thay vì về Mỹ, những công ty này dịch chuyển nhà máy hoặc tìm nguồn cung cấp từ các nước khác để vẫn giữ giá thành thành rẻ và tránh được các ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại.
Thậm chí, nhiều quan chức Mỹ cũng nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp sẽ không dịch chuyển về nước.
"Một trong những mục tiêu của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là ép các công ty dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các doanh nghiệp này sẽ quay trở về Mỹ và tạo việc làm cho người dân.
Thế nhưng nhiều quan chức nhận ra rằng một số công ty sẽ đổi nguồn nhập hàng sang thị trường khác thay vì trở về Mỹ", Cựu cố vấn thương mại Barbara Weisei của Tổng thống Trump và hiện là Giám đốc của Rock Creek Global Advisors nhận định.
Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ như Apple hay Nike nhập hàng từ Việt Nam, một ví dụ điển hình cho việc các công ty từ chối đưa việc làm trở lại Mỹ.
Thậm chí nhiều chính sách hỗ trợ ngành sản xuất của Mỹ tại nước ngoài cũng được cho là gián tiếp có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ví dụ như Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam (LinkSME) trị giá 22 triệu USD do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ giúp nhiều hãng kết nối với công ty nước ngoài, vốn đang có nhu cầu nhập hàng từ Việt Nam như một lựa chọn thay thế Trung Quốc.
Đây là cách mà hãng Metosak của Canada ký hợp đồng với một nhà cung ứng của Việt Nam như đã nói ở trên. Dự án LinkSME cũng giúp một số hãng dệt may xuất khẩu hàng hóa trong mùa dịch Covid-19, đồng thời tổ chức các hội thảo nhằm kết nối 60 nhà cung ứng trong nước với các công ty nước ngoài như Mitsubishi Motors, Ford Motor…
"Việt Nam là một nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Chuyên gia Robert Greenan của Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi phát biểu trong một hội nghị về đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đồng quan điểm, Chuyên gia Curtis Chin từng làm việc cho Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng cho rằng các doanh nghiệp đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc để cắt giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng hơn là phải lệ thuộc vào một nguồn duy nhất.
Như vậy họ sẽ tránh được các rủi ro về chiến tranh thương mại, biến động địa chính trị cùng nhiều mối nguy khác.
Trong khi đó, Chuyên gia Fred Burke của hãng luật Baker&McKenzie tại Việt Nam cho rằng các quan chức Mỹ thậm chí hiểu rõ tại sao doanh nghiệp nước ngoài lại chọn Việt Nam hơn là quay về Mỹ.
"Tôi nghĩ rằng họ có cái nhìn đủ thực tế để hiểu rằng dòng tiền đầu tư sẽ chảy vào chỗ nào hiệu quả nhất", Chuyên gia Burke nói với tờ Nikkei.
Hiện Việt Nam đang được coi là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Lợi thế chi phí nhân công thấp, tình hình chính trị ổn định, nhiều thỏa thuận thương mại đã được ký kết cùng vị trí địa lý thuận tiện cho các tuyến đường hàng hải đã giúp Việt Nam ghi điểm.
Bên cạnh đó, Chuyên gia Chin cũng cho rằng dù Việt Nam chiếm nhiều thị phần hơn trong xuất khẩu quốc tế thì xu thế đa dạng hóa trong chuỗi cung ứng này cũng có ích cho Mỹ.
"Đại dịch Covid-19 đang cho thấy rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung ứng từ Trung Quốc", Chuyên gia Chin nhấn mạnh.
Theo Nikkei, mối quan hệ Mỹ-Việt đang ngày càng khăng khít hơn. Hiện Diễn đàn doanh nghiệp thường niên Indo-Pacific, vốn được các công ty Mỹ coi là sự kiện lớn tại Châu Á đang được tổ chức tại thủ đô Hà Nội.
Số liệu chính thức cho thấy xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng 36% trong khoảng 2018-2019.