Nikkei: Nhiều “đại gia” may mặc lớn của thế giới hạn chế mở rộng tại Việt Nam vì sợ chi phí cao

Trung Mến |

Đối với riêng ngành may mặc, ông Chou cho rằng thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam có thể đã qua và nhiều công ty phải thích ứng với môi trường kinh doanh ngày một khốc liệt hơn.

Nhiều công ty may mặc lớn của thế giới đang tạm ngưng hoặc hạn chế bớt kế hoạch mở rộng tại Việt Nam bởi lo ngại rằng chiến tranh thương mại sẽ gián tiếp làm tăng chi phí lao động khi mà nhiều công ty công nghệ lớn như Apple đang chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Theo báo Nikkei, với nhiều công ty sản xuất đồ may mặc cung cấp cho nhiều tên tuổi lớn như Nikei, Adidas, Uniqlo và H&M, Việt Nam là địa điểm sản xuất lớn nhất của họ.

Thế nhưng khi mà nhiều nhà cung cấp cho Apple, Dell, Google và Amazon đang tìm kiếm địa điểm sản xuất mới nhằm tránh thuế của Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc, sự cạnh tranh giành đất đai và nhân lực sản xuất tại địa phương sẽ ngày một nóng lên.

Công ty Makalot Industrial, một công ty sản xuất quần áo cho nhiều tên tuổi lớn như GAP, Walmart, Zara, và H&M, cũng công bố hạn chế bớt việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Chủ tịch kiêm CEO của công ty Makalot, ông Frank Chou, nói với Nikkei: “Ngày một nhiều công ty đến Việt Nam. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ phải chứng kiến tình trạng thiếu hụt nhân lực và thậm chí cạnh tranh mạnh mẽ trong tuyển dụng nhân lực ở đây”.

Đối với riêng ngành may mặc, ông Chou cho rằng thời điểm tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam có thể đã qua và nhiều công ty phải thích ứng với môi trường kinh doanh ngày một khốc liệt hơn.

Việt Nam hiện đang là địa điểm sản xuất lớn nhất của Makalot, chiếm khoảng 37% tổng quy mô sản xuất. Tuy nhiên ông Chou cho biết công ty giờ đây sẽ tập trung vào mở rộng mạnh tay ở Indonesia, nơi mà ông cho rằng sẽ trở thành địa điểm sản xuất lớn nhất trong từ 3 đến 5 năm tới.

Nhà sản xuất sản xuất giày dép lớn nhất của Đài Loan, Eclat Textile, nhà cung cấp quan trọng cho nhiều công ty lớn như Nikei, Under Armour và Lululemon, sẽ ngừng sản xuất tại Việt Nam. Phó Chủ tịch công ty Roger Lo cho biết ông sẽ tìm kiếm địa điểm khác để mở rộng sản xuất, thế nhưng không nói cụ thể.

Nhờ vào lực lượng dân số lớn khoảng 95 triệu người và vị trí địa lý gần nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Việt Nam nhiều năm qua đã trở thành địa điểm sản xuất quan trọng của nhiều công ty may mặc và sản xuất giày dép muốn tiết kiệm chi phí sản xuất và tận dụng lực lượng lao động trẻ bên ngoài Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng từ 1 triệu đồng Việt Nam lên 4,18 triệu đồng vào năm 2019. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải tăng lương tối thiểu 10% mỗi năm.

Dù chi phí lao động tăng cao, Việt Nam vẫn trở thành đối tượng hưởng lợi từ khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu. 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 38%, nhiều công ty công nghệ lớn như Apple, Dell, Google và Amazon đang tính chuyển sản xuất sang Việt Nam để né thuế cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại