Nikkei Asia: Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản sẽ đầu tư 560 triệu USD cho dự án Lô B - Ô Môn

Tri Túc |

Công bố của nhà đầu tư Nhật đưa ra sau khi nhiều vướng mắc tại dự án được giải quyết.

Nikkei Asia: Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản sẽ đầu tư 560 triệu USD cho dự án Lô B - Ô Môn- Ảnh 1.

Theo Nikkei Asia, ngày 29/3, Tập đoàn đầu tư Mitsui của Nhật Bản tuyên bố họ sẽ đầu tư khoảng 84 tỷ yên (560 triệu USD) cho dự án Lô B - Ô Môn.

Chuỗi dự án khí Lô B (gồm các khâu thượng nguồn (nhà máy khí), đường ống và hạ nguồn (nhà máy điện)) có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD. Khí tự nhiên từ Lô B sẽ cung cấp cho 4 nhà máy điện gồm Ô Môn I, II, III và IV trên 20 năm.

Khi đi vào vận hành, các nhà máy điện Ô Môn này sẽ cung cấp điện với tổng công suất khoảng 3.800 MW, đóng góp quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia.

Dự án dự kiến bắt đầu khai thác từ cuối năm 2026, với công suất khai thác hàng ngày ước tính 490 triệu feet khối khí. Tập đoàn Mitsui đã tiến hành thăm dò từ năm 1996 và Mitsui Oil Exploration (MOECO) nắm giữ 23% cổ phần trong lĩnh vực khí đốt thượng nguồn và 15% cổ phần trong lĩnh vực đường ống dẫn khí.

Công ty thăm dò dầu khí (MOECO) là công ty con của Tập đoàn Mitsui hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Công ty hoạt động tại một số quốc gia như: Mỹ, Thái Lan, Indonesia, Oman, Vương Quốc Anh.

Tại Việt Nam, MOECO là thành viên liên doanh các nhà đầu tư dự án Khí Lô B - Ô Môn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và các bên liên quan đang cân nhắc cho vay đối với dự án.

Cuối năm ngoái, trong khuôn khổ chuyến công tác, dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành MOECO - thành viên liên doanh các nhà đầu tư trong Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn.

Trong buổi gặp, ông Hidenori Harada cho biết kể từ sau lễ ký kết và triển khai dự án vào cuối tháng 10/2023, 12/13 vấn đề còn vướng mắc trong dự án này đã được các bên thỏa thuận xử lý theo nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy dự án, trong đó có việc sớm sửa đổi các quy định tại 3 thông tư của Bộ Công Thương.

Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của MOECO và các đối tác liên doanh trong việc triển khai thực hiện Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn và cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi ngay các quy định liên quan còn vướng mắc trong chuỗi dự án này.

Tình hình tươi sáng tại dự án Lô B Ô Môn cũng “phà” hơi nóng vào nhóm cổ phiếu dầu khí.

Chứng khoán SSI nhận định, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (mã chứng khoán PVD) là một trong những công ty dầu khí được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này do đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và khoan thượng nguồn để khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026.

Dựa trên giả định FID sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2023, SSI Research dự phóng PVD có thể đạt CAGR lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2026 là 26%, trong đó backlog từ dự án Lô B sẽ là mấu chốt cho tốc độ tăng trưởng này.

Chung quan điểm, Chứng khoán BSC kỳ vọng PVD sẽ bắt đầu tham gia chiến dịch khoan cho dự án Lô B – Ô Môn kể từ năm 2025. Ban lãnh đạo Công ty cho biết hiện PVD đang tham gia gói thầu EPCI, và kỳ vọng dự án sẽ có FID vào khoảng quý 3/2023. Nếu kế hoạch đi đúng theo lộ trình, dự kiến PVD sẽ bắt đầu nhận phần công việc khoan các giếng khai thác kết từ năm 2025, bao gồm 77 giếng cho đến FG và 911 giếng cho đến khi kết thúc dự án. BSC ước tính, tổng khối lượng mảng khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan trong dự án này có thể đem lại cho PVD trên 200 triệu USD trong giai đoạn 2025 – 2027.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại