Công ty trụ sở tại Đài Loan này vừa bắt đầu sản xuất màn hình tinh thể lỏng ở Việt Nam vào tuần trước, nhằm tận dụng lợi thế của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và hy vọng tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam.
Hiệp định RCEP đã được ký kết bởi 15 nước thành viên khu vực châu Á - Thái Bình Dương (10 quốc gia ASEAN và Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand) vào ngày 15/11 nhằm giảm thuế và cho phép thương mại diễn ra thông suốt trong khu vực.
Foxconn dự kiến sẽ triển khai sản xuất với quy mô toàn diện tại Việt Nam và hưởng lợi từ khuôn khổ hiệp định thương mại tự do này.
Foxconn sẽ sớm thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Nikkei cho biết, chi tiết cụ thể hiện chưa được công bố, tuy nhiên Foxconn khả năng cao sản xuất các bộ phận liên quan máy tính cá nhân như màn hình.
Đặc biệt, các yếu tố như là thành viên của RCEP, có vị trí gần Trung Quốc đã giúp Việt Nam trở thành địa điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện với chi phí lao động rẻ.
Chủ tịch Foxconn, ông Young Liu từng khẳng định: "Cơn sốt đầu tư vào Việt Nam từ các doanh nghiệp lớn rất đáng quan tâm". Thứ 4 vừa qua, ông Young Liu cho biết Foxconn sẽ sản xuất hàng loạt sản phẩm tại Việt Nam gồm TV, thiết bị viễn thông và linh kiện máy tính.
Foxconn đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi nhằm bớt phụ thuộc quá mức vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, đặt mục tiêu sản lượng ngoài Trung Quốc chiếm hơn 30% tổng sản lượng. Các công ty đối thủ của Foxconn như Pegatron và Wistron cũng đều đã quyết định mở rộng hoạt động sang Việt Nam.