Niềm tự hào Trung Quốc & tai tiếng ăn cắp của Sambo Nga

Tiểu Mã |

Người Trung Quốc tự hào về môn Tán thủ, cho rằng đó là tinh túy của nghìn năm võ thuật nước này. Song có vẻ sự thật chẳng đẹp đẽ như thế.

Tranh cãi gay gắt về nguồn gốc Tán thủ

Những năm gần đây, nguồn gốc của Tán thủ chính là đề tài gây tranh cãi bậc nhất với làng võ thế giới, trong đó không ít ý kiến cho rằng thực ra môn này không xuất phát từ võ truyền thống Trung Quốc như người ta vẫn nghĩ.

Theo các tài liệu chính thống của Trung Hoa, Tán thủ được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ 2 và đặc biệt sau chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên (1950-1953).

Môn này được xây dựng dựa trên sự nghiên cứu, chắt lọc các tuyệt kỹ cận chiến hiệu quả nhất, dùng để tập luyện khả năng chiến đấu cho quân đội.

Một hệ thống chiến đấu tay không hiệu quả đã ra đời chú trọng vào các dạng chiến đấu tự do thực tế với 3 nhân tố: đơn giản, trực tiếp, hiệu quả lớn và đòn đánh nhanh – mạnh – hiểm ác.

Đến năm 1972, chương trình của Tán thủ chính thức được hoàn tất sau quá trình nhân rộng trong quần chúng và có sự giao thoa với nhiều môn võ khác như Boxing, Muay Thái, vật Mông Cổ, Karate…

Niềm tự hào Trung Quốc & tai tiếng ăn cắp của Sambo Nga - Ảnh 1.

Môn võ Tán thủ đang gây ra sự tranh cãi gay gắt về nguồn gốc.

Tuy nhiên những năm gần đây, sau khi theo dõi lối đánh của nhiều võ sĩ Tán thủ, cộng đồng võ thuật thế giới đã lao vào cuộc truy tìm xuất xứ thực sự của môn võ này thông qua nhiều tài liệu từ các quốc gia khác và cả từ mạng Weibo của Trung Quốc.

Thậm chí ở Việt Nam, một tài liệu mang tên "Giang hồ Tán thủ luận" cũng được xây dựng, trong đó đề cập tới việc thực chất Tán thủ không xuất phát từ võ Trung Quốc mà chịu ảnh hưởng cực lớn từ môn võ Sambo của Nga.

Theo tài liệu này, vào năm 1923, Trung Quốc đã mời các cố vấn Liên Xô sang để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển quân sự, trong đó bao gồm các kỹ thuật chiến đấu tay không dành cho binh sĩ.

Khi người Liên Xô giới thiệu về môn võ Sambo, phía Trung Quốc đã rất thờ ơ vì họ cho rằng môn võ của đất nước mình chính là tinh hoa của thế giới và không cần phải học tập từ nước ngoài.

Với Liên Xô, Sambo là môn võ được kết tinh từ cuộc chiến xương máu khi đối đầu cận chiến với quân Nhật (1904) và chính là niềm tự hào của xứ sở Bạch dương.

Vì thế, trước sự "coi thường" của người Trung Quốc, họ đã đưa ra lời thách thức: "Không một người Trung Hoa nào có thể đánh bại Sambo!".

Thế rồi, lời tuyên chiến tưởng chừng rất "ngông cuồng" ấy lại thành hiện thực. Bởi sau nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhân tài võ thuật, tất cả các võ sĩ Trung Quốc đều bại trận trước Sambo.

Niềm tự hào Trung Quốc & tai tiếng ăn cắp của Sambo Nga - Ảnh 2.

Không ít ý kiến khẳng định Sambo của Nga chính là nguồn gốc tạo nên Tán thủ.

Về sau, nhận thấy Sambo đúng là một môn võ vô cùng hiệu quả trong thực chiến nên Trung Quốc đã áp dụng vào huấn luyện cho quân đội.

Theo thời gian, dựa trên nền tảng Sambo, Trung Quốc đã cải tiến để phù hợp với thể trạng người châu Á để tạo ra môn Tán thủ.

Sau này, khi Tán thủ đã gặt hái được những thành tựu ở các giải quốc tế, người Trung Quốc bỗng quay lưng, không chịu thừa nhận công sức của Liên Xô.

Các tài liệu chính thống của Trung Quốc đều không nhắc đến "Sambo" khi nói về nguồn gốc của Tán thủ. Thay vào đó, họ nói môn này được kết tinh từ hàng ngàn năm võ học Trung Hoa.

Đến nay, việc Tán thủ có thực sự xuất phát từ Sambo hay không và thực chất môn này còn chịu ảnh hưởng từ các môn võ của nước ngoài lớn như thế nào vẫn còn là một đề tài gây tranh cãi.

Tuy nhiên có thể khẳng định, nếu để đặt lên bàn cân thì rõ ràng Tán thủ hoàn toàn không "vô đối" như người Trung Quốc từng nói nếu so với các môn võ hiện đại của Nga hay phương Tây.

"Chú hổ" ngày càng mất uy…

Có một sự thật rõ như ban ngày khiến người Trung Quốc phải mất ăn mất ngủ.

Dù vẫn nhận mình là cái nôi của võ thuật nhưng quốc gia rộng lớn thứ 3 trên thế giới với hàng tỷ người, trong đó có hàng triệu người luyện võ vẫn không thể đào tạo ra một võ sĩ nào đủ sức làm mưa làm gió ở các võ đài hiện đại như đấu trường UFC.

Năm 2009, tay đấm nổi tiếng làng đấm UFC Rear Naked Choke từng nói:

"Tôi không ngạc nhiên khi chúng ta không thấy các võ sĩ Tán thủ Trung Quốc thành công ở các giải MMA. Để nói tới một võ sĩ châu Á, người đầu tiên tôi nghĩ đến chính là Cung Lê (võ sĩ gốc Việt Nam), anh ấy có luyện tán thủ nhưng còn tập thêm rất nhiều môn phái khác".

Niềm tự hào Trung Quốc & tai tiếng ăn cắp của Sambo Nga - Ảnh 3.

Trung Quốc chưa thể sản sinh ra một võ sĩ nổi danh UFC giống như Cung Lê.

Cách đây vài năm, người Thái Lan cũng từng khiêu chiến các võ sĩ Trung Quốc bởi họ cho rằng, thực chất võ thuật Trung Hoa chỉ là "đĩa rau nhạt thếch trên bàn tiệc" nếu so với sức mạnh của Muay Thái.

Sau đó, đã xuất hiện rất nhiều thông tin trái chiều xung quanh cuộc "chinh phạt" này của các cao thủ xứ Chùa Tháp.

Có thông tin cho rằng, đoàn võ sĩ Thái Lan toàn thắng cả 5 trận đấu trước các cao thủ hàng đầu Trung Quốc.

Một nguồn khác lại khẳng định chỉ có 2 cao thủ Muay Thái giành phần thắng. Thậm chí, có nguồn khác nữa lại khẳng định người Trung Hoa không quan tâm tới lời thách đấu này.

Nhưng dù sự thật về kết quả của cuộc chinh phạt này có thế nào đi chăng nữa, thì rõ ràng kungfu Trung Quốc hoàn toàn không thể tạo nên sự sợ hãi đối với người Thái.

Tất nhiên, cuộc chinh phạt này nếu có cũng chỉ là những trận đấu "không chính thống" bởi nó không nằm trong một giải đấu lớn được thế giới công nhận.

Song ở những giải đấu chính thức tầm cỡ thế giới, đã không ít lần các võ sĩ Trung Hoa bị các đối thủ nước ngoài làm cho mất mặt.

Minh chứng rõ ràng nhất chính là thất bại của Yi Long – người được mệnh danh là "Đệ nhất Thiếu Lâm" trước "Hoàng tử Muay Thái" Buakaw hồi tháng 6 năm ngoái ngay tại Trung Quốc.

Niềm tự hào Trung Quốc & tai tiếng ăn cắp của Sambo Nga - Ảnh 4.

Yi Long từng "sấp mặt" trước Muay Thái và võ tổng hợp của Mỹ.

Đáng nói Buakaw cũng chính là người từng 12 lần đánh bại các đối thủ Trung Hoa, bao gồm: Sun Tao, Xu Yan, Dong Wenfei, Zhou Zhipeng, Lu Xiang Wei, Zhang Chunyu, Li Chengxiang, Yuan Bing, Yi Long, Gu Hui, Liu Hai-nan và Ling Feng.

Ngoài Buakaw, một cao thủ khét tiếng làng Muay khác là "Quái vật Trung Đông" Alamdarnezam cũng từng 6 lần đối đầu với các đối thủ Trung Quốc và đều giành thắng lợi, và chỉ 1 lần chịu thua tranh cãi trước Yi Long vào tháng 1 vừa qua tại Thượng Hải.

Tại Trung Quốc, mặc dù được lăng-xê rất nhiều nhưng rốt cục Yi Long đã 2 lần bị đánh cho knock-out khi thượng đài với các võ sĩ của Mỹ. Đó là những thất bại mất mặt trước Adrienne Grotte năm 2010 và Pickthall năm 2012.

Không chỉ với tán thủ, ngay tới môn võ bậc nhất về danh tiếng như Thiếu Lâm cũng ngày càng mất uy trong mắt thế giới.

Một số kỹ thuật căn bản trong môn Tán thủ (Wushu).

Vài năm trước, một lữ đoàn đặc nhiệm quân đội tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã quyết định hủy bỏ đào tạo nhiều loại "tuyệt kỹ võ công" như đập gạch trên đầu, dùng cổ họng đẩy cong cây thép, dùng yết hầu chống thanh thép để đẩy xe ôtô…

Nguyên nhân là vì bị chỉ trích thiếu tính thực tế và có thể biến binh lính thành những "con hổ giấy" trên chiến trường.

Rõ ràng, người Trung Quốc đã từng ngộ nhận và ảo tưởng sức mạnh về chính bản thân mình. Nếu không kịp thời "tỉnh ngộ", việc nền võ thuật Trung Hoa ngày càng tụt hậu so với thế giới sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Tại kỳ Olympic Bắc Kinh 2008, với vai trò chủ nhà, Trung Quốc đã dùng mọi cách để vận động đưa môn võ Wushu vào chương trình thi đấu chính thức của Thế vận hội giống như quyền Anh, Taekwondo, Judo, Vật… Tuy nhiên nỗ lực này đã thất bại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại