Niềm mơ ước của bao người Việt đang dần mất sức hút
Sedan, với hình ảnh quen thuộc của một chiếc xe 4 bánh thon dài, gầm thấp, đã từng là biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô và là lựa chọn hàng đầu của giới doanh nhân. Trải qua hơn 100 năm, sedan vẫn hiện hữu trong các phân khúc từ bình dân đến cao cấp, khẳng định vị trí không thể thay thế của mình.
Tại Việt Nam, sedan hạng D cũng xuất hiện sớm và có nhiều tên tuổi đã quen thuộc, thậm chí từng là niềm mơ ước với người tiêu dùng đại chúng, như Toyota Camry hay Honda Accord. Một thời gian dài, phần lớn những mẫu sedan này đều có doanh thu rất tốt tại Việt Nam.
Theo tờ Vietnamnet, vào thời kỳ đỉnh cao, phân khúc sedan hạng D có doanh số bán lên tới hơn 10.000 xe/năm.
Nhưng nay, các mẫu xe như Toyota Camry, Honda Accord, Madza6, KIA K5 ngày càng bớt khách. Teana và Sonata là 2 đại diện của Nissan và Hyundai phải dừng bán do không đạt hiệu quả doanh số.
Trang Vneconomy dẫn lại theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2023, mẫu xe bán chạy nhất phân khúc sedan hạng D là Toyota Camry đạt 2.429 xe (trung bình 200 xe mỗi tháng), Mazda6 bán được 1.094 xe, Honda Accord cả năm thậm chí chỉ bán được 58 xe.
Tháng 1/2024, doanh số bán toàn phân khúc sedan hạng D chỉ đạt 195 xe, giảm 57% so với tháng 12/2023. Doanh số Toyota Camry, Mazda6 và Kia K5 đều tụt mạnh. Trong đó, Toyota Camry là chỉ đạt 103 xe; Mazda6 đạt 50 xe và Kia K5 đạt 34 xe. Còn Honda Accord đạt 8 xe.
Giới kinh doanh ô tô nhận định năm 2024 sedan hạng D tiếp tục là phân khúc bị “lãng quên”. Vậy đâu là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này?
Sự lên ngôi của dòng xe gầm cao
Ưa chuộng xe gầm cao là một xu hướng của ngành ô tô thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhiều khách hàng đang chuyển mạnh sang những mẫu xe CUV/SUV như Toyota Raize, KIA Sonet, hay những mẫu MPV như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7 thay vì đa số chọn sedan truyền thống.
Sự chuyển đổi trên là tất yếu, nguyên nhân là do nhược điểm của dòng xe này trong nhu cầu đi lại, vận chuyển thời hiện tại.
Do gầm thấp nên sedan bị hạn chế khi đi những đường xấu, nhiều ổ gà, đường đèo dốc. Không gian sedan lại không được rộng thoáng như SUV do kết cấu 3 khoang. Vì thế, người dùng dần quay lưng với sedan truyền thống để chọn một mẫu xe hợp với xu hướng hơn, đó chính là xe gầm cao.
Nhìn vào số liệu bán hàng của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam hiện nay, không khó để nhận thấy sự chuyển dịch trong xu hướng chọn mua xe của người dùng. Trong đó, những phân khúc xe cỡ nhỏ, xe đa dụng dành cho đô thị đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng.
Sedan hạng D bởi vì mức giá khá cao khó tiếp cận và công năng hạn chế nên khó đáp ứng nhu cầu đa dạng của số đông người dùng. Khi kinh tế phát triển và nhu cầu sở hữu ô tô tăng lên, chiếc ô tô dần trở thành một phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của mọi người, thì những thế mạnh của xe gầm cao, đặc biệt là giá bán cạnh tranh lại được phát huy, nhất là khi khách hàng đang có xu hướng trẻ hoá, thích xe mang phong cách thể thao, hiện đại như xe gầm cao.
Sự thay đổi trong chiến lược bán hàng
Những năm gần đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phân khúc xe gầm cao, các hãng xe bắt đầu có nhiều thay đổi chiến lược đối với dòng xe sedan truyền thống. Theo đó, các phân khúc sedan được phân hóa khá rõ nét để phục vụ 3 nhóm đối tượng chính.
Một là phân khúc cao cấp phục vụ khách hàng thực sự có điều kiện kinh tế. Hai là phân khúc giá rẻ, tập trung vào những mẫu sedan hạng A. Những mẫu sedan hạng D do giá khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, lại chưa đủ đẳng cấp để thực sự bước vào hàng ngũ xe sang nên trở nên "lỡ cỡ" khó tiếp cận số đông khách hàng.
Doanh số cả phân khúc sedan hạng D sụt giảm khiến các hãng xe liên tục áp dụng chương trình ưu đãi, giảm giá nhưng vẫn không chưa thể vực lại được thành tích của trước đó của những mẫu xe này.