Mới đây, trang mạng National Interest (NI-Mỹ) đã đăng bài viết của Giám đốc Bộ phận nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ Harry J. Kazianis cho biết để kiềm chế Trung Quốc-Nga, Mỹ nên bán hoặc cho thuê tàu ngầm hạt nhân tấn công cho Australia; đồng thời ông này tin rằng đây sẽ là cơn ác mộng đối với cả Trung Quốc và Nga.
"Để giảm bớt ảnh hưởng từ việc xây dựng lực lượng hải quân khổng lồ của Trung Quốc và triệt tiêu sự nguy hiểm của mạng lưới tác chiến chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương, Washington có thể bán hoặc cho Australia thuê các tàu ngầm hạt nhân tấn công - thường được gọi là nền tảng vũ khí tiên tiến nhất, đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia hùng mạnh", ông cho biết, ý tưởng này luôn bị chỉ trích là điên rồ và khó xảy ra nhưng vẫn rất đáng để cân nhắc.
Ý tưởng "điên rồ"
Theo bài báo, Canberra sẽ nhận được hệ thống tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới. Mặc dù giá đắt hơn các tàu ngầm thông thường nhưng xét từ nhu cầu Australia phải tuần tra trong một khu vực rộng thì các tàu ngầm lớn với hành trình dài hơn là một lựa chọn để xem xét.
"Các tàu ngầm như vậy sẽ có sức mạnh chiến đấu mạnh hơn các tàu ngầm do Nhật Bản và các quốc gia khác sản xuất, vừa để thay thế các tàu ngầm lớp Collins dễ xảy ra trục trặc kỹ thuật, đồng thời cung cấp chiều sâu chiến lược, điều này sẽ rất có ích nếu Bắc Kinh thực sự mở rộng yêu sách ở khu vực Đông Á", chuyên gia Kazianis nói.
Tàu ngầm lớp Collins hiện là lực lượng chính trong tác chiến trên biển của Hải quân Australia. Nguồn ảnh: Hoàn cầu
Ông này cho rằng, nếu chính phủ Mỹ cởi mở với ý tưởng này, thì việc Australia chọn mua/thuê tàu ngầm lớp Virginia sẽ rất hợp lý. Sau khi mua, tàu ngầm Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với các tàu ngầm Mỹ ở vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Xét từ các yếu tố như căn cứ chung, hỗ trợ hậu cần, đào tạo và nhiều khía cạnh khác, có thể thấy điều này tốt cho cả hai nước.
Chuyên gia Mỹ cho biết, hải quân Mỹ đã báo cáo Quốc hội về kế hoạch triển khai 39 tàu ngầm hạt nhân tấn công trên toàn thế giới vào năm 2030.
"Nếu một cuộc khủng hoảng ở Tây Thái Bình Dương xảy ra, Mỹ có thể sử dụng tới 30 đến 31 tàu ngầm tấn công hạt nhân trong tác chiến và có thể triển khai 20 đến 24 tàu tới các chiến khu quan trọng. Nếu 8 đến 10 tàu ngầm hạt nhân của Australia hợp tác chặt chẽ với tàu ngầm Mỹ, thì tỷ lệ này tương đương với 30% đến 40% lực lượng bổ sung. Sự cân nhắc này chắc chắn sẽ hấp dẫn đối với cả Mỹ và Australia", ông Kazianis nhấn mạnh.
Trong khi đó, các tàu ngầm cũ của Hải quân Mỹ như tàu ngầm lớp Los Angeles, có thể tham gia chương trình tàu ngầm hạt nhân của Australia theo một cách khác. Ông này cho rằng, trong giai đoạn đầu, hải quân Australia và Mỹ có thể cùng vận hành một hoặc hai tàu ngầm hạt nhân lớp Los Angeles.
Sự sắp xếp đặc biệt này nhằm để bồi dưỡng, phát triển các kỹ năng quan trọng của hải quân Australia và kéo dài thời gian phục vụ của các tàu ngầm hạt nhân tấn công có giá trị của Mỹ dài hơn vài năm so với kế hoạch hiện tại.
Chuyên gia Mỹ còn tiết lộ, nhiều chuyên gia quốc phòng nổi tiếng khác cũng tin rằng việc mua tàu ngầm hạt nhân của Australia là khả thi.
Ông Simon Cowan, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu độc lập, coi quan điểm cho rằng Australia không nên dựa vào sự hỗ trợ của nước ngoài là sai. Theo ông Cowen, trên thực tế, nước này đã phụ thuộc rất nhiều vào sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang cũng như các công ty quốc phòng nước ngoài để duy trì và phát triển các nền tảng vũ khí.
"Tôi vẫn tin rằng lựa chọn tốt nhất cho Canberra là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Những điều khác đều không phải là vấn đề được ưu tiên nhất", ông này nói.
Chuyên gia Nga phản đối, chuyên gia TQ công nhận
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga lại phản bác quan điểm về cơn ác mộng đối với Trung-Nga của truyền thông Mỹ.
Vào ngày 12/11, hãng tin RIA Novosti dẫn lời một chuyên gia quân sự Nga nói rằng việc bán hoặc chuyển giao tàu ngầm hạt nhân cho Australia sẽ không cho Mỹ bất kỳ lợi thế nào trước Nga và Trung Quốc bởi Australia không phải là một cường quốc hạt nhân.
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Reuters
Đồng thời, theo ông này, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đối với Mỹ do vi phạm hiệp ước xuất khẩu công nghệ hạt nhân và ông tin rằng ngay cả khi Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nước này cũng sẽ không đạt được nhiều lợi thế chiến thuật và chiến lược hơn so Trung Quốc hay Nga.
Theo ông Mikhail Khodarenok, Đại tá Không quân Nga đã nghỉ hưu cho biết, nếu kịch bản được chuyên gia Mỹ mô tả trở thành sự thực, tất nhiên, nó sẽ thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh có lợi cho phương Tây ở châu Á-Thái Bình Dương, nhưng nếu nói rằng đây sẽ là một thảm họa đối với Trung Quốc thì đó là sự cường điệu lớn.
"Hải quân Trung Quốc đang được xây dựng với tốc độ ấn tượng theo phong cách Bolshevik, thậm chí có thể trở thành sức mạnh lớn nhất trên trên biển không chỉ ở Thái Bình Dương mà trên toàn thế giới trong tương lai gần", ông nói.
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Mỹ và Canada Vladimir Batyuk chỉ ra, nếu Australia bằng cách nào đó được cung cấp tàu ngầm tấn công hạt nhân thì đó sẽ không phải là vấn đề lớn đối với Nga vì lý do địa lý đơn thuần khi khoảng cách giữa hai nước là 10.000km.
Ông nói: "Tôi chưa từng nghe về bất kỳ kế hoạch nào của Australia liên quan đến các hoạt động hải quân ở gần vùng biển Nga. Nó có thể trở thành một vấn đề với Trung Quốc, nhưng không phải là Nga".
Ngoài ra, chuyên gia quân sự Nga Andrei Koshkin nhận định, Mỹ rất tích cực trong việc sử dụng các khả năng của mình để tăng áp lực quân sự, chính trị, tâm lý và kinh tế đối với Nga. Nhưng cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn của Washington bởi tầm nhìn chiến lược là một chuyện và việc thực hiện trên thực tế là một chuyện khác. Sau khi cung cấp tàu ngầm hạt nhân, Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển của công nghệ hạt nhân, ông này nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc cho rằng, bài báo của NI thực ra đang nhắm vào Trung Quốc bởi không có nhiều nội dung trong văn bản liên quan đến Nga.
"Đối với Mỹ, việc liệu có thể bán hoặc cho thuê nền tảng năng lượng hạt nhân tiên tiến nhất của lớp Virginia cho các đồng minh hay không thực sự là một dấu hỏi lớn. Đối với một quốc gia như Australia, việc mua khoảng 10 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia nằm ngoài khả năng kinh tế. Nếu Mỹ chế tạo các tàu ngầm hạt nhân này và sau đó cho Australia hoặc các nước khác thuê thì rõ ràng sức đe dọa nằm trong tay các nước này sẽ không bằng nằm trong tay Mỹ", Hoàn cầu bình luận.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt thừa nhận, nếu Mỹ và Australia hợp tác trong vấn đề này, nó sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho Trung Quốc và Nga. Bởi lớp Virginia là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể chạy ở chế độ yên tĩnh, có thể tác chiến biển xa cũng như chấp hành nhiệm vụ biển gần nên sẽ mang tới mối đe dọa cho biên đội tàu ngầm quy mô lớn của Trung-Nga.