Thông tin này đã được đăng tải trong tài liệu trên trang web của công ty nghiên cứu-phân tích tư nhân Stratfor.
Tài liệu này của Stratfor cũng đưa ra đánh giá về đề xuất củng cố hợp tác quân sự giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống lại các phần tử cực đoan ở Syria. Theo Stratfor, chính quyền Tổng thống Obama đã đưa ra đề xuất "trao đổi các thông tin về phối hợp cùng ném bom vào các lực lượng Dzebhat an-Nusra".
Theo Stratfor, nếu thông tin về sự hợp tác này giữa Mỹ với Nga được xác nhận thì "đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất về chiến lược kể từ khi bắt đầu nảy sinh cuộc nội chiến tại Syria".
"Các hiểm họa va chạm với Nga đã thực sự giảm xuống, còn các phong trào nổi dậy sẽ bị suy yếu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Moscow sẽ có được các khả năng tự bảo vệ các lợi ích của mình ở Syria và thoát khỏi sự cô lập về địa chính trị"- Stratfor nhận định.
Washington không thực hiện "Kế hoạch B"
Theo đánh giá của Stratfor, Mỹ trước đó đã lên tiếng đe dọa rằng nếu như các thỏa thuận Geneva về hòa bình cho Syria sụp đổ, Mỹ sẽ áp dụng cái gọi là "Kế hoạch B". Kế hoạch này xem xét đến việc mở rộng cung cấp vũ khí cho các lực lượng "đối lập ôn hòa".
"Các cuộc đàm phán cuối cùng cũng kết thúc bằng thất bại. Tuy nhiên, do Nga đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự và tấn công vào các lực lượng nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn, Mỹ quyết định không áp dụng "Kế hoạch B". Họ lo ngại sẽ đẩy tiến trình hòa bình ở Syria vào ngõ cụt, cũng như khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp với Moscow"- Stratfor viết.
"Đề xuất được đưa ra ngày 27/6 là nỗ lực của Washington nhằm thay đổi tình hình hiện nay ở Syria và tránh làm tình hình tiếp tục leo thang".
"Đề xuất này có tính đến việc thực hiện hàng loạt nhượng bộ trước Nga. Nhượng bộ đầu tiên là việc tăng cường hợp tác với Nga, thậm chí là chia sẻ các thông tin về các mục tiêu tiến hành không kích. Moscow đã không ít lần yêu cầu thực hiện nội dung này vì điều đó sẽ chấm dứt việc cô lập Nga và khiến đối thoại với Mỹ trở nên cần thiết".
"Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã lên tiếng phản đối nhượng bộ Nga vì ông ấy quan ngại rằng điều này sẽ khiến những áp lực do Mỹ và đồng minh tác động lên Nga vì các sự kiện ở Ukraine bị suy yếu"- Stratfor đánh giá.
Tổng thống Syria al-Assad.
Damascus đang củng cố vị thế
Ngoài các nội dung trên, tài liệu của Stratfor cũng chỉ rõ rằng nếu như thỏa thuận giữa Nga và Mỹ được thực hiện thì vị thế của các lực lượng đang chống chính quyền Damascus ở Syria sẽ bị suy yếu đáng kể.
"Thỏa thuận giữa Nga và Mỹ cũng tính đến việc các lực lượng Nga và Mỹ sẽ cùng phối hợp không kích vào các vị trí của lực lượng Dzebhat an-Nusra (là lực lượng nổi dậy then chốt"- Stratfor thông tin.
Theo đánh giá của Stratfor, "thất bại của các lực lượng này cũng đồng nghĩa với việc các lực lượng cảu chính quyền Syria sẽ củng cố được vị thế so với các lực lượng nổi dậy. Trong bối cảnh này, chính quyền Syria sẽ không có bất cứ lý do nào phải nhượng bộ trước kẻ thù".
Trong một bài báo khác trên tờ Washington Post (tờ đầu tiên đăng tải các thông tin về sáng kiến của Mỹ) cũng đề cập đến thông tin cho rằng văn kiện về thỏa thuận này đã được chuyển đến chính quyền Nga từ ngày 27/6 "sau một vài tuần tiến hành đàm phán và thảo luận trong nội bộ chính quyền Washington".
Theo Washington Post, đề xuất trên (hợp tác với Nga của Mỹ) đã được đích thân Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry ủng hộ.