Những vụ tống tiền kỳ quặc nhằm vào hãng hàng không

Huyền Thi |

Trên thế giới từng xảy ra những vụ hãng hàng không bị tống tiền bằng cách dọa cho nổ máy bay. Có kẻ đã kiếm được mớ tiền bằng trò này. Nhưng lưới trời khó thoát, cuối cùng chúng vẫn phải giá trong tù.

Lời dọa dẫm trị giá 500.000 đô la Australia

Ngày 26-5-1971, 6 tháng trước khi tên không tặc bí hiểm nhất lịch sử DB Cooper gây án trên chiếc Boeing 727 sau đó nhảy dù khỏi máy bay và trốn thoát, trụ sở hãng hàng không Qantas tại Australia nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông tự xưng là “ông Brown”.

Hắn bình tĩnh tuyên bố trong điện thoại rằng hắn đã giấu một quả bom trên chuyến bay 775 của hãng hạ cánh xuống Hồng Kông, nếu Qantas chịu trả cho hắn 500.000 đô la Australia thì hắn sẽ tiết lộ cụ thể địa điểm của quả bom và cứu mạng hàng trăm hành khách.

Để Qantas tin vào lời đe doạ của mình hơn, ông Brown còn “bật mí” rằng nếu cảnh sát kiểm tra tủ đề đồ số 84 tại sân bay quốc tế Kingsford-Smith, Sydney, họ sẽ tìm thấy bản sao của quả bom thật.

Đúng là Cảnh sát Australia đã phát hiện một quả bom với cơ chế được kích hoạt bằng cao độ kế. Tinh vi hơn, quả bom giả còn đi kèm một lá thư: “Nếu máy bay bay thấp hơn 6.000 mét, quả bom sẽ nổ”.

Cơ trưởng William Selwyn hồi tưởng lại: “Chúng tôi được lệnh phải duy trì độ cao ở 10.000 mét để chắc chắn quả bom sẽ không bị kích nổ.”

Chính quyền Australia ngay lập tức hành động. Đầu tiên, các chuyên gia được cử đến sân bay quốc tế Kingsford-Smith để gỡ quả bom bản sao, sau đó họ thay thế chất nổ bằng một chiếc bóng đèn.

Những vụ tống tiền kỳ quặc nhằm vào hãng hàng không - Ảnh 1.

Juan M. Thompson - cựu nhà báo mạo danh bạn gái, gọi điện đe dọa đánh bom các trung tâm cộng đồng Do Thái để trả thù tình.


Để kiểm chứng lời đe dọa của “ông Brown”, quả bom bản sao được mang lên máy bay, và chiếc Boeing 707 bay 2590 mét lên không trung, rồi từ từ hạ độ cao.

Khi máy bay đạt độ cao 1.500 mét, bóng đèn trên quả bom bản sao phát sáng và nếu các chuyên gia chưa thay thế chất nổ với bóng đèn, thì quả bom đã phát nổ và giết chết toàn bộ phi hành đoàn. Điều này có nghĩa là tên Brown không doạ suông, và cơ quan chức năng cần phải hành động.

Tiếp viên trên chuyến bay 775 bình tĩnh thông báo cho 115 hành khách rằng máy bay phải quay lại Sydney vì một số trục trặc kĩ thuật. Nhưng kế hoãn binh này cũng không thể duy trì được mãi mãi, đặc biệt là khi máy bay đang cạn dần nhiên liệu.

Cuối cùng, hãng Qantas chấp nhận đưa tiền cho “ông Brown”. Vào 5h chiều, Phó Giám đốc của hãng là ông Philip Howston nhận cuộc gọi của kẻ khủng bố và tên này chỉ mất có hơn 10 phút để trình bày cách chuyển tiền cũng như các điều kiện của hắn.

Cụ thể hơn, một chiếc xe van màu vàng sẽ xuất hiện trước lối vào của trụ sở Qantas trên quảng trường Chifley vào lúc 5h45’ chiều, sau đó tài xế của xe sẽ đưa chìa khoá khỏi cửa sổ và lắc chùm chìa khoá để ra hiệu với người đưa tiền.

Hắn đặc biệt lưu ý với ông Howston rằng không một ai được phép đi theo chiếc xe, và kế hoạch chỉ cần đi chệch hướng một chút thôi thì hậu quả sẽ cực kì tàn khốc.

Cơ trưởng RJ Richie tình nguyện làm người đi giao tiền chuộc cho “Mr. Brown” và đúng như tên không tặc giấu mặt này hướng dẫn, anh Richie đã sớm nhìn thấy một chiếc Volkswagen Kombi màu vàng đỗ trước cửa trụ sở Qantas, sẵn sàng đợi anh đấy các vali đựng tiền chuộc lên xe.

Tuy nhiên, 4 chiếc xe cảnh sát phục sẵn ở gần đó lại không hề nhận được mật hiệu của hãng hàng không cho biết việc đưa tiền chuộc đang diễn ra; chính vì vậy họ đã lỡ mất cơ hội vây bắt “ông Brown”.

Vào lúc 6h20’ chiều cùng ngày, lực lượng chức năng nhận được cuộc điện thoại cuối cùng từ “ông Brown”: “Các người yên tâm được rồi đấy. Thực ra chẳng có quả bom nào cả, nên máy bay có thể hạ cánh an toàn ngay bây giờ”.

Và cứ như vậy, “ngài Brown” biến mất cùng 500.000 đô la Australia, không để lại dù chỉ là một mẩu manh mối.

Để có thể tóm được kẻ lừa đảo với biệt danh Brown, chính quyền đã đưa ra mức thưởng 50,000 đô la Australia cho bất cứ ai có thông tin về danh tính cũng như tung tích của hắn.

Cảnh sát Australia còn hợp tác với cảnh sát Anh, Interpol và FBI nhằm mở rộng mạng lưới tìm kiếm, cũng như loại trừ bớt số kẻ tình nghi.

Các chuyên gia về giọng nói cũng được yêu cầu nghe và thẩm định giọng nói của “ông Brown” trong băng ghi âm 3 cuộc điện thoại, bản phác thảo chân dung hắn được phát đi khắp nơi…

Cuối cùng, một cuộc gọi đến đường dây nóng của một nhân viên trạm xăng về người đàn ông “tiêu tiền như nước” đã khiến toàn bộ cuộc điều tra chuyển hướng. Người đàn ông đó là Raymond James Poynting, một kĩ sư bị đuổi việc và một con sâu rượu.

Vốn là một người có hoàn cảnh kinh tế khá khốn đốn, hắn đã khiến những khách quen ở trạm xăng hắn hay lui tới phải kinh ngạc khi lái một chiếc siêu xe Jaguar mới cóng đến đổ xăng.

Vài tuần sau, hắn lại được trông thấy lái một chiếc xe sang khác… Sau một thời gian giám sát, cảnh sát bắt giữ Raymond James Poynting và hắn nhanh chóng khai ra tất cả: Hắn chỉ là đồng phạm, còn kẻ chủ mưu đích thực là Peter Macari.

Peter Macari là công dân Anh, nhưng hắn đã sử dụng hộ chiếu giả để trốn sang Australia vào năm 1969 trước khi phải ra toà vì tội hiếp dâm không thành.

Cuộc sống của Peter tại Australia lại không hề dễ dàng. Hắn mở một xưởng đóng thuyền tại Brookvale, Sydney nhưng nhanh chóng phá sản, mất trắng một nửa số tiền tiết kiệm và bắt đầu lang thang khắp nơi.

Trong những ngày vất vưởng, Peter đã nghĩ ra một kế hoạch kiếm tiền mới sau khi xem bộ phim “Doomsday Flight” trên truyền hình. Lấy bối cảnh tại Mỹ, bộ phim kể về một chuyến bay bị gài một quả bom với cơ chế tự kích hoạt bằng cao độ kế, và quả bom sẽ tự động nổ nếu chiếc máy bay Douglas DC-8 hạ cánh.

Sau khi xem phim Peter sau khi xem xong phim đã thốt lên: “Đây quả là một cách kiếm tiền hay”. Vừa hay, Peter Macari lại chơi thân với Francis Sorohan.

Chính Francis là người đã ăn trộm toàn bộ vật liệu dùng để chế tạo bom mà hắn ăn cắp từ chỗ làm của hắn là mỏ Núi Isa, rồi bán cho Peter với giá 100 đô la Australia.

Những vụ tống tiền kỳ quặc nhằm vào hãng hàng không - Ảnh 2.

Cảnh sát bên vali tiền - tang vật của vụ tống tiền Hãng hàng không Qantas.


Vào ngày 4-8-1971, 3 tháng sau khi vụ lừa đảo diễn ra, cảnh sát đã bắt được “ông Brown” - tên thật là Peter Macari, cùng hai đồng phạm là Francis Sorohan - kẻ cung cấp vật liệu chế tạo bom, và Raymond James Poynting - kẻ đã viết thư đe doạ và gài bom tại tủ để đồ.

Peter phải chịu án 15 năm tù vì tội chủ mưu, còn Raymond thì phải lãnh mức án 7 năm vì vai trò đồng phạm. Vào 12-11-1980, sau 9 năm thi hành án, Peter được trả tự do. Mỉa mai thay, hắn quay lại Anh trên một chuyến bay của hãng Qantas.

Tống tiền để… trả thù người yêu cũ

Nếu Peter Macari và đồng bọn dọa đánh bom đơn giản chỉ để tống tiền, thì động cơ gây án của nhà báo Juan M. Thompson - cựu phóng viên thuộc tờ báo chuyên về các vấn đề an ninh quốc gia tại Mỹ - lại đê hèn hơn nhiều.

Cuộc đời của Juan M. Thompson ngoài dối trá ra thì hầu như toàn thất bại. Juan sinh năm 1985 và lớn lên tại thành phố St. Louis, bang Missouri.

Hắn được nhận vào đại học Vassar danh tiếng, tham gia vào ban biên tập của tờ báo trường, thực tập cho báo DNAInfo Chicago và đài Phát thanh WBEZ vài tháng, nhưng cuối cùng lại không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp.

Năm 2016, hắn còn tham gia ứng cử cho chức thị trưởng thành phố St. Louis, tuy nhiên hắn chỉ thu được vỏn vẹn… 25 đô la Mỹ từ chương trình gây quỹ.

Juan được nhận vào làm phóng viên của tờ Intercept - một tờ báo vang danh vì những bài viết vạch trần các scandal của chính phủ Mỹ và của các tập đoàn đa quốc gia, cũng như các tội ác chiến tranh mà binh lính Mỹ gây ra khi chiến đấu ở nước ngoài.

Vào năm 2016, Juan đã phỏng vấn một người em họ của Dylan Roof - thủ phạm vụ xả súng tại nhà thờ Charleston.

Trong bài báo của mình, Juan viết rằng tên Dylan Roof sát hại những người Mỹ gốc Phi đi dự lễ nhà thờ hôm đó vì người yêu cũ của Dylan đã chia tay với hắn để yêu một người đàn ông da đen.

Thông tin này trên thực tế là một lời dối trá trắng trợn vì ngay sau khi bài báo được in, gia đình của Dylan Roof lên tiếng rằng không có người em họ nào đã trả lời phỏng vấn tờ Intercept, và nguyên nhân Dylan gây án là vì hắn theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng chứ không phải vì mâu thuẫn tình cảm. Sau khi nhận được khiếu nại của gia đình Dylan Roof, báo Intercept đã bắt đầu điều tra.

Thì ra Juan đã sử dụng mánh khoé này trong rất nhiều bài báo: Hắn bịa ra tên người được phỏng vấn, sau đó bịa luôn ra cả những gì họ nói để hắn thoải mái thể hiện quan điểm bản thân trong bài viết và đỡ mất công đi tìm gặp người khác.

Mỗi khi toà soạn yêu cầu Juan nộp bằng chứng như tên họ, địa chỉ của những người hắn phỏng vấn, tên này lại biện minh rằng họ là những người da màu thân cô thế cô, và việc ép buộc họ lộ mặt là đẩy họ vào hiểm nguy còn không tin tưởng họ là phân biệt chủng tộc, hoặc hắn gặp những người đó tại nơi công cộng và quên không lưu số điện thoại.

Thậm chí hắn còn nói dối ra mình đang phải đi xạ trị chữa ung thư nên không kịp gửi bằng chứng cho ban biên tập. Mọi sự chỉ bại lộ khi Juan tự lập một tài khoản Gmail nhằm chứng minh danh tính của một nhân vật hắn phỏng vấn, nhưng tên của tài khoản lại trùng tên… tổng biên tập. Juan nhanh chóng bị đuổi việc vào tháng 2-2016.

Năm 2016, sau khi bạn gái của Juan nói lời chia tay với hắn, tên này bắt đầu quấy rối cô gái qua mạng và đỉnh điểm là hắn bắt đầu giả giọng cũng như đăng kí tài khoản email bằng tên bạn gái cũ, rồi gọi điện đe doạ đặt bom các trung tâm cộng đồng của người Do Thái để vu oan cô.

Tinh vi hơn, hắn cũng đích thân gọi điện cho những trung tâm này và buông lời doạ dẫm để sau đó đi tố cáo với cảnh sát rằng bạn gái cũ đã vu oan cho mình.

Sau đó Juan lên Twitter, đăng tải thông tin rằng người yêu cũ của hắn đã gửi hẳn một quả bom mang tên hắn đến một trung tâm cộng đồng của người Do Thái.

Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, FBI đã nhanh chóng phát hiện ra kẻ thực hiện tất cả những cuộc gọi đáng sợ chỉ có Juan Thompson. Vào cuối năm 2017, Juan bị tuyên án 5 năm vì tội đe dọa đặt bom.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại