Những vụ nổ bí ẩn khiến căng thẳng Iran - Israel leo thang

Hoài Thanh |

Trước kì bầu cử Tổng thống Mỹ và trong bối cảnh Iran đưa ra cáo buộc liên quan đến các vụ nổ bí ẩn gần đây tại nước này, Israel hiện sẵn sàng cho các kịch bản leo thang đối đầu với Tehran.

Vài ngày sau khi xảy ra vụ nổ hôm 2/7 phá hủy phần lớ kết cấu bên trên mặt đất tại cơ sở hạt nhân Natanz, Iran, xuất hiện thông tin cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã yêu cầu Giám đốc cơ quan tình báo Mossad, ông Yossi Cohen, đảm nhận cương vị thêm một năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, ông Cohen chỉ đồng ý nắm quyền thêm 6 tháng.

Đến ngày 3/7, Israel đã phóng vệ tinh do thám Ofek 16 lên không gian, giúp tăng cường khả năng bám nắm, theo dõi các động thái trên thế giới, đặc biệt là với Iran. Hệ thống camera tinh vi đặt trên vệ tinh này giúp Israel có thể phát hiện các vật thể có kích thước nhỏ cỡ 50 cm.

Giới chức tình báo tin rằng, Iran đang đánh giá lại chiến lược mà họ gọi là “chính sách kiên nhẫn chiến lược”. Chính người Iran cũng thừa nhận điều này. Hãng thông tấn nhà nước IRNA trong một bài bình luận khẳng định Tehran cho đến thời điểm này cố gắng không để các cuộc khủng hoảng leo thang. Nhưng nếu các thế lực thù địch – nhất là nhà nước Do Thái, vượt quá giới hạn đỏ, Iran sẽ điều chỉnh chiến lược.

Một loạt các vụ cháy, nổ bí ẩn bắt đầu xảy ra tại từ cuối tháng 6. Khởi đầu là vụ cháy tại một cơ sở sản chế tạo vũ khí ở Parchin. Kế đến là một vụ được cho là tấn công phá hoại có chủ đích nhằm vào một bệnh viện ở Tehran. Liền sau đó là vụ nổ ở tại cơ sở hạt nhân Natanz, gây ra đám cháy lớn, phá hủy phần lớn kết cấu xây nổi trên mặt đất.

Israel đang giám sát chặt chẽ tình thế tiên thoái lưỡng nan mà Iran phải đối mặt. Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Quân sự Israel Amos Yadlin cho biết, ông không bất ngờ trước việc Iran trong những ngày gần đây bận thảo luận về chính sách “kiên trì chiến lược”.

Theo một số nguồn tin tại Israel, phía Iran mới đây tìm cách lập kế hoạch và thực hiện một số vụ tấn công nhằm vào lợi ích của Israel, như các đại sứ quán và nhiều mục tiêu khác trên khắp thế giới, đa phần là ở châu Âu. Nhưng tình báo Mossad cùng với các đối tác châu Âu đã chặn đứng những âm mưu này.

Một quan chức an ninh cấp cao Israel tiết lộ, nước này đã chuẩn bị mọi biện pháp để đối phó với hành động đa dạng từ Tehran. Đó có thể là vụ tấn công do lực lượng ủy nhiệm của Iran tiến hành, có thể lầ đòn đánh vào các mục tiêu của Israel ở nước ngoài hoặc cũng có thể là tấn công mạng.

Những vụ nổ bí ẩn khiến căng thẳng Iran - Israel leo thang - Ảnh 1.

Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thế nhưng, ngay cả đòn phản ứng của Iran để chứng minh Tehran đã hết “kiên trì chiến lược” cũng không làm xoay chuyển mục tiêu đã được chính quyền Tổng thống Netanyahu tuyên bố: Bằng mọi công cụ, biện pháp không để Iran có được sức mạnh vũ khí hạt nhân. Các nguồn tin tình báo phương Tây đánh giá, vụ nổ tại cơ sở Natanz đã khiến chương trình hạt vũ khí hạt nhân của Iran chậm lại hai năm.

Israel và Iran đang đứng trước nguy cơ bị cuốn vào một cuộc chiến công khai ở mức độ cao nhất trong hai năm trở lại đây. Theo các nguồn tin nước ngoài, Israel và Iran đã thi nhau tấn công mạng nhằm vào nhau hai tháng qua. Israel từng có ý quy kết Iran tìm cách phá hoại các cơ sở cung cấp nước ngọt hồi tháng 4 vừa qua bằng đòn tấn công mạng. Nhưng Israel cũng không đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ tấn công mạng làm tê liệt hoạt động tại cảng Bandar Abbas của Iran trong tháng 5.

Một nhà ngoại giao phương Tây nhìn nhận: “Trong những tháng tới đây, căng thẳng được cho là sẽ còn tăng. Vấn đề nằm ở chỗ cả Israel và Iran đều chuẩn bị hướng tới tháng 11, để biết rõ được kết cục liệu Tổng thống Donald Trump sẽ tái đắc cử, hay ông Joe Biden sẽ là người thay thế, lên nắm quyền ở Nhà Trắng. Iran đang cầu nguyện cho ông Biden, hy vọng Tổng thống của đảng Dân chủ sẽ ký một thỏa thuận hạt nhân sửa đổi theo hướng có lợi cho Tehran. Israel cũng đang chạy đua trước khả năng này”.

Chính quyền Benjamin Netanyahu chưa nhận trách nhiệm gây ra vụ nổ tại Natanz và một số sự cố cháy, nổ khác vừa qua ở Iran. Nhưng tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời một số nguồn tin an ninh tại Trung Đông cho biết, Israel đã cài được bom vào cơ sở hạt nhân Natanz và gây nổ. Thông tin này lập tức gây ra phản ứng giận dữ trong nội bộ Israel.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman, Chủ tịch đảng Yisrael Beitenu yêu cầu ông Netanyahu phải “bịt miệng ngay” kẻ làm rò rỉ thông tin. Người mà ông Liberman muốn nói tới là Giám đốc Tình báo Mossad, ông Cohen. Thế nhưng ông Netanyahu chắc chắn sẽ không làm vậy trong bất luận tình huống nào, bởi ngay cả khi có rò rỉ thông tin, có thể chính ông Netanyahu là người cho phép, bật đèn xanh.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chịu nhiều sức ép bủa vây trong bối cảnh Israel rơi vào khủng hoảng kinh tế. Các cuộc thăm dò tuần này cho thấy, tỉ lệ ủng hộ của công chúng đối với năng lực xử lý khủng hoảng, nhất là về kinh tế, dành cho ông Netanyahu giảm mạnh. Lá bài duy nhất mà ông có thể chơi lúc này là an ninh và sẽ chơi đến cùng. Điều đó có nghĩa là một khi Iran từ bỏ “kiên nhẫn chiến lược”, Israel và cũng có thể cả Mỹ, sẽ có bước đi làm chậm lại, ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại