Vụ biến mất bí ẩn của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không AirAsia (Malaysia) một lần nữa khiến thế giới không khỏi rùng mình khi nó có khả năng là bí ẩn tiếp theo, nối dài chuỗi các vụ mất tích trong lịch sử hàng không quốc tế.
1937: Nữ phi công người Mỹ Amelia Earhart đã biến mất vào ngày 2/7 trong khi nỗ lực thực hiện hành trình bay vòng quanh quả địa cầu. Dấu vết của nữ phi công đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương biến mất trên Thái Bình Dương, gần đảo Howland.
Mô phỏng năm chiếc máy bay ném bom mất tích.
1945: Vụ mất tích bí ẩn này được biết đến dưới cái tên Chuyến bay số 19. Ngày 5/12, năm chiếc máy bay ném bom TBM Avengers, cất cánh từ một căn cứ quân sự ở Fort Lauderdale, bang Florida (Mỹ) để thực hiện một bài tập thông thường gần khu vực Tam giác quỷ Bermuda nhưng không bao giờ quay trở lại.
Chiếc tàu bay tuần tra ném bom PBM chở theo 13 người sau đó đã được cử đi tìm kiếm và lại tiếp tục mất tích. Một cuộc tìm kiếm những chiếc máy bay mất tích đã được tổ chức trên Đại Tây Dương và Vịnh Mexico. Nhưng chưa từng có dấu vết nào được phát hiện.
Một chiếc máy bay tương tự với chiếc Star Tiger đã mất tích.
1948 – 1949: Trong khoảng thời gian gần một năm, hai chiếc máy bay của hãng hàng không British South American Airways đã "bốc hơi" ở khu vực Tam giác quỷ Bermuda.
Tháng 1/1948, chiếc máy bay Star Tiger trong hành trình bay từ Anh đến Bermuda sau khi dừng tiếp nhiên liệu ở Azores đã biến mất trên hành trình đến chặng cuối.
Tháng 1/1949, chiếc máy bay Star Ariel rời Bermuda, hướng đến thủ đô Kingston (Jamaica) và không bao giờ được nhìn thấy trở lại cho dù một cuộc tìm kiếm với sự tham gia của hơn 70 chiếc máy bay đã diễn ra sau đó.
Chiếc máy bay tương tự chiếc đã mất tích của American Airways.
1957: Chuyến bay số 7 của hãng hàng không American Airways biến mất khỏi màn hình radar vào ngày 9/11 trong hành trình vòng quanh thế giới. Trước khi mất tích, chiếc máy bay này không gửi đi tín hiệu cảnh báo nào.
Khoảng một tuần sau đó, các mảnh vỡ và thi thể các nạn nhân được tìm thấy ở đại dương ngược hướng bay, nằm ở phía đông bắc của Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii (Mỹ).
Nguyên nhân của vụ rơi máy bay vẫn là một bí ẩn, đặc biệt sau khi kết quả kiểm tra chất độc cho thấy mức độ CO trong cơ thể của các nạn nhân được phát hiện cao hơn mức độ thông thường.
Chiếc máy bay tương tự với chiếc đã mất tích trên tây Thái Bình Dương của quân đội Mỹ.
1963: Cất cánh từ một căn cứ không quân của Mỹ ở bang California, chuyến bay 739 của hãng hàng không Flying Tiger Line đã biến mất ở tây Thái Bình Dương sau khi tiếp nhiên liệu tại căn cứ ở đảo Guam và hướng đến căn cứ không quân ở Philippines.
Tất cả 107 người trên máy bay được tuyên bố mất tích và được cho là đã chết. Cuộc tìm kiếm sau đó diễn ra trên diện tích rộng hơn 520.000 km2 trong tám ngày nhưng không đem lại kết quả nào.
Chiếc máy bay Boeing 727 14 năm trước khi bị đánh cắp.
2003: Chiếc máy bay Boeing 727 đã bị đánh cắp từ Angola và chưa bao giờ được tìm thấy.
Vụ trộm máy bay đã tạo ra một cuộc tìm kiếm trên phạm vi toàn thế giới vì lo ngại chiếc máy bay có thể được sử dụng trong một vụ tấn công và khiến cả Cục điều tra liên bang (FBI), Cơ quan tình báo trung ương (CIA) lẫn Bộ an ninh nội địa Mỹ phải một phen đau đầu.
Tuy nhiên, chưa từng có dấu vết nào của chiếc máy bay hay phi công Ben Charles Padilla được phát hiện. Trong khi đó, gia đình của phi công cho rằng người thân của họ đã bị bắt cóc.
Máy bay P-3K2-Orion của không lực Hoàng gia New Zealand tham gia tìm kiếm máy bay mất tích MH370 ở ngoài khơi Perth ngày 13/4. Ảnh: AFP/ TTXVN
2014: Sáng sớm ngày 8/3, chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn trong hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh đã mất tích ngay sau khi ra khỏi không phận của Malaysia.
Nhà chức trách Malaysia xác định máy bay đã thay đổi hành trình ban đầu và rơi xuống Nam Ấn Độ Dương sau khi hết nhiên liệu. Đến nay sau hơn 9 tháng tìm kiếm, tung tích của MH370 vẫn là một bí ẩn.
(Theo Aljazeera)